Pencak Silat là môn thể thao đối kháng trực tiếp có sự tiếp xúc mạnh về thể chất. Với đặc thù cường độ vận động cao, căng thẳng, đối kháng trực tiếp, VĐV có thể sử dụng cả tấn công đòn tay, chân, cắt kéo, quét trụ, đánh ngã... Chính vì vậy đòi hỏi VĐV phải có tố chất thể lực toàn diện, đặc biệt là tố chất SMTĐ bởi VĐV muốn tấn công nhanh mạnh và chính xác để giành điểm thì trong mỗi đòn đánh không thể thiếu tố chất sức mạnh tốc độ. Nếu ra đòn chậm và nhẹ thì không thể đánh trúng đối phương và nếu có đánh trúng đối phương nhưng không có lực thì cũng không thể ghi điểm [20], [21]. SMTĐ trong môn Pencak Silat thể hiện cả trong kỹ thuật tấn công, phòng thủ và phản công.
Với kỹ thuật tấn công: Để thực hiện được một đòn tấn công đủ tiêu chuẩn ghi điểm, VĐV Pencak Silat trước tiên cần phải đánh trúng đối phương, tức là thực hiện kỹ thuật tấn công nhanh tới mức đối phương không kịp tránh né hoặc đỡ đòn tấn công, đồng thời, đòn tấn công phải có uy lực (phải đủ lực mạnh để ghi điểm), tức là đòn tấn công phải mạnh. Muốn vậy, phát triển cả sức mạnh và tốc độ là điều cần thiết. Trong các kỹ thuật tấn công môn Pencak Silat (với cả kỹ thuật tay và kỹ thuật chân), trọng lượng là không đổi (với mỗi VĐV cố định), muốn tăng lực (sức mạnh) bắt buộc phải tăng gia tốc (a) muốn vậy, bắt buộc phải tăng tốc độ (vận tốc – v) trong thời gian ngắn nhất, tức là thực hiện kỹ thuật với tốc độ nhanh nhất. Hay nói cách khác, muốn phát triển sức mạnh của đòn tấn công trong môn Pencak Silat phải tăng cường phát triển tốc độ thực hiện các kỹ thuật này. Đồng thời, tấn công trong Pencak Silat thường là các tổ hợp từ 2 tới 5 đòn. Ngay khi VĐV thực hiện xong một đòn tấn công lập tức phải phân tích tình hình và thực hiện nối tiếp các đòn tấn công tiếp theo. Tương tự như đòn tấn công đầu tiên, để có thể giành điểm, VĐV vẫn phải thực hiện với tốc độ nhanh và đủ sức mạnh [60].
Với các kỹ thuật phòng thủ: Để thực hiện phòng thủ trước một đòn tấn công trong tập luyện và thi đấu môn Pencak Silat có thể thực hiện các kỹ thuật tránh né hoặc đỡ đòn tấn công của đối phương. Muốn thực hiện được tránh né hoặc đỡ đòn tấn công thì việc đầu tiên là phải có sức nhanh, cả sức nhanh phản ứng vận động để phân tích, phán đoán đòn tấn công của đối phương và có phản ứng đáp trả hợp lý; cả sức nhanh động tác đơn để thực hiện các động tác tránh né hoặc đỡ đòn tấn công kịp thời (trước khi đòn tấn công của đối phương trúng cơ thể). Bên cạnh đó, khi thực hiện kỹ thuật đỡ đòn tấn công của đối phương, ngoài việc phản ứng nhanh, thực hiện các kỹ thuật đỡ đòn nhanh còn phải có sức mạnh hợp lý đủ để cản phá các đòn tấn công của đối phương. Nếu thực hiện các kỹ thuật đỡ không đủ lực sẽ không có hiệu quả, đối phương vẫn có thể đánh văng kỹ thuật phòng thủ và ghi điểm [21].
Với các kỹ thuật phản công: Kỹ thuật phản công môn Pencak Silat được thực hiện sau khi thực hiện tránh né hoặc phòng thủ thành công một đòn hoặc tổ hợp đòn tấn công của đối phương. Lúc này, các kỹ thuật phản công có yêu cầu
như kỹ thuật tấn công, cũng được thực hiện tổ hợp từ 2 tới 5 đòn và yêu cầu phải nhanh, mạnh để có thể đánh trúng đối phương và đủ lực để giành điểm [21].
Như vậy, SMTĐ trong môn Pencak Silat thể hiện cả ở các kỹ thuật tấn công, phòng thủ và phản công. Đồng thời, xu thế sử dụng chiến thuật thi đấu Pencak Silat hiện đại thiên về lối đánh toàn diện cả tay, chân, các kỹ thuật đánh ngã... các chiêu thức được sử dụng nhanh, chính xác, biến hóa linh hoạt. Chính vì vậy, SMTĐ trong mỗi kỹ thuật của VĐV ngày càng trở lên quan trọng.