Căn cứ vào các phân tích trên về NLCT ngành VTB VN và các tồn tại phát sinh cần nghiên cứu giải quyết về NLCT ngành VTB VN, các định hướng nâng cao NLCT ngành VTB VN đến năm 2030 bao gồm:
a. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành vận tải biển Việt Nam là một quá trình xử lý tổng thể và đồng bộ các yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của ngành
Lợi thế cạnh tranh của ngành VTB định hướng đến 2030 được tạo dựng dựa trên sự tận dụng tối đa các lợi thế quốc gia và sức mạnh của các DN trong ngành, đặc biệt là các lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước và tiềm năng biển để nâng cao NLCT của ngành VTB VN một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vừa có bước đi phù hợp, vừa có bước đột phá theo hướng hiện đại, tạo tiền đề nâng cao vị thế cạnh tranh ngành VTB trong khu vực và thế giới.
Thời gian vừa qua, những lợi thế cạnh tranh mà ngành VTB có được, phần lớn là dựa vào những lợi thế mang tính tự nhiên, có tính chất sẵn có và không bền vững. Vì vậy, nâng cao NLCT của ngành VTB trong thời gian tới cần được đặt dưới một quan điểm tổng thể, qua đó cần phải phát huy một cách hiệu quả các yếu tố lợi thế tự nhiên, đồng thời kết hợp tạo dựng các lợi thế quốc gia mang tính bền vững khác như là phát triển thị trường nội địa, tạo môi trường cạnh tranh sân nhà cho các DN VTB VN, phát triển các ngành hỗ trợ cũng như thúc đẩy của Nhà nước và các cơ quan có liên quan.
b. Phương thức nâng cao năng lực cạnh tranh ngành vận tải biển Việt Nam phải ưu tiên tập trung vào lợi thế cạnh tranh sở trường ngành vận tải biển của quốc gia, tạo sự chuyển biến tích cực và vững chắc các yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của ngành
Để nâng cao NLCT của ngành định hướng đến 2030, điều cốt yếu là phải tăng cường và củng cố sức mạnh của các yếu tố cạnh tranh nguồn lực, cũng như tạo dựng sự gắn kết giữa các ngành lien quan và tận dụng các yếu tố lợi thế quốc gia cho ngành. NLCT của ngành được tạo dựng không chỉ nhờ những nỗ lực riêng lẻ của DN, mà nó đòi hỏi sự củng cố một cách đồng bộ các mắt xích trong một chuỗi các yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau, tạo nên một lợi thế vững chắc trong cạnh tranh của ngành.
Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển VTB và có NLCT cao đều sử dụng phương thức nâng cao NLCT ngành VTB theo đặc thù ngành VTB của các quốc gia khác nhau là khác nhau. Nhờ chiến lược cạnh tranh đúng đắn và phù hợp, Singapore đã phát triển dịch vụ vận tải và cảng biển thành trạm trung chuyển hàng đầu thế giới, Nhật Bản đã có đội tàu siêu trọng với năng lực vận tải khổng lồ, Trung Quốc có một đội tàu quy mô lớn và sản lượng vận tải vô cùng lớn, Mỹ chiếm lĩnh các tuyến vận tải giá trị siêu lợi nhuận, trong khi các quốc gia ASEAN như Thái Lan và Malaysia với xuất phát điểm năm 2001 thấp hơn VN nhưng đến nay đã vượt VN về VTB.
c. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành vận tải biển Việt Nam phải đồng bộ với phát triển các ngành hỗ trợ liên quan
Trước hết, nâng cao NLCT của ngành VTB định hướng đến 2030 phải đồng bộ với phát triển các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không; ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, hiện đại; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics để tạo nên một hệ thống vận tải đồng bộ, liên hoàn và hiệu quả. Phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông có tính chất quan trọng cho ngành VTB, đảm bảo hàng hoa được xếp/dỡ và giải phóng nhanh chóng cho tàu vận tải.
Hơn nữa, NLCT của ngành VTB định hướng đến 2030 không chỉ phụ thuộc vào bản thân nỗ lực của riêng ngành, mà còn phụ thuộc nhiều vào sự phát triển đồng bộ của các ngành hỗ trợ có liên quan, đặc biệt logistic bao gồm từ sản xuất, bốc xếp, lưu kho, di chuyển đến cảng và ngược lại. Vì vậy cần thiết phải có các biện pháp phát triển đồng thời những ngành này, phục vụ nhu cầu phát triển ngành VTB thời gian tới.
Do đó, nâng cao NLCT của ngành VTB cần đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo môi trường cạnh tranh và điều kiện cho hoạt động cảng biển phát triển nói riêng và VTB nói chung.
d. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành vận tải biển Việt Nam phải đảm bảo sự phát triển bền vững vận tải biển
Nâng cao NLCT của ngành VTB VN định hướng đến 2030 phải phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết của Đảng;
chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh, bền vững, ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tăng sức cạnh tranh của đội tàu vận tải để chủ động hội nhập và mở rộng thị trường VTB trong khu vực và thế giới.
Nâng cao NLCT của ngành có lộ trình, từng bước hiện đại, chất lượng ngày càng cao, chi phí hợp lý, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Đây là một quá trình lâu dài, mang tính toàn diện và đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều DN trong ngành, trong đó yếu tố Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng.
e. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành vận tải biển Việt Nam phải chú trọng phát triển đội tàu vận tải biển hiện đại, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa đội tàu khu vực và thế giới
Phát triển đội tàu biển VN định hướng đến 2030 theo hướng hiện đại, từng bước hiện đại hóa và trẻ hóa đội tàu biển VN, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dụng (tàu container, tàu dầu, tàu hàng rời) và tàu trọng tải lớn, nhằm khai thác hiệu quả các tuyến hàng hải quốc tế khác nhau, tăng sức cạnh tranh của đội tàu vận tải để chủ động hội nhập và mở rộng thị trường VTB khu vực và thế giới.
Tái cơ cấu đội tàu vận tải hoạt động chuyên tuyến theo hướng đầu tư tàu có tải trọng trung bình lớn, chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa chuyên tuyến xa hoặc chuyên tuyến nhập khẩu như: vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu…
Tập trung xây dựng chiến lược phát triển đội tàu định hướng đến 2030 theo hướng hiện đại, chú trọng đầu tư tàu ít tuổi, công nghệ kỹ thuật mới, dần dần đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và các rào cản kỹ thuật với các hàng hóa giá trị cao, đáp ứng được chất lượng vận tải của các chủ hàng lớn.