6. Kết cấu và quy cách trình bày luận án
1.3.3. Kèn đồng giao hưởng tại TP.Hồ Chí Minh
Sau năm 1975, tình hình phát triển của âm nhạc thính phòng - giao hưởng gặp nhiều khó khăn. Sau ngày thống nhất đất nước, nền kinh tế nước ta đi vào thời kỳ khủng hoảng vì đất nước bị bao vây kinh tế, do đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của văn hóa nghệ thuật nói chung cũng như âm nhạc thính phòng - giao hưởng nói riêng. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo âm nhạc gặp muôn vàn khó khăn trong con đường đào tạo và biểu diễn âm nhạc bác học. Các hoạt động biểu diễn của các nhà hát nghệ thuật, dàn nhạc giao hưởng chỉ mang tính hình thức, cầm chừng. Đời sống của các nghệ sỹ gặp nhiều khó khăn, âm nhạc thính phòng - giao hưởng bế tắc trong đường hướng phát triển. Hoạt động âm nhạc, trình độ thưởng thức nghệ thuật hạn chế dẫn đến cảm thụ của một bộ phận giới trẻ xuống cấp bởi sự du nhập ồ ạt của nhiều loại hình ca khúc “thời trang”, làn sóng âm nhạc điện tử. Nhiều nhà hát nghệ thuật, dàn nhạc giao hưởng mất dần khán giả.
Từ năm 1986, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị. Nền kinh tế chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Chính sách đối ngoại mở rộng, quan hệ với tất cả các nước nhằm thu hút đầu tư, giúp chúng ta đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế, tạo ra nhiều thuận lợi trong phát triển văn hóa nghệ thuật. Những năm cuối TK.XX, âm nhạc thính phòng - giao hưởng gặt hái nhiều thành công, tiến bộ vượt bậc. Vận dụng đường lối đối ngoại đa phương cùng với chủ trương, chính sách mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế của nhà nước, âm nhạc thính phòng - giao hưởng Việt Nam đã có cơ hội hòa nhập với các nước có nền âm nhạc tiên tiến, qua đó từng bước phát triển nghệ thuật hòa tấu thính phòng - giao hưởng một cách vững chắc.
Tại TP. Hồ Chí Minh, từ sau năm 1975 thành phố đã chú trọng đến việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân thành phố. Trong lĩnh vực âm nhạc, các nhà hát, đoàn hát đã được thành lập; các sân khấu ca nhạc đã liên tục mở mang và tổ chức chương trình biểu diễn hàng đêm; các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc được mở ở tất cả các Nhà Văn hóa, Trung tâm Văn hóa của mọi quận huyện nội thành cũng như ngoại thành. Trên địa bàn thành phố còn có các đơn
51
vị, đội văn nghệ của các đơn vị công an, lực lượng vũ trang, các Quân khu, Quân đoàn mà ở đó có các dàn kèn đồng chuyên nghiệp như Dàn Quân nhạc Quân đoàn 4, Quân khu 7, Bộ Tư lệnh thành phố… Tuy nhiên, điển hình hơn cả trong lĩnh vực biểu diễn, đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh chính là: Nhà Hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh; Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh; Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhà hát Giao hưởng và Thính phòng chính thức được thành lập ngày 21/6/1993, sau đổi tên thành “Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh”.
Ngày 09/9/2006 được sự chấp thuận của lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân, Sở Văn Hóa Thông tin TP. Hồ Chí Minh, Nhà hát được đổi tên thành “Nhà Hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh”. Nhà hát có chức năng nhiệm vụ xây dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm. Giới thiệu những tác phẩm âm nhạc cổ điển của các nhạc sỹ thế giới và các tác phẩm của các nhạc sỹ Việt Nam với các hình thức hòa tấu dàn nhạc, tốp nhạc, độc tấu, hát Opera, múa Ballet... nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao của nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng như khán giả ở khu vực phía Nam, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Nhà hát đã đánh dấu sự ra đời của loại hình nghệ thuật hàn lâm đầu tiên tại Nhà hát thành phố bằng một chương trình biểu diễn vào ngày 9/9/1994. Bắt đầu từ đó, ngày 9/9 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh.
Trong lĩnh vực đào tạo, sự nghiệp đào tạo, giáo dục âm nhạc của Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh (1975) cùng với sự ra đời của Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội (2000) đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển âm nhạc Hàn lâm tại TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh quy tụ đông đảo đội ngũ các nhạc sỹ sáng tác. Nhiều người trong số đó đã có thời gian theo học chính quy tại các nhạc viện uy tín trên thế giới. Các nhạc sỹ sau thời gian tu nghiệp ở nước ngoài trở về sinh sống và làm việc tại
52
thành phố đã có nhiều đóng góp quý báu cho sự phát triển của nghệ thuật âm nhạc cổ điển của TP. Hồ Chí Minh.
