Kinh nghiệm của Đài Bắc (Đài Loan)

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 59 - 61)

Đài Bắc là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của Đài Loan, với sự phát triển tập trung của các khu công nghiệp hiện đại. Song, Đài Bắc đã xây dựng được nền nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, nhất là nông nghiệp sinh thái nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, thư giãn của cư dân đô thị. Những trang trại quy mô “vừa và nhỏ” (thường khoảng 2 - 5 ha) ở vùng ven thành phố Đài Bắc thường thu hút lượng khách tham quan khá đông, nhất là gia đình, học sinh các trường trong thành phố đến trải nghiệm làm nông nghiệp. Ngoài mục đích xây dựng một môi trường sống hài hòa, thân thiện với con người và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, việc ưu tiên phát triển nông nghiệp sinh thái ở những vùng ven thành phố Đài Bắc đã thúc đẩy phát triển ngành du lịch của thành phố nói riêng, cả Đài Loan nói chung. Ngoài ra, Đài Bắc còn tập trung xây dựng nhiều cơ sở nghiên cứu và

sản xuất, chuyển giao các loại giống cây trồng lớn cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, trong đó tập trung nghiên cứu những bộ giống đầu giòng như hoa, các loại quả, đồng thời sản xuất các loại giống để xuất khẩu.

Để thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp đô thị hay nông nghiệp sinh thái, các cơ quan chức năng của Đài Loan nói chung, Đài Bắc nói riêng đã tạo mọi điều kiện về thuế, đất đai, nhất là có chính sách bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân; đồng thời xác định rõ chiến lược, quy hoạch phát triển; xây dựng chính sách vĩ mô phù hợp, sự lựa chọn những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh… Từ những thành công và bước phát triển nông nghiệp của Đài Bắc cũng như của Đài Loan, có thể rút ra một số bài học sau:

Thứ nhất, vai trò của các tổ chức nông dân với những hình thức tổ chức sản xuất thích hợp. Xây dựng các thể chế “Nông hội” ở từng vùng sinh thái để tạo cơ hội cho người dân nông thôn tự ra các quyết định sản xuất, kinh doanh, trong đó cơ bản xây dựng bốn hình thức liên kết để hỗ trợ phát triển của nông nghiệp: i) Hiệp hội nông dân, bao gồm những nhóm hợp tác đa mục đích, do chính những người nông dân lập ra nhằm mang lại những lợi ích cho bản thân họ; ii) Hiệp hội thủy lợi, với chức năng chính là quy định sử dụng nước tưới tiêu, thu phí nước, xây dựng và bảo trì các cơ sở thủy lợi; iii) Hiệp hội ngư dân, với chức năng tương tự như hội nông dân, khác ở chỗ các hoạt động là nhắm đến phục vụ ngư dân; iv) HTX marketing cây ăn quả, bao gồm những nông dân tích cực tham gia trồng cây ăn quả.

Nông hội được coi là “cầu nối” giữa các cơ quan chức năng với nông dân để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, hướng vào xuất khẩu. Về cơ bản, đây là những tổ chức kinh tế hợp tác làm dịch vụ phi nông nghiệp, từ cung cấp vật tư đến tiêu thụ nông sản, hỗ trợ người nông dân thương lượng giá cả các mặt hàng nông sản. Các doanh nghiệp với sự bảo trợ của Chính phủ, phối hợp với nông hội ký kết hợp đồng với nông dân sản xuất nguyên liệu cho nhà máy và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Thứ hai, nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đổi mới và ứng dụng KHCN mới là động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp của Đài Bắc nói riêng, phát triển nông thôn ở Đài Loan nói chung. Đài Bắc có nhiều viện nghiên cứu và các trạm khảo nghiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, đã tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu; nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ của hóa học, sinh học và cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.

Thứ ba, phát triển các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản. Những dịch vụ hỗ trợ mở rộng tại các trạm ở vùng chuyên canh tập trung là cầu nối giữa nghiên cứu, thử nghiệm trên với dịch vụ tín dụng. Hội nông dân đóng vai trò rất tích cực trong việc cung cấp tín dụng cho mục đích sản xuất và marketing nhằm gia tăng khả năng bán sản phẩm của nông dân và duy trì hiệu quả hoạt động. Thực hiện chính sách hỗ trợ giá, hỗ trợ các HTX hoạt động theo chuỗi giá trị, từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Các thành phần kinh tế đều kết nối chặt chẽ và chia sẻ lợi ích với nhau nhằm phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm tạo nên giá trị gia tăng cao cho nông sản, tăng sức cạnh tranh hàng hoá xuất khẩu dựa trên mối “liên kết” chặt chẽ công nghiệp với nông nghiệp khi hình thành mối quan hệ hợp đồng giữa nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến [4; 5].

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 59 - 61)