Lời đáp lại thứ hai của Gióp là một lời than thở thật dài, trong đó ông đưa ra những phát biểu khó hiểu (xem Gióp 3). Trong bài nói này, Gióp thực sự giải tỏa cảm xúc của mình - và tôi tin rằng đó hoàn toàn là phản ứng đúng đắn. Chúng ta không có ý định trở thành những kẻ khắc kỷ bất cần đời, những người không bao giờ để bất cứ điều gì ảnh hưởng đến chúng ta. Mục tiêu của chúng
ta không phải là tránh bất cứ điều gì sẽ làm tổn thương chúng ta. Chủ nghĩa khắc kỷ là một học thuyết trái ngược, phi Cơ Đốc giáo.
Tôi đã gặp những Cơ Đốc nhân có phần hơi khắc kỷ, và tôi thấy rằng thường có lý do đằng sau điều đó. Nhiều khả năng những người khắc kỷ này đã từng bị ai đó hoặc điều gì đó làm tổn thương. Thái độ bên trong của họ trở thành: “Tôi sẽ không bao giờ để bất kỳ ai đến gần để làm tổn thương tôi một lần nào nữa.”
Tôi có thể hiểu cách phản ứng đó. Nhưng đó là một phản ứng sai trật - bởi vì bạn không đủ khả năng để đóng cửa cảm xúc của mình. Hãy xem vua Đa-vít, một người mạnh mẽ, một chiến binh dũng cảm và một người yêu mến Đức Chúa Trời. Đa-vít đã bộc lộ cảm xúc của mình bằng một ngôn ngữ cực kỳ mạnh mẽ. Nếu thay vì bày tỏ cảm xúc của mình, chúng ta đóng chúng lại, chúng ta khổ sở và những điều đó bên trong chúng ta sẽ trở nên chua chát.
Không có gì sai khi thương tiếc cho những mất mát của chúng ta. Khi Môi-se qua đời, dân Y-sơ-ra-ên than khóc ông trong ba mươi ngày. Để cảm xúc bộc lộ ra bên ngoài là điều thích hợp. Bạn có thể nói với Chúa những cảm xúc thực sự của mình - ngay cả khi là không phải bằng một ngôn ngữ tôn giáo hay ho, mỹ miều.
Gần đây, tôi đọc một bài báo thú vị của một bác sĩ y khoa về chủ đề than thở. Về cơ bản, ông nói rằng than thở và đau buồn là một phần cần thiết của quá trình chữa bệnh. Chúng ta không thể kìm nén nỗi đau và nỗi buồn của mình. Chúng ta phải đưa chúng ra bên ngoài. Làm như vậy là phù hợp với Kinh Thánh.