Việc xây dựng hệ thống bài tập dạy từ, mở rộng vốn từ như một công cụ giao tiếp, nhằm thực hiện mục tiêu của chương trình tiểu học mới: “Hình thành và phát triển ở học sinh kĩ năng sử dụng tiếng việt để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi.” Việc xây dựng bài tập mở rộng vốn từ cần đảm bảo các vấn đề sau:
Thứ nhất: Các kĩ năng tiếng việt phải được hình thành và phát triển thông qua hệ thống bài tập mang tính tình huống phù hợp với những tình huống giao tiếp tự nhiên. Như vậy, nguyên tắc giao tiếp trong dạy học Luyện từ và câu đòi hỏi người giáo viên phải tiến hành các hoạt động ngôn ngữ thường xuyên để học sinh làm quen, vận dụng đúng trong các hoàn cảnh giao tiếp hằng ngày. Đó là yêu cầu tình huống các bài tập miệng, bài viết trình bày ý nghĩ, tình cảm, đọc, ứng dụng tri thức lí thuyết vào bài tập, vào việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của tập đọc, tập làm văn… Để giúp học sinh học Luyện từ và câu người giáo viên phải tạo ra hệ thống nhiệm vụ và hệ thống những câu hỏi nhằm dẫn dắt các em thực hiện.
Thứ hai: Nguồn cơ bản của làm giàu vốn từ cần được xem là dựa trên kinh nghiệm sống cá nhân học sinh và những quan sát thiên nhiên, con người, xã hội xung quanh học sinh. Việc xây dựng bài tập làm giàu vốn từ cho học sinh phải gắn với đời sống, gắn với việc làm giàu những biểu tượng tư duy. Học sinh bằng con đường quan sát trực tiếp và thông qua những mẫu lời nói để làm giàu mở rộng hơn vốn từ của mình. Giáo viên phải chú ý thiết lập
được mối quan hệ đúng đắn giữa học sinh bằng lời (từ ngữ) với những biểu tượng của trẻ về đối tượng. Mọi quy luật cấu trúc và hoạt động của từ và câu chỉ được rút ra trên cơ sở nghiên cứu lời nói sinh động, những kinh nghiệm lời nói và kinh nghiệm sống của các em đã được bổ sung. Các bài tập luyện từ và câu được xây dựng dựa trên kinh nghiệm ngôn ngữ của học sinh.
Thứ ba: Các bài tập làm giàu vốn từ khi xây dựng phải đảm bảo sự thống nhất giữa lí thuyết ngữ pháp và thực hành ngữ pháp với mục đích phát triển các kĩ năng giao tiếp ngôn ngữ: việc phân tích từ, câu là phương tiện để nhận diện các phương tiện ngữ pháp, nắm được chức năng của chúng, từ đó sử dụng chúng trong lời nói. Nội dung sách giáo khoa đã chọn những giải pháp ngôn ngữ có nhiều lợi thế trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ.