Bản đồ 2.1. Bản đồ hành chính tỉnh An Giang.
Châu Thành là huyện nằm về phía Tây sông Hậu, phía Bắc giáp huyện Châu Phú 29,176km, Đông - Đông Bắc giáp huyện Chợ Mới 8,338km, Đông - Đông Nam giáp Thành Phố Long Xuyên 12,446km, Nam giáp huyện Thoại Sơn 30,490km, Tây giáp huyện Tri Tôn 7,027km, Tây Bắc giáp Tịnh Biên 0,158km, nằm cặp quốc lộ 91 và có tỉnh lộ 941 chạy qua nối Châu Thành với Tri Tôn dài khoảng 45 cây số. Huyện lỵ đặt tại thị trấn An Châu.
Châu Thành cùng với Châu Phú là khu vực trọng yếu, là trung tâm chính trị, quân sự của tỉnh, có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi tạo thế liên hoàn với 3 huyện cù lao và 3 huyện vùng núi, nhưng trực tiếp là đối với vùng núi: có ưu thế về chuyển quân, triển khai lực lượng trong chiến đấu qui mô lớn.
Huyện Châu Thành có diện tích đất tự nhiên là 355,06 km2, với trên 170.507 dân, mật độ dân số 480 người/km2. Diện tích đất nông nghiệp 30.863 ha (chiếm 86,92% diện tích tự nhiên), đất chuyên dùng 2.826 ha, đất ở 1.274 ha và đất sông ngòi tự nhiên 544 ha. Là nơi có nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đại đa số (96,8%), còn lại là dân tộc Khơmer (2,1%), Chăm (0,10%) và các dân tộc khác.
Bên cạnh đó, Châu Thành có sự đa dạng của nhiều thành phần tôn giáo như: Phật giáo Việt Nam, Công giáo, Cao đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa hảo... Tuy có sự đa dạng về thành phần dân tộc và tôn giáo nhưng tình đoàn kết của cộng đồng dân cư trên địa bàn luôn gắn bó chặt chẽ, đồng bào các dân tộc cũng ra sức đóng góp và xây dựng quê hương mình đang sống.
Bảng 2.1. Đơn vị hành chính huyện Châu Thành, tỉnh An Giang Số TT Xã, thị trấn Dân số (người) Nữ (người) Dân tộc (người) 1 TT. An Châu 24.381 12.242 278 2 An Hòa 16.332 8.201 61 3 Cần Đăng 21.016 10.550 943 4 Vĩnh Hanh 14.412 7.236 909 5 Bình Thạnh 6.806 3.417 8 6 Vĩnh Bình 10.204 5.122 26 7 Bình Hòa 21.132 10.608 115 8 Vĩnh An 10.106 5.073 28 9 Hòa Bình Thạnh 13.453 6.752 714 10 Vĩnh Lợi 6.171 3.098 44 11 Vĩnh Nhuận 7.698 3.864 129 12 Tân Phú 4.173 2.095 17 13 Vĩnh Thành 14.623 7.341 1.352 Tổng cộng 170.507 85.599 4.624
Nguồn: Niên giám thống kê huyện Châu Thành năm 2015.
Châu Thành là huyện đồng bằng thuộc khu vực tứ giác Long Xuyên. Diện tích đất chủ yếu là đất trồng lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái, không có đồi núi. Có sông Hậu chảy qua, với nhiều ao hồ và nhiều kênh rạch chằng chịt (kênh Mặc Cần Dưng, Ba Xã, Chắc Cà Đao…) phục vụ cho tưới tiêu, rửa phèn, sản xuất nông nghiệp và là đường giao thông quan trọng trong vận chuyển hàng hóa trong vùng.
Mỗi năm, thời tiết Châu Thành gồm 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa trung bình hàng năm khá cao, trên 1.000 mm/năm.
Nằm ở đầu nguồn lũ đồng bằng sông Cửu Long, hằng năm, cứ từ tháng năm trở đi, với hậu quả của những đợt khó mùa kèm theo mưa, mực nước sông
Hậu bắt đầu dâng lên, đến mức báo động cao nhất vào cuối tháng chín hoặc đầu tháng mười, đây là khoảng thời gian mùa nước nổi ở Châu Thành. Từ xưa đến nay, trong thời gian này, An Giang nói chung và huyện Châu Thành nói riêng bị tác động rất lớn của mùa nước nổi đến đời sống và sản xuất của cư dân. Những năm thời tiết diễn biến phức tạp, nước cao, gây thiệt hại rất lớn về người và vật chất. Với đặc điểm đó các biện pháp sống chung với lũ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Châu Thành tiến hành khẩn trương như: nạo vét kênh mương thoát lũ, xuống giống nông sản để tránh lũ, bao đê chống ngập trong khu sản xuất nông nghiệp, xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ…
Trong những tháng mùa nước nổi, sự ưu đãi của thiên nhiên đã mang lại cho Châu Thành một lượng lớn phù sa màu mỡ, nhiều thủy sản… tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và thu hoạch thủy sản, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng.