Hiến pháp năm 1980 được Quốc hội thông qua ngày 18/12/1980, bao gồm 12 chương, 147 Điều. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp 1980 thể chế hoá vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội vào một Điều của Hiến pháp tại Điều 4. Sự thể chế hoá này thể hiện sự thừa nhận chính thức của Nhà nước về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với Nhà nước và xã hội.
Ngoài việc thể chế hoá vai trò lãnh đạo của Đảng vào Hiến pháp, Hiến pháp 1980 còn xác định vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội quan trọng khác như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 9), Tổng công đoàn Việt Nam (Điều 10). Đây cũng là lần đầu tiên vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội này được quy định trong Hiến pháp.
Hiến pháp 1980 quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương V, từ Điều 53 đến Điều 81. Kế thừa và phát triển Hiến pháp 1946, 1959, Hiến pháp 1980 một mặt ghi nhận lại quyền và nghĩa vụ công dân đã quy định ở các Hiến pháp trước, mặt khác xác định thêm một số quyền và nghĩa vụ mới phù hợp với giai đoạn mới của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa như Điều 56, 60, 61, 62,63, 76.
46
Việc quy định trách nhiệm bảo vệ quyền con người, quyền công dân của các cơ quan Nhà nước được Hiến pháp 1980 quy định rõ ràng, cụ thể, có sự kế thừa và phát triển từ bộ máy được thiết lập từ các bản Hiến pháp trước:
a) Cơ quan quyền lực Nhà nước:
Chế định Quốc hội được quy định tại chương VI, từ Điều 82 đến Điều 97. Cũng như quy định của Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 xác định rõ hơn quyền hạn của Quốc hội. Ở đây có hai điểm bổ sung quan trọng là “Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa, những quy tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động công dân” (Điều 82) và Quốc hội có quyền “làm luật và sửa đổi luật” (khoản 2 Điều 83) chứ không ghi chung chung là “làm pháp luật” ở Điều 50 của Hiến pháp 1959.
Hiến pháp 1980 cũng dành nhiều điều mới quy định vị trí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân (từ Điều 114 đến Điều 120). Đặc biệt Điều 115 xác định 12 nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, trong đó có quyền và nhiệm vụ “quyết định các vấn đề về sản xuất, phân phối, lưu thông, văn hóa, xã hội và dịch vụ ở địa phương”(khoản 3); “bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội”(khoản 5); “bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc” (khoản 7); “bảo đảm cho công dân được hưởng quyền lợi và làm tròn nghĩa vụ của mình” (khoản 8).
b) Cơ quan hành chính Nhà nước:
Theo quy định tại Điều 104 của Hiến pháp, Hội đồng Bộ trưởng là Chính phủ có vị trí như Hội đồng Chính phủ trong Hiến pháp 1959. Tuy nhiên Hội đồng Bộ trưởng về tính chất không hoàn toàn giống như Hội đồng Chính phủ. Nếu Hội đồng Chính phủ theo quy định của Hiến pháp 1959 là "Cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và là cơ quan hành chính Nhà
47
nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”, thì đến Hiến pháp 1980 quy định Hội đồng Bộ trưởng "là cơ quan chấp hành và hành chính Nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất". Với quy định này, chúng ta thấy tính độc lập tương đối của Chính phủ đối với Quốc hội không còn nữa. Các cơ quan hành chính Nhà nước cũng được Hiến pháp quy định thêm những nhiệm vụ, quyền hạn mới như: “Chăm lo cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của Nhân dân”; “Bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân và tạo Điều kiện cho công dân hưởng quyền lợi và làm tròn nghĩa vụ của mình” (khoản 5,6 Điều 107); “cải thiện đời sống Nhân dân, xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Nhân dân” (đối với Ủy ban Nhân dân các cấp Điều 123).
c) Cơ quan tư pháp:
Hiến pháp 1980 quy định tại chương X: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.
Chương này bao gồm 15 Điều (từ Điều 127 đến Điều 141). Đối với TAND, Hiến pháp đã có những quy định mới nhằm nâng cao hơn vị trí, vai trò của cơ quan này trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Lần đầu tiên, Hiến pháp 1980 quy định nhiệm vụ chủ yếu của TAND và VKSND là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân (Điều 127).
Ở cơ sở có những tranh chấp nhỏ, những vụ chưa đến mức phải đưa đến Tòa án để giải quyết thì Hiến pháp yêu cầu phải thành lập các tổ chức thích hợp của Nhân dân để giải quyết và việc giải quyết đó cũng phải theo quy định của pháp luật (Điều 128). Quy định này của Hiến pháp 1980 giải tỏa một vấn đề nan giải là trong lúc cán bộ và cơ sở vật chất của ngành Tòa án còn đang
48
thiếu, vụ việc còn tồn đọng quá nhiều mà phải tiếp nhận những việc chưa cần đến Tòa án giải quyết. Với quy định này sẽ tiện lợi cho công dân bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Để bảo đảm tính dân chủ, chính xác, khách quan và nghiêm minh của hoạt động xét xử, Hiến pháp 1980 đưa ra một số các nguyên tắc mới được quy định tại Điều 132, Điều 137, Điều 138, Điều 140.