Kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 64 - 66)

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, KHCN của cả nước, là hạt nhân của khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp thành phố đang có xu hướng giảm mạnh tỷ trọng; nếu năm 1985, ngành nông nghiệp đóng góp 6,2% trong cơ cấu GDP thì đến năm 2010 còn 1,21%, từ năm 2014 đến nay chỉ còn khoảng 1,00%. Song, ngành nông nghiệp Thành phố vẫn giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững cho quá trình phát triển KT-XH trên địa bàn. Giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp của Thành phố tăng bình quân là 5% (cả nước tăng 3,36%); giai đoạn 2011 - 2015 là 5,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa một vụ, hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao: hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa… Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 1.663 ha trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn/năm, nhất là diện tích rau sản

xuất trong nhà lưới cho giá trị sản lượng 120 - 150 triệu đồng/ha; hơn 700 ha trồng hoa - cây cảnh, các hộ nông dân áp dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa cảnh đem lại thu nhập 600 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới mục tiêu: trong giai đoạn 2015 - 2020, sẽ tập trung xây dựng và đưa vào hoạt động 4 - 5 khu NNCNC; từ năm 2025 trở đi, sẽ đưa sản xuất nông nghiệp của Thành phố đạt trình độ thâm canh và ứng dụng công nghệ cao theo đặc trưng của nông nghiệp đô thị. Nghiên cứu về sự phát triển của nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có thể rút ra một số kinh nghiệm cơ bản sau:

Thứ nhất, tích cực triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp. Nhờ các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ đầu tư trong NN, NT, nguồn vốn vay ưu đãi đến tay hàng ngàn hộ dân, góp phần cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH trên địa bàn Thành phố. Thông qua nhiều hình thức cho vay vốn, đã thúc đẩy nhanh quá trình CDCC cây trồng, vật nuôi có hiệu quả thấp sang các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Giai đoạn 2011 - 2016, tổng số lao động (việc làm) tạo ra thông qua các hình thức cho vay hỗ trợ sản xuất là khoảng 47.245 lao động, trong đó có 5.727 lao động là đối tượng nghèo.

Thứ hai, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết phù hợp. Tạo điều kiện giúp người dân trên địa bàn Thành phố chủ động tham gia các hình thức hợp tác, liên kết, liên doanh để khắc phục những hạn chế về quy mô của kinh tế hộ, Thành phố đã động viên người nông dân tích cực tham gia vào quá trình đổi mới HTX, tham gia hay hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp. Từ các mô hình HTX kiểu mới, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp đã dần hình thành các vùng chuyên canh tập trung sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao như hoa lan, cá cảnh, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP…; xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản có giá trị sang các thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật và một số nước châu Âu.

Thứ ba, chú trọng xây dựng và phát triển NNCNC. Điểm nhấn của nông nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh là NNCNC. Thành phố đã tập trung xây dựng khu NNCNC với quy mô 88,17 ha tại huyện Củ Chi; hình thành các trung tâm NNCNC như: Trung tâm Công nghệ sinh học (Quận 12), Trại thực nghiệm bò sữa công nghệ cao hợp tác với Israel (huyện Củ Chi) nhằm chuyển giao, hỗ trợ công nghệ cao đến từng trang trại và hộ sản xuất… Khu NNCNC ở Củ Chi là những mô hình thử nghiệm đầu tiên của nước ta về một khu NNCNC đa chức năng để nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN, kêu gọi đầu tư cho quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn sẽ có sức lan tỏa về phương thức sản xuất mới ở khu kinh tế trọng điểm phía Nam [39; 70].

2.3.4. Những bài học rút ra từ nghiên cứu kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ngoại thành trong - ngoài nước cho Hà Nội

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 64 - 66)