Đa số các doanh nhân cho rằng, mục đích khi làm kinh doanh của họ là làm giàu cho bản thân, gia đình và phục vụ xã hội. Điều này cho thấy rõ những người làm doanh nhân, nhận thức được vai trò của mình trong xã hội, ngoài việc làm giàu chính đáng, doanh nhân còn đóng góp cho xã hội thông qua các hình thức hỗ trợ, giúp đỡ hay tài trợ cho các hoạt động văn hóa xã hội. Một doanh nhân kinh doanh có đạo đức phải biết kết hợp lợi ích cá nhân với lợi ích của đất nước, đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia. Doanh nhân là những người trực tiếp tổ chức, điều hành và quản lý quá trình vận hành nền kinh tế, tức là quá trình sáng tạo và nâng cao giá trị vật chất cho xã hội.
* Phong cách doanh nhân
Kinh doanh vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Doanh nhân muốn thành công trong hoạt động kinh doanh của mình, ngoài yêu cầu về chuyên môn, các kỹ năng còn phải nắm vững nghệ thuật lãnh đạo quản lý kinh doanh.
Phong cách lãnh đạo hợp lý là phong cách mà ở đó người lãnh đạo doanh nghiệp vừa đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của người lao động vừa phát huy được sức mạnh cá nhân và tập thể người lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phong cách lãnh đạo của doanh nhân không chỉ thể hiện về mặt khoa học và tổ chức lãnh đạo, quản lý mà còn thể hiện tài năng, chí hướng, nghệ thuật điều khiển, tác động tới người khác của người
lãnh đạo doanh nghiệp. Phong cách của doanh nhân là cách thức làm việc của doanh nhân. Phong cách doanh nhân là hệ thống các dấu hiệu đặc trưng của hoạt động quản lý của nhà lãnh đạo doanh nghiệp, được quy định bởi các đặc điểm nhân cách của họ. Phong cách lãnh đạo của doanh nhân là kết quả của mối quan hệ giữa cá nhân và sự kiện và được biểu hiện bằng công thức:
Phong cách doanh nhân = Cá tính x Môi trường