2.3.3.1. Nguyên nhân từ phía khách hàng
Do khách hàng cố ý lừa đảo
Trường hợp này ít khi xảy ra đối với Phòng giao dịch Đa Kao nhưng vẫn tồn tại tại SeABank và các Ngân hàng thương mại khác. Trong những trường hợp đó khách hàng đã cố tình gian lận, làm giả mạo giấy tờ để che dấu sự yếu kém về năng lực kinh
doanh hay lập nhiều bộ hồ sơ giấy tờ tài sản đảm bảo để vay vốn
nhiều ngân hàng, khi
kinh doanh thua lỗ không có tiền trả nợ ngân hàng. Thậm chí có trường
hợp khách hàng
cố tình lừa ngân hàng để được vay vốn rồi bỏ trốn.
Do khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích
Đây là nguyên nhân hàng đầu trong việc gây ra các khoản nợ quá hạn tại phòng giao dịch. Một bộ phận khách hàng tuy xin vay vốn để mua hay xây sửa nhà, nhưng thực ra họ lại lấy số vốn này để kinh doanh hay đầu tư, những hoạt động có tính rủi ro cao. Việc sử dụng vốn sai mục đích này khiến cho cán bộ tín dụng không thể kiểm soát được khoản thu hồi nợ vay. Thực tế, có một khách hàng xin vay theo sản phẩm SeAHome, tức đi mua nhà để ở, nhưng người khách hàng này lại đưa khoản tiền đi vay này cho con gái đi đầu tư bất động sản vậy nên thực ra người trả vốn và lãi vay cho ngân hàng chính là người con gái. Tuy nhiên, việc kinh doanh này của cô đem lại bất kì lợi nhuận gì, dẫn đến nợ vốn gốc ngân hàng 3 tháng mà chưa trả được, cán bộ tín dụng đang rất khó khăn trong việc nhắc nhở trả nợ vay với người con gái, và cả với người mẹ, giúp bà biết thực tế người nợ tiền ngân hàng chính là bà, để chính bà sẽ phải nhắc nhở con gái mình phải trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Do khách hàng mất khả năng tài chính
Một nguyên nhân khác là khách hàng hoạt động kinh doanh bị lỗ, hoặc bị mất việc khiến cho khả năng tài chính của họ không thể đáp ứng được việc hoàn trả vốn vay. Tình trạng này không thể loại trừ tại phòng giao dịch và cả ngân hàng nếu vẫn còn tình trạng khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích, và phòng giao dịch không thể kiểm soát được nó. Khi khách hàng sử dụng sai mục đích, thì tất nhiên họ không có một phương án sản xuất kinh doanh có tính khả quan cao, không phải phương án đã được cán bộ tín dụng xem xét đủ điều kiện, dẫn đến hiện tượng thua lỗ, không trả được nợ, và nợ quá hạn bị hình thành.
Đó là những trường hợp khách hàng bị rủi ro khách quan như bị mất cắp, bị lừa đảo. Trong những trường hợp đó ngân hàng sẽ tăng cường giám sát, đôn đốc thu nợ hoặc xử lý tài sản đảm bảo nếu khách hàng không trả được nợ.
2.3.3.2. Nguyên nhân từ phía ngân hàng
Do thông tin tín dụng không đầy đủ
Thông tin tín dụng là vấn đề quan trọng hàng đầu khi quyết định cho vay. Nhưng thực tế trước khi giải quyết cho vay các Ngân hàng thương mại chưa được cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cần thiết. Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) đã được thành lập và đi vào hoạt động nhưng hiệu quả chưa cao do khả năng nắm bắt các thông tin có giới hạn và phụ thuộc nhiều vào các tổ chức tín dụng nên lượng thông tin cung cấp không đầy đủ và kịp thời. Hơn nữa, số lượng về tình hình tài chính của khách hàng hầu như không có do các doanh nghiệp thường quyết toán chậm và chưa phải áp dụng chế độ kiểm toán bắt buộc, nên số liệu nhiều khi không phản ánh chính xác tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Trước khi quyết định cho vay ngân hàng chưa nắm được đầy đủ thông tin về tình hình dư nợ tại các tổ chức tín dụng, quan hệ vay trả và khả năng tài chính... về khách hàng của mình nên quyết định cho vay thiếu đúng đắn, nhiều trường hợp khách hàng vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác và cuối cùng không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Do cán bộ tín dụng thiếu trình độ
Trình độ của cán bộ tín dụng còn hạn chế, phân tích, thẩm định kém nên nhiều khi cho vay mà không đánh giá được tính khả thi của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Hoặc do không phân tích đầy đủ khả năng quản lý kinh doanh, báo cáo tài chính một cách chính xác nên không biết năng lực thực sự của khách hàng, khi họ kinh doanh thua lỗ sẽ kéo ngân hàng vào cuộc cùng hứng chịu tổn thất. Kiến thức về xã hội, về thị trường của cán bộ tín dụng còn hạn chế cũng gây cho món vay có khả năng bị rủi ro, vì trong nhiều trường hợp khách hàng đã không nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, không phân tích được cung, cầu của thị trường dẫn đến mặt hàng kinh doanh, dịch vụ bị ứ đọng.