Các nhạc sỹ đã sáng tác khá nhiều những tác phẩm hòa tấu thính phòng - giao hưởng có sự tham gia diễn tấu của các nhạc khí kèn đồng, đã được Nhà Hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh và Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh dàn dựng biểu diễn. Có thể kể đến các tác giả như Quang Hải với
Tổ khúc cho dàn nhạc giao hưởng, Concerto cho đàn Tranh với Dàn nhạc giao hưởng; Nguyễn Văn Nam với 9 bản giao hưởng; Ca Lê Thuần với vũ kịch Ngọc trai đỏ, opera Người giữ cồn; Hoàng Cương với Mùa xuân thế kỷ, Thác đổ; Trần Thanh Hà với Ouverture 1968, Giao hưởng số 1; Trần Vương Thạch với Chuyện tình non sông; Nguyễn Mạnh Duy Linh với Hồi tưởng; Vũ Việt Anh với Dế mèn phiêu lưu ký, v.v.
Những năm gần đây, đã có rât nhiều dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới, các nhóm hòa tấu thính phòng nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn. Nhiều nhà chỉ huy hàng đầu thế giới đến làm việc, giúp đỡ dàn dựng cho các dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ Kịch TP. Hồ Chí Minh cũng như của Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh như Yoshikazu Fukumura, Tetsuji Hona (Nhật Bản); Colin Metter (Anh); Xavier Rist (Pháp) Marc Olding (Úc) và rất nhiều chỉ huy từ các nước khác. Lực lượng nhạc công của các dàn nhạc giao hưởng tại TP. Hồ Chí Minh được bổ sung nhiều nghệ sỹ giỏi từng được đào tạo ở nước ngoài.
Chất lượng các dàn nhạc của TP. Hồ Chí Minh chúng ta được các nhà chỉ huy đến làm việc tại Việt Nam đánh giá cao. Các dàn nhạc của TP. Hồ Chí Minh đã tham gia nhiều chuyến lưu diễn, tham dự các liên hoan dàn nhạc giao hưởng tại nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Đức… Các buổi biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng đã có một số lượng đông đảo khán giả đến thưởng thức.
53
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Từ các công trình nghiên cứu về các nhạc khí kèn đồng trong nghệ thuật hòa tấu thính phòng - giao hưởng, các kỹ thuật diễn tấu, đặc điểm các nhạc khí kèn đồng trong nghệ thuật hòa tấu thính phòng - giao hưởng trên thế giới, chúng tôi đã xác lập cơ sở lý thuyết để có thể tiếp cận với các nhạc khí kèn đồng trong nghệ thuật hòa tấu thính phòng - giao hưởng tại TP. Hồ Chí Minh.
Âm nhạc thính phòng - giao hưởngthế giới có lịch sử lâu đời. Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, các nhạc khí kèn đồng đã có đóng góp thật to lớn vào sự phát triển của âm nhạc thế giới. Các nhạc khí kèn đồng giao hưởng liên tục được cải tiến, thay đổi để có thể đáp ứng được những yêu cầu âm nhạc của các thời kỳ, tạo ra những kỹ thuật diễn tấu, các phương thức biểu hiện mới. Các nhạc sỹ và các nghệ sỹ biểu diễn luôn tìm tòi sáng tạo, cải tiến về cấu trúc nhạc cụ cũng như các kỹ thuật diễn tấu mới để có thể đạt được khả năng xử lý một cách hoàn hảo các kỹ thuật mở rộng mà âm nhạc đòi hỏi.
Kèn đồng trong hòa tấu thính phòng - giao hưởng Việt Nam xuất hiện vào những năm giữa TK.XX, gắn liền với sự hình thành và phát triển của nền âm nhạc mới Việt Nam. Sự phát triển của kèn đồng trong hòa tấu thính phòng - giao hưởng Việt Nam được thể hiện qua việc thành lập các nhà hát, các cơ sở đào tạo; xây dựng đội ngũ các nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhạc công kèn đồng. Các tác phẩm hòa tấu thính phòng - giao hưởng luôn có sự tham gia của các nhạc khí kèn đồng. Kèn đồng trong nghệ thuật hòa tấu thính phòng - giao hưởng Việt Nam không ngừng phát triển, trong đó phải ghi nhận có sự đóng góp của kèn đồng trong hòa tấu thính phòng - giao hưởng tại TP. Hồ Chí Minh.
Các yếu tố xác định kèn đồng trong hòa tấu thính phòng - giao hưởng tại TP. Hồ Chí Minh được thể hiện thông qua khả năng diễn tấu của các nghệ sỹ - nhạc công, kỹ thuật diễn tấu kèn đồng trong các tác phẩm của các nhạc sỹ tại TP. Hồ Chí Minh và công tác đào tạo nhạc khí kèn đồng giao hưởng tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được lần lượt trình bày trong các chương tiếp theo.
54
CHƯƠNG 2
KÈN ĐỒNG TRONG BIỂU DIỄN, SÁNG TÁC VÀ ĐÀO TẠO THÍNH PHÒNG - GIAO HƯỞNG TẠI TP. HỒ CHÍ MINH