Lý do chọn biến và giải thích dự báo

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại cổ phần quân đội (Trang 42 - 45)

DƯ NỢ MB

2.2.2Lý do chọn biến và giải thích dự báo

2.2.2.1 Biến phụ thuộc (ROA)

Tác giả đã lựa chọn biến phụ thuộc cho bài nghiên cứu là ROA mà không phải ROE bởi ROA thể hiện ý nghĩa thiết thực về thực trạng hoạt động kinh doanh, khả năng sử dụng tài sản của ngân hàng để tạo lợi nhuận, sự linh hoạt trong điều chỉnh giữa các khoản mục trên bảng danh mục tài sản khi bị tác động bởi những biến động của nền kinh tế. Trong khi ROE được xem là xuất phát điểm phản ánh về khả năng thu hút vốn để mở rộng quy mô, duy trì vị thế cạnh tranh của ngân hàng và hiệu quả tạo lợi nhuận từ vốn đó. Vốn chủ sở hữu đôi khi gây cản trở sự tăng trưởng của ngân hàng vì khi đó ngân hàng không có cơ hội tích luỹ để tăng vốn chủ sở hữu, như cần phải trích lợi nhuận giữ lại vào các khoản đầu tư quan trọng khác, trong khi hầu hết các quy định pháp lý của các ngân hàng thương mại đều quy định việc tăng tài sản phải đi

kèm với việc tăng vốn chủ sở hữu. Như vậy, tác giả quyết định chọn chỉ số ROA đại diện cho khả năng sinh lời vì nó sẽ thể hiện ý nghĩa tốt hơn ROE trong trường hợp này.

2.2.2.2 Biến độc lập (SIZE, TMTG,DP_CV, CVTS) a. Quy mô tài sản (SIZE) và khả năng thanh khoản (TMTG)

Nhìn vào biểu đồ 2.1- Tài sản của MBBank cho thấy tốc độ tăng trưởng tài sản khá cao, tính đến thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng đã tăng đến gấp đôi so với con số đầu năm 2016. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ tổng tài sản là sự đột phá trong lợi nhuận ròng của MB trong thời gian này, vì vậy khả năng quy mô tài sản tồn tại mối quan hệ đến tỷ suất sinh lời trên tài sản ROA của NH là rất cao. Theo đó, tác giả đã chọn yếu tố quy mô tài sản của ngân hàng (biến SIZE) để tiến hành nghiên cứu kiểm định dự báo ban đầu.

Bên cạnh đó, phân khúc khách hàng mục tiêu của ngân hàng TMCP Quân Đội là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt phân khúc khách hàng cá nhân, văn hoá sử dụng tiền mặt tại Việt Nam còn khá phổ biến, nhất đối với đối tượng khách hàng cá nhân. Vì vậy vấn đề rủi ro thanh khoản có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới nhu cầu của khách hàng, từ đó có thể tác động tới doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng. Do đó, tác giả đã chọn biến TM_TG đo lường tỷ lệ tiền mặt trên tổng tiền gửi khách hàng đưa vào mô hình nghiên cứu.

Trong hầu hết những nghiên cứu trước kia, khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại thì các nhân tố nội bộ như quy mô tiền gửi, quy mô cho vay, rủi ro thanh khoản, chi phí hoạt động, rủi ro tín dụng,...thường được đưa vào mô hình nghiên cứu tác động đến ROA. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy một vài nhân tố như khả năng thanh khoản, quy mô tài sản, các bài nghiên cứu trước kia đưa ra các kết quả thường đa dạng và không đồng nhất phụ thuộc vào quốc gia, giai đoạn cũng như cách đo lường khác nhau:

- SIZE: Trong các nghiên cứu trước đây nghiên cứu về tác động của quy mô ngân hàng tới hiệu quả sinh lời của NH thì các kết quả có cả tác động âm lẫn dương lên lợi nhuận của ngân hàng. Một nghiên cứu tại Mỹ của Mitchell và Onvural (1996) đối với các NHTM tại đây trong giai đoạn từ 1986 đến 1990 chỉ ra

rằng quy mô tổng tài sản và hiệu quả hoạt động của các NHTM có mối quan hệ cùng chiều. Tuy nhiên, một số nghiên cứu tại liên minh Châu Âu như Pasiouras và Kosmidou (2007) lại chỉ ra rằng quy mô tổng tài sản có tác động âm đối với ROA, hay một số khác lại tìm ra không có tác động như McKillop và cộng sự (1996) khi nghiên cứu tại các NHTM Nhật Bản.

- TM_TG: Cũng như quy mô tín dụng, những kết luận của các bài nghiên cứu về vấn đề rủi ro thanh khoản trước đây cũng rất đa dạng nên khiến dự báo của tác giả về kết quả còn chưa rõ ràng. Trước đó cũng có những nghiên cứu chỉ ra sự tương quan âm giữa rủi ro thanh khoản và khả năng sinh lời của ngân hàng, như nghiên cứu của Guru và cộng sự (1999) tại các NHTM Malaysia. Tuy nhiên cũng có nghiên cứu lại kết luận rằng ROA và rủi ro thanh khoản có tương quan dương, như nghiên cứu tại các NHTM Hàn Quốc của Pasiouras và Kosmidou (2007).

Đó là lý do tại sao ban đầu tác giả chưa có sự dự báo cụ thể về dấu tác động của khả năng thanh khoản (TM_TG) và quy mô tổng tài sản (SIZE) đến khả năng sinh lời ROA.

b. Dự phòng rủi ro tín dụng (DP CV)

Như những phân tích trên về thực trạng hoạt động kinh doanh giai đoạn 2016-2020, một trong những yếu tố quan trọng giúp MB đạt được lợi nhuận tăng vượt trội là sự thành công trong chiến lược quản trị rủi ro vượt trội. Bằng chứng cho thấy, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình trong giai đoạn này lên tới hơn 20% thì tỷ lệ nợ xấu của MB giảm trung bình còn hơn 1%, có nhiều quý chỉ còn dưới 1%. Mà dự phòng rủi ro tín dụng là nhân tố đại diện cho thực trạng nợ xấu của NH, nên khả năng nhân tố này có tác động ngược chiều đến hiệu quả sinh lời của ngân hàng là rất cao.

Nhìn vào biểu đồ 2.8 tổng dư nợ của ngân hàng TMCP Quân Đội có thể thấy dư nợ cho vay khách hàng của MB vẫn tăng đều đều hàng năm. Nhìn vào biểu đồ doanhthu của MB, doanh thu từ hoạt động cho vay chiếm lên tới hơn 80% tổng doanh thu của ngân hàng ở bất cứ thời điểm nào. Vì vậy, theo suy đoán của tác giả, việc thúc đẩy cho vay càng nhiều thì có thể khiến doanh thu lãi nhận được sẽ càng cao, và dẫn tới ROA cũng sẽ càng cao. Hay nói cách khác, quy mô cho vay khách hàng có thể sẽ có mối quan hệ cùng chiều với khả năng sinh lời ROA của MB. Vì vậy, tác giả đã chọn biến CV_TS để kiểm định nghi ngờ này.

Cuối cùng, do những khó khăn trong quá trình thu thập số liệu để chạy mô hình và những hạn chế của tác giả về mặt kiến thức chuyên môn, nên tác giả đã lựa chọn nghiên cứu 3 yếu tố nội bộ: quy mô tài sản, khả năng thanh khoản, dự phòng rủi ro tín dụng, để tìm hiểu sự tác động của chúng đến hiệu quả sinh lời của ngân hàng TMCP Quân Đội.

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại cổ phần quân đội (Trang 42 - 45)