Khi bạn và tôi tìm cách áp dụng những bài học từ câu chuyện của Gióp vào cuộc sống của chính mình, có một điểm cuối cùng tôi muốn đưa ra, và điều này rất quan trọng. II Phi-e-rơ 1:20 chép: “Không có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh được giải thích theo ý riêng của một người nào”. Từ ý riêng ở đây có nghĩa là “cá nhân”. Chúng ta không thể đưa ra lời giải thích Kinh Thánh cách cá nhân được. Chỉ có một Đấng giải thích Kinh Thánh được ủy quyền. Đấng giải thích đó là ai? Đức Thánh Linh. Chúng ta có thể có những lý thuyết và thần học nhỏ bé của mình, nhưng trừ khi chính Chúa Thánh Linh soi dẫn sự hiểu biết của chúng ta và bày tỏ lẽ thật của Lời Chúa, thì những gì chúng ta có sẽ chẳng là gì cả.
Càng đi với Chúa, tôi càng thấy rằng chúng ta chỉ biết lẽ thật của Chúa qua sự mặc khải. Chúng ta có thể học Kinh Thánh và thuộc lòng. Nhưng chúng ta sẽ không thực sự nhìn thấy bất cứ điều gì trừ khi Chúa Thánh Linh bày tỏ điều đó.
Tôi có một minh họa nhỏ cho lẽ thật này. Chúng ta có hai nguồn mặc khải chính - Kinh Thánh và Đức Thánh Linh. Lấy ví dụ một chiếc piano, nó chỉ là một nhạc cụ bình thường. Nó có năm mươi hai phím trắng, ba mươi sáu phím đen và kéo dài bảy quãng tám. Do đó, nó có những giới hạn nhất định. Tuy nhiên, khi một nghệ sĩ piano xuất sắc ngồi ở đó, dường như sẽ không có
một giới hạn nào đối với âm nhạc mà người đó có thể tạo ra từ chiếc piano.
Đàn piano là Kinh Thánh và nghệ sĩ piano là Chúa Thánh Linh. Những giai điệu duy nhất có giá trị là những giai điệu mà Chúa Thánh Linh tạo ra. Rõ ràng, không có một giới hạn nào đối với khả năng ban phát sự mặc khải của Ngài - nó là vô cùng vô tận! Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta biết tất cả mọi thứ về Kinh Thánh bởi vì điều đó làm ngăn trở Đức Thánh Linh. Chúng ta có thể biết ơn Chúa về những gì chúng ta biết - nhưng chúng ta phải luôn dành chỗ cho những gì chúng ta chưa biết.