Cho vay KHCN giúp NHTM mở rộng mối quan hệ với khách hàng. Đối tượng của cho vay KHCN là cá nhân và hộ gia đình, đây là nhóm khách hàng tiềm năng của NHTM trong nền kinh tế hiện đại. Nếu như một khách hàng khi đã sử dụng sản phẩm của một ngân hàng mà ngân hàng đó cung cấp dịch vụ đáp ứng trọn vẹn nhu cầu chi tiêu còn thiếu hụt về tài chính của họ, họ sẽ cảm nhận được tiện ích mà ngân hàng đó đem lại và hoàn toàn có thể sử dụng tiếp những sản phẩm dịch vụ khác của ngân hàng đó một khi có nhu cầu. Đồng thời cho vay KHCN có số lượng khách hàng rất lớn, chính vì vậy khả năng mở rộng nguồn khách hàng của ngân hàng là rất cao. Thực hiện tốt cho vay KHCN sẽ giúp ngân hàng có thêm được nhiều khách hàng không chỉ riêng ở hoạt động này mà còn ở những hoạt động khác như huy động vốn, thanh toán quốc tế, bảo lãnh.... (Nguyễn Văn Tiến 2009)
Cho vay KHCN giúp đa dạng hoá hoạt động kinh doanh của ngân hàng, từ đó phân tán rủi ro và gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Do đặc trưng của hoạt động kinh doanh ngân hàng là rủi ro cao. Nên để giảm thiểu rủi ro, các NHTM áp dụng phương thức đa dạng hóa danh mục đầu tư, tránh tình trạng chỉ tập trung vào một loại hình kinh doanh. Bên cạnh đó, cho vay KHCN có số lượng khoản vay lớn nhưng giá trị khoản vay nhỏ nên cũng góp phần phân tán rủi ro của ngân hàng, đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, đây cũng là hoạt động chính đem lại nguồn thu lớn trong tổng thu nhập của ngân hàng. (Nguyễn Văn Tiến 2009)
Cho vay KHCN giúp các NHTM nâng cao thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các NHTM luôn phải nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu các sản phẩm dịch vụ để đáp ứng tối đa mục đích vay vốn của KHCN một cách hiệu quả, nhanh chóng. Hoạt động cho vay KHCN tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM trong việc cung cấp thêm nhiều sản phẩm dịch vụ phong phú, làm tăng thu nhập của ngân hàng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định thương hiệu trên thị trường. (Nguyễn Văn Tiến 2009)