Trong thời đại hiện nay, mặc dù khoa học - kỹ thuật nói chung và y học nói riêng đã có những bước tiến thần kỳ nhưng con người vẫn luôn phải đối mặt với rất nhiều căn bệnh nặng. Rối loạn trầm cảm là một trong những bệnh nặng về rối loạn tâm thần. Rối loạn trầm cảm phổ biến đến mức, có đến 80% dân số trên thế giới từng bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tần suất nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm trong suốt cuộc đời là 15 - 25% [156-157].
Rối loạn trầm cảm là bệnh rối loạn tâm trạng thường gặp. Người bệnh thường có tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc. Không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây. Rối loạn trầm cảm ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ, hành xử của người bệnh, khiến cho người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, hay các vấn đề về thể chất và tinh thần. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và thường phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Ở các nước phát triển, căn bệnh này đòi hỏi chi phí, thời gian điều trị, các phương pháp điều trị đặc thù và quan tâm của xã hội ngày càng nhiều vì tuổi thọ của con người ngày càng được đặt lên hàng đầu. Ở Việt Nam, các cuộc điều tra dịch tễ cho thấy các bệnh rối loạn trầm cảm chiếm một tỷ lệ khá cao; bệnh thường gặp ở lứa tuổi vị thành niên hoặc trưởng thành; bệnh nặng thường dẫn tới tử vong hoặc trở thành người vô dụng [3-6].