Hiến pháp 1946 tuy chỉ có 70 điều nhưng đã dành cho việc quy định quyền và nghĩa vụ của công dân đến 18 điều, được trình bày tại chương II là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Nội dung của quyền con người trong bản Hiến pháp đầu tiên được thể hiện bằng quyền công dân Việt Nam. Ngay tại điều đầu tiên của Hiến pháp đã khẳng định “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Quy phạm Hiến pháp này một mặt đã khẳng định nguồn gốc của quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực, mặt khác khẳng định sự thống nhất của quyền lực Nhà nước – quyền lực Nhân dân.
40
Chương 2 Hiến pháp 1946 quy định về “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân”. Trong đó công dân phải thực hiện 4 nghĩa vụ; “nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật” được quy định tại Điều 4, “nghĩa vụ phải đi lính” được quy định tại Điều 5. Các điều còn lại của chương II quy định các quyền tự do, dân chủ của công dân trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và tự do cá nhân.
Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân chỉ có thể được thực hiện khi có một bộ máy Nhà nước vững mạnh, thật sự của dân, do dân và vì dân. Do đó, Hiến pháp năm 1946 dành các chương còn lại để quy định cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước, nhằm xác định một cơ chế đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân.
a) Cơ quan quyền lực Nhà nước
Cơ quan quyền lực Nhà nước bao gồm Nghị viện Nhân dân và Hội đồng Nhân dân các cấp, trong đó Nghị viện Nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Điều 22), do “công dân Việt Nam bầu ra. Ba năm bầu một lần” (Điều 24), có nhiệm vụ “giải quyết mọi vấn đề chung của toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết chính sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài” (Điều 23). Thuật ngữ “cơ quan có quyền cao nhất” giúp cho công dân dễ hiểu rằng: Quyền ở đây là quyền hạn cao nhất, các cơ quan khác phải phục tùng Nghị viện. Tuy điều luật không quy định Nghị viện Nhân dân là cơ quan lập hiến, lập pháp nhưng Điều 23 của Hiến pháp năm 1946 đã quy định thẩm quyền của Nghị viện Nhân dân là được đặt ra pháp luật (tức là hoạt động lập pháp) và Điều 70 về sửa đổi Hiến pháp thì Nghị viện Nhân dân chính là cơ quan duy nhất quyết định việc sửa đổi Hiến pháp, đưa Hiến pháp ra toàn dân phúc quyết (tức là làm hoạt động lập hiến). Hội đồng Nhân dân các cấp do Nhân dân trực tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân (Điều 58), có nhiệm vụ chỉ đạo Ủy ban hành
41
chính quản lý mọi mặt ở địa phương. Tư tưởng quyền lực thuộc về Nhân dân ở Hiến pháp năm 1946 biểu hiện sâu sắc khi nó được hiện thực hoá trong việc toàn dân bầu ra Nghị viện Nhân dân, và Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra (Điều 20); Nhân dân được phúc quyết Hiến pháp và các vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia; trong việc tổ chức, phân chia quyền lực Nhà nước nhằm phục vụ lợi ích của dân.
b) Cơ quan hành chính Nhà nước
Cơ quan hành chính Nhà nước bao gồm Chính phủ và Ủy ban hành chính các cấp, trong đó Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc (Điều 43). Với cách tổ chức thực hiện quyền hành pháp thì một phần quyền lực thuộc về Chủ tịch nước, một phần thuộc về Thủ tướng, nhưng chủ yếu tập trung vào Chủ tịch nước. Như vậy, Chủ tịch nước là người nắm quyền hành pháp.
Ủy ban hành chính các cấp có nhiệm vụ trực tiếp quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội trên cơ sở các đạo luật, nghị quyết của Nghị viện và của Hội đồng Nhân dân.
c) Cơ quan tư pháp
Theo Điều 63 Hiến pháp 1946 “Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm Tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp”. Như vậy, cơ quan tư pháp là TAND, có chức năng bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hiến pháp 1946 cũng quy định những nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ các quyền công dân tại các Điều 66, Điều 67, Điều 68.