Khái niệm liên kết kinh doanh với đối tác liên kết kinh doanh

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN LIÊN KẾT KINH DOANH GIỮA NGÂN HÀNG TMCP KỸ THƯƠNG VIỆT NAM VỚI CÁC ĐỐI TÁC (Trang 27 - 29)

1.1.1.1. Liên kết kinh doanh

Hiện nay, vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về “liên kết kinh doanh” (business linkages) mặc dù giới chính sách và nghiên cứu đã đề cập và nghiên cứu một số khái niệm tương tự như hợp tác kinh tế (economic cooperation), liên kết kinh tế (economic linkage), hội nhập kinh tế (economic integration) hay liên kết vùng (industrial cluster). Đứng trên các quan điểm khác nhau có những cách tiếp cận khác nhau.

Liên kết kinh doanh là những hình thức hợp tác, phối hợp hoạt động do các doanh nghiệp tự nguyện tiến hành để cùng nhau bàn bạc và đề ra các biện pháp có liên quan đến hoạt động kinh doanh chung, nhằm thúc đẩy việc kinh doanh phát triển theo chiều hướng có lợi nhất (Nguyễn Thành Hiếu, Giáo trình quản trị chuỗi cung ứng, 2015).

Liên kết kinh doanh được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi thông qua thỏa thuận hoặc hợp đồng kinh tế ký kết giữa các bên tham gia và trong khuôn khổ pháp luật của các nhà nước. Mục tiêu của liên kết kinh doanh là tạo ra mối quan hệ kinh tế ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc các quy chế hoạt động để tiến hành phân công sản xuất chuyên môn hoá và hiệp tác hoá, nhằm khai thác tốt tiềm năng của từng đơn vị tham gia liên kết; hoặc để cùng nhau tạo thị trường chung, phân định hạn mức sản lượng cho từng đơn vị thành viên, giá cả cho từng loại sản phẩm hoặc tương hỗ trong tiêu thụ sản phẩm nhằm thúc đẩy lợi ích của nhau, cùng giúp nhau để có khoản thu nhập cao nhất.

Liên kết kinh doanh có nhiều hình thức và quy mô tổ chức khác nhau, tương ứng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thành viên tham gia liên kết.

Các tổ chức tham gia liên kết là các đơn vị có tư cách pháp nhân đầy đủ, không phân biệt quan hệ sở hữu, quan hệ trực thuộc về mặt quản lý nhà nuớc. Các bên liên kết có thể thành lập một tổ chức kinh doanh chung với tên riêng, có qui chế hoạt động riêng, do các đơn vị thành viên dựa vào qui định này cùng nhau thỏa thuận để xác định và phải được một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động. Các bên cũng có thể chỉ liên kết trong các hoạt động kinh doanh cụ thể phù hợp với năng lực của các bên. Các chủ thể tham gia liên kết có thể cùng một lúc tham gia nhiều tổ chức liên kết khác nhau và phải tôn trọng qui chế hoạt động của các tổ chức đó. Trong khi tham gia liên kết kinh doanh, không một đơn vị nào bị mất quyền tự chủ của mình, cũng như không được miễn giảm bất cứ nghĩa vụ nào đối với nhà nước theo pháp luật hay nghĩa vụ hợp đồng đã kí với các đơn vị khác.

1.1.1.2. Đối tác liên kết kinh doanh

Đối tác(Partnership- PNS): Là thuật ngữ chỉ mối quan hệ cộng tác - hợp tác nhưng ở mức độ cao hơn và cụ thể hơn. Các nhà nghiên cứu định nghĩa: “Đối tác bao gồm hai hay nhiều bên hành động cùng nhau để nâng cao hợp tác bằng việc thực hiện những mục tiêu chung. Xây dựng những kênh/cơ chế giải quyết các bất đồng/tranh chấp, biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác và phương pháp đánh giá tiến bộ cũng như chia sẻ những thành tựu hợp tác” (Nguyễn Thành Hiếu, 2015). Hành động cùng nhau chung mục tiêu và chung lợi ích là những tiêu chí của quan hệ đối tác. Một mối quan hệ đối tác bao gồm sự gần gũi, bình đẳng, có đi có lại, và thỏa thuận về những mục tiêu chung.

Đối tác liên kết kinh doanh là các tổ chức tham gia trong mối quan hệ liên kết kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu chung của các bên tham gia.

Mỗi đối tác kinh doanh có thể tham gia nhiều liên kết với những mức độ khác nhau. Đối tác liên kết kinh doanh có hai loại là đối tác chiến lược với đối tác thông thường.

Đối tác chiến lược có mối liên quan giữa ít nhất hai doanh nghiệp với nhau trên nhiều khía cạnh. Để tạo mối liên kết giữa hai hay nhiều công ty với nhau, chúng ta phải làm việc dựa trên những điều khoản trong hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận và ký kết. Khi hai doanh nghiệp là đối tác chiến lược của nhau thì họ có

thể cùng nhau phát triển một lĩnh vực thương mại nào đó. Ví dụ như cùng tiếp thị, quảng cáo hay cùng nhau xây dựng và phát triển một thương hiệu nào đó mà bản thân cá nhân một doanh nghiệp không thể thực hiện được.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN LIÊN KẾT KINH DOANH GIỮA NGÂN HÀNG TMCP KỸ THƯƠNG VIỆT NAM VỚI CÁC ĐỐI TÁC (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(121 trang)
w