Do cán bộ tín dụng quá tin tưởng vào tài sản đảm bảo
Mặc dù nguyên tắc cho vay là phải có tài sản đảm bảo song cán bộ tín dụng cũng không nên cứng nhắc quá trong điều kiện này. Có đơn vị sản xuất kinh doanh tốt thì có thể không cần tài sản thế chấp vẫn có thể cho vay được. Ngược lại có những khách hàng vay với tài sản thế chấp lớn vẫn làm ăn thua lỗ dẫn đến ngân hàng phải phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Nhưng việc bán các tài sản đảm bảo để thu hồi lại vốn cho vay là không dễ dàng chút nào. Trên thực tế không phải bất cứ nhà đất nào cũng có đủ các giấy tờ về quyền sử dụng và quyền sở hữu hợp lệ. Theo thống kê cho thấy hiện có tới 70% nhà, đất tại các thành phố lớn chưa có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ. Đó là chưa kể đến khi nhà, đất có giấy tờ hợp lệ thì còn phải xem xét đến giá trị, khả năng chuyển nhượng cũng như vị trí địa lý,...Ngân hàng thường gặp khó khăn về giấy tờ sở hữu tài sản, về giá cả
tài sản, về thời hạn bán sản phẩm thế chấp, chậm trễ trong việc thu hồi vốn. Có những tài sản đảm bảo khi định giá cho vay thì đang ở thời điểm giá cao, đến khi phát mại bán đi giá bị hạ gây thua lỗ cho ngân hàng. Ngân hàng cần phải lựa chọn khách hàng thật kỹ lưỡng, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi khách hàng ngày càng có nhiều mánh khoé lừa đảo tinh vi hơn. Họ có thể dùng một tài sản thế chấp để đi vay vốn ở nhiều tổ chức tín dụng gây lên thất thoát lớn cho không chỉ một ngân hàng mà cho cả ngành ngân hàng.
Do cán bộ tín dụng làm sai quy trình tín dụng, thông đồng với khách hàng
Đây là vấn đề về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của cán bộ tín dụng. Do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc có những quan hệ cá nhân mà các cán bộ tín dụng đã thông đồng với khách hàng, làm sai các công đoạn của quy trình tín dụng như: cho vay các dự án quá mạo hiểm, khách hàng không đủ điều kiện về tài sản thế chấp, khách hàng không đủ năng lực quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh vì thế khi các khoản tín dụng có biểu hiện tiêu cực thì không có biện pháp để thu hồi vốn. Trong thời gian qua, những vụ việc như thế cũng xảy ra tại SeABank nhưng không nhiều và ban lãnh đạo đã có những biện pháp xử lý kịp thời để trấn chỉnh và nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ tín dụng trong đơn vị mình.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Chương 2 đã tập trung phân tích thực trạng hoạt động tín dụng tại Phòng giao dịch Đa Kao năm 2012 - 2014. Qua đó, đưa ra các đánh giá, nhận xét về những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế và nguyên nhân của những điều đó. Đặc biệt, sự tồn tại của các rủi ro trong hoạt động tín dụng của phòng giao dịch đã được tổng hợp trong bài khoá luận. Đây chính là cơ sở để đưa ra các giải pháp, kiến nghị để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của ngân hàng nhằm phát triển tín dụng theo hướng an toàn và hiệu quả hơn.
CHƯƠNG 3. NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ
HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG ĐÔNG NAM Á - CHI NHÁNH SÀI GÒN - PHÒNG GIAO DỊCH ĐA KAO