Trong sản xuất chè, ngoài rủi ro sản xuất, rủi ro thị trường thì những chính sách vĩ mô của Nhà nước hoặc chính quyền địa phương cũng ảnh hưởng đến quyết định sản xuất của hộ. Rủi ro liên quan đến chính sách vĩ mô bao gồm:
* Về khoa học công nghệ:
Hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chè còn nhiều hạn chế. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến năng suất chè ở xã Phúc Xuân không cao là do giống và sản xuất còn theo hình thức nhỏ lẻ. Giống chè chủ yếu do hộ tự sản xuất từ vườn nhà, sử dụng qua thời gian dài dẫn đến bị thoái hóa đã ảnh hưởng đến năng suất. Việc sản xuất và cung cấp giống cho hộ sản xuất chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất chè từ khâu thu hoạch, chế biến sản phẩm đều làm bằng thủ công. Việc đa dạng hóa các sản phẩm chè chưa được quan tâm đầu tư. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của hộ sản xuất chè tại địa bàn xã.
* Hoạt động khuyến nông
Hiện nay, tại mỗi huyện, xã đều có cán bộ khuyến nông nhằm hỗ trợ hộ sản xuất về kỹ thuật sản xuất chè. Hầu hết các hộ sản xuất đều được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất chè do địa phương tổ chức. Tuy nhiên, hoạt động khuyến nông mới dừng ở mức độ cung cấp thông tin về kỹ thuật sản xuất. Các vấn đề về lập kế hoạch sản xuất, thị trường, chế biến sản phẩm, mô hình liên kết sản xuất,… chưa được quan tâm chia sẻ.
* Về quy hoạch vùng sảnxuất chè
Hiện nay, sản xuất chè tại địa phương vẫn mang tính tự phát. Người dân dựa trên cơ sở biến động giá sản phẩm trên thị trường và điều kiện nguồn lực của gia đình mà đặc biệt là quỹ đất đai để phát triển sản xuất.
* Chính sách tín dụng
Cây chè là cây dài ngày, đòi hỏi lượng vốn đầu tư ban đầu lớn. Hiện nay các chính sách tín dụng cho người dân còn hạn chế về số lượng vốn vay, thời gian vay và số hộ được vay. Một số hộ sản xuất có nhu cầu vay vốn để đầu tư phát triển nhưng chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay nên phải huy động từ các nguồn bên ngoài với lãi suất cao đã làm tăng chi phí sản xuất.