RỦI RO PHÁP LÝ

Một phần của tài liệu SSI_Baocaothuongnien_2019 (Trang 56)

5. Xử lý rủi ro

RỦI RO PHÁP LÝ

Rủi ro pháp lý là rủi ro xảy ra cho Công ty xuất phát từ các nguyên nhân nội tại do ý thức tuân thủ pháp luật, kiến thức pháp luật, cách áp dụng luật của mỗi nhân viên và nguyên nhân từ bên ngoài do sự thay đổi các quy định pháp luật, sự kiện bất khả kháng trong quá trình hoạt động hàng ngày của Công ty. Đây là một rủi ro rất khó đo lường, tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, lợi ích tài chính và uy tín Công ty. Các rủi ro pháp lý mà mỗi công ty thường gặp chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp luật, thủ tục hành chính, hợp đồng, tố tụng.

HĐQT và Ban Lãnh đạo SSI đặc biệt coi trọng vấn đề này nên không chấp nhận bất cứ rủi ro pháp lý nào do việc cố tình vi phạm các quy định pháp lý gây ra. Vì vậy, Công ty đã thiết lập các biện pháp để nhận diện, phòng ngừa và hạn chế rủi ro pháp lý phát sinh như:

Phổ biến, cập nhật các quy định pháp luật mới đến HĐQT, Ban Tổng giám đốc, các cấp lãnh đạo và phòng ban có liên quan. Mở rộng hình thức phổ biến qua các kênh gửi thư, hệ thống nội bộ, đào tạo nội bộ. Các quy định được cập nhật không chỉ liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, mà bao gồm các các lĩnh vực khác có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của Công ty như các quy định chung về doanh nghiệp, thương mại, dân sự, cũng như các lĩnh vực chuyên môn kế toán, thuế, lao động v.v… Bộ phận Luật sẽ hỗ trợ các phòng ban trả lời các thắc mắc hoặc xin ý kiến từ các cơ quan có thẩm quyền, nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật được hiểu và thực hiện đúng;

Xây dựng quy chế, quy trình nội bộ đáp ứng yêu cầu hoạt động, tuân thủ và cập nhật quy định pháp luật, cụ thể hóa các công việc pháp lý thành các quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể, biên soạn các hợp đồng, văn bản mẫu đối với các dịch vụ thường xuyên cung cấp, cũng như các điều khoản mẫu bắt buộc tại các hợp đồng, thỏa thuận để việc sử dụng đáp ứng các chuẩn mực của Công ty; đảm bảo các quy chế, quy trình nội bộ, sản phẩm, đến các cam kết, hợp đồng… của Công ty trước khi được ban hành hoặc triển khai đều được kiểm tra và cho ý kiến từ Bộ phận Luật;

SSI rất chú trọng việc xây dựng hệ thống, phòng ban chuyên môn về luật. Để đảm bảo hạn chế rủi ro phát sinh do thay đổi pháp luật hoặc tuân thủ, SSI tổ chức Bộ phận Luật với các Luật sư có chứng chỉ hành nghề cũng như sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của tổ chức tư vấn pháp lý chuyên nghiệp trong trường hợp cần thiết;

Luật chứng khoán mới đã được ban hành năm 2019 và có hiệu lực từ 2021. Trong thời gian tới sẽ có nhiều dự thảo sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, nghị định, thông tư để hướng dẫn các quy định mới, điều chỉnh các quy định hiện hành nhằm dần chuyển đổi và phù hợp với các quy định mới. Các quy định mới này có thể là thách thức đối với công ty nếu không hiểu đúng đắn và đầy đủ. Nhằm giảm thiểu các rủi ro pháp lý từ các quy định mới, bên cạnh việc cập nhật các văn bản pháp quy mới ban hành, Bộ phận Luật ưu tiên và tập trung nghiên cứu sự ảnh hưởng của các văn bản pháp luật từ giai đoạn dự thảo đến các hoạt động của Công ty để có sự chuẩn bị thích hợp. Bộ phận Luật cũng chịu trách nhiệm tham gia góp ý dự thảo các văn bản pháp quy có liên quan mật thiết đến hoạt động của Công ty được lấy ý kiến rộng rãi, tham gia các buổi hội thảo, phối hợp cùng các đơn vị trong ngành, thành viên các hiệp hội ngành nghề để góp ý chương trình xây dựng pháp luật, tổng kết các vướng mắc phát sinh từ việc áp dụng các quy định hiện tại để báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đề xuất giải pháp xử lý khả thi. Tuân thủ pháp luật là một tiêu chí trong bộ đạo đức nghề nghiệp của Công ty được toàn thể Ban Lãnh đạo, nhân viên Công ty cam kết thực hiện. Trong năm 2019, toàn thể nhân viên Công ty đã tuân thủ nghiêm túc các biện pháp được đề ra, nên Công ty không phát sinh các trường hợp vi phạm các hạn mức rủi ro pháp lý.

Một phần của tài liệu SSI_Baocaothuongnien_2019 (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)