6. Kết cấu và quy cách trình bày luận án
2.1.1. Kèn đồng trong các sinh hoạt, biểu diễn âm nhạc không chuyên
Kèn đồng trong các sinh hoạt tôn giáo: Tại TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh khác, có rất nhiều giáo xứ của đồng bào công giáo. Hầu như giáo xứ nào cũng có các đội ca đoàn và các dàn kèn đồng của mình. TP. Hồ Chí Minh có khoảng trên 20 dàn kèn đồng, thành viên của dàn kèn là các giáo dân, thường tổ chức tập luyện vào các ngày cuối tuần. Hoạt động của các dàn kèn đồng tại TP. Hồ Chí Minh chủ yếu phục vụ các công việc thánh lễ của giáo xứ mà không thường xuyên tổ chức các cuộc thi giữa các dàn kèn như ở Đồng Nai. Ngoài các dàn kèn nhà thờ còn có các hoạt động sôi nổi của các ban, nhóm kèn đồng của bà con giáo dân với các hoạt động đa dạng phục vụ xã hội trong các sự kiện như các ngày lễ, ma chay, cưới hỏi. Có hàng trăm nhóm nhạc kèn đồng hoạt động như thế tại TP. Hồ Chí Minh.
Kèn đồng trong các sinh hoạt văn hóa: Tại TP. Hồ Chí Minh, trong các sinh hoạt văn hóa, phong trào biểu diễn kèn đồng rất phong phú và đa dạng. Nổi bật là phát triển mạnh trong phạm vi lứa tuổi thiếu niên. Đó là các dàn nhạc kèn hoạt động tại các trường phổ thông, các nhà văn hóa quận huyện trong thành phố. Tại các trường phổ thông và các nhà văn hóa, phong trào nhạc kèn hoạt động rất rầm rộ. Thành viên của các dàn kèn đó gồm các em học sinh đang theo học tại các trường phổ thông và các em thiếu niên sinh hoạt tại các nhà văn hóa.
Các nhạc cụ chủ yếu trong dàn nhạc gồm các nhạc cụ như trumpet, bariton, trombone, tuba, ephonium. Đây là các nhạc cụ kèn đồng tương đối dễ thổi đối với đối tượng thiếu nhi, giá mua sắm nhạc cụ lại không quá cao, phù hợp với điều kiện tài chính của các trường phổ thông, nhà văn hóa. Phụ trách dàn dựng, tập luyện và biểu diễn cho các dàn kèn chủ yếu là do các sinh viên từng học và tốt nghiệp tại
55
khoa Kèn - Gõ Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện, các em đã được trang bị những kỹ thuật chuyên sâu về diễn tấu các nhạc cụ kèn và những kiến thức chung về âm nhạc. Những sinh viên này có thể dạy, dàn dựng cho các em thiếu nhi diễn tấu kèn, thậm chí, các em cũng có thể phối khí, soạn các bài cho dàn nhạc. Bản nhạc chủ yếu được soạn, phối khí từ các bài hát về đội, đoàn, các bài hát chính ca, các bài về tình yêu đất nước.
Hàng năm, Đoàn thanh niên thành phố tổ chức các cuộc thi, liên hoan kèn như “Cuộc thi các dàn nhạc kèn” cho khối các Nhà văn hóa quận, huyện; “Liên hoan kèn” dành cho khối các trường phổ thông toàn thành phố. Các cuộc thi này thường được mang tên “Tiếng kèn đội ta”; “Nghi thức đội”. Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc thi dàn nhạc kèn giữa các tỉnh, thành phố tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em thiếu niên. Từ các cuộc thi, liên hoan này đã phát hiện ra nhiều dàn nhạc kèn thiếu nhi có chất lượng tốt về chuyên môn cũng như nhiều nhân tố cá nhân nổi bật về năng khiếu âm nhạc.
Tiêu biểu trong khối các trường phổ thông trong thành phố chính là dàn nhạc kèn của trường trung học Võ Thành Trang. Dàn kèn này có tới 70 thành viên chính thức và 100 em dự bị đều là học sinh của trường. Dàn kèn trường trung học Võ Thành Trang đã đạt nhiều kỷ lục, đoạt nhiều giải tại các cuộc thi nhạc kèn của thành phố, được đi biểu diễn tại nhiều nơi như các tụ điểm văn hóa, phố đi bộ, quảng trường trước Nhà hát thành phố. Những cuộc thi nhạc kèn đã tạo nên phong trào phát triển nhạc kèn thiếu nhi rất sôi nổi cho thành phố, từ đó phát hiện ra các em có năng khiếu âm nhạc, tạo niềm say mê âm nhạc và định hướng cho các em đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp sau này. Đây là cơ sở trong việc phát triển nguồn tuyển sinh cho khoa Kèn - Gõ Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh (Xem hình 2.1 trong PL.1).