QUÊ HƯƠNG ĐÍCH THỰC VÀ THIÊN ĐƯỜNG TRONG GIẤC MƠ

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 38 - 40)

Ngày xưa có thể chúng ta đã có cơ hội sống với hiện pháp, nhưng đã bỏ cái thiên đường thật đó để chạy theo một thiên đường mà ta mơ tưởng, không bao giờ có thật. Trong một bài giảng bằng tiếng Anh trước khóa tu này, tôi có nói rằng mỗi người trong chúng ta đều có cảm tưởng là đã đánh mất cái thiên đường của mình và trong cuộc sống hiện tại, ta đang tìm lại cái thiên đường đó. Ta tin rằng có một nơi, có một cảnh mà trong đó nếu trở về được thì sẽ có an lạc, hạnh phúc, sẽ được che chở và có an ninh. Vì vậy mà suốt đời chúng ta cứ đi tìm một thiên đường trong giấc mơ.

Người tu Tịnh độ đầu tư vào việc “tìm về” bằng cách mỗi ngày lần bao nhiêu xâu chuổi, niệm bao nhiêu chục ngàn danh hiệu Bụt. Qua sự hành trì đó ta cũng nhận diện được ước muốn được trở về với quê hương đích thực của họ. Trong bài giảng tiếng Anh nói trên tôi có nói rất rõ rằng, một ý niệm về quê hương hay là một cảm nghĩ về quê hương, chưa phải là quê hương đích thực. Khi nghe chuông ta thực tập: Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm; có khi ta nói “đưa về quê hương” (listen, listen this wonderful sound brings me back to my true home). Như vậy chúng ta là những người đã mất quê hương đích thực và trong cuộc sống hằng ngày ta cứ mãi đi tìm cái quê hương đích thực đó.

Quê hương đích thực là gì? Ý niệm của chúng ta về quê hương đích thực là gì? Quê hương đích thực là một nơi mà ta cảm thấy có an ninh, cảm thấy được che chở, không phải lo sợ, không đánh mất chúng ta. Quê hương đích thực, “True home” không phải là một cái ý niệm mà cũng không phải là một cảm tưởng.

Ngay từ đầu, ý niệm về quê hương đích thực là một ý niệm mà ta cần phải cứu xét. Mỗi chúng ta đều giữ lại cái kỷ niệm của thời mà ta còn là bào thai trong lòng mẹ. Mỗi chúng ta đều cư trú khoảng chín tháng trong bụng mẹ. Bụng mẹ tiếng Hán Việt gọi là tử cung, nó có nghĩa là cung điện của đứa bé, rất hay! Trong cái cung điện đó ta cảm thấy rất an ninh, không sợ gió, không sợ mưa, không sợ lạnh. Ta không cần phải đốt lò, tại vì trong đó ấm lắm, trong đó

độ ấm tuyệt hảo. Ta không phải lo chuyện ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều. Ta không lo chuyện quấn khăn, đi giày, tại vì mẹ làm tất cả cho ta. Thở thì đã có mẹ thở giùm, ăn cũng có mẹ ăn giùm, uống cũng có mẹ uống giùm, và giữ gìn cũng có mẹ giữ gìn giùm, thành ra ta khỏi làm gì hết, và chín tháng ở trong cung điện của đứa con ta rất có hạnh phúc. Nhưng từ khi ra đời ta đã mất cái thiên đường đó. Sự kiện này ghi lại trong ta một hoài vọng. Cái ước vọng của những người muốn trở vê thiên đường với Chúa, trở về quê hương đích thực, để được che chở bảo hộ, để khỏi phải làm gì cả! Trong ý niệm đi về cõi Tịnh Độ cũng có cái ước vọng đó, Đi sang “bên đó” khỏi phải nấu ăn, đến giờ tự nhiên có thức ăn! Ước muốn ấy đánh đúng vào cái nhu cầu của chúng ta, ngày nào cũng là ngày làm biếng hết! Dù biết hay không biết thì trong tàng thức của ta vẫn đã có hạt giống của hoài vọng muốn trở về cái thiên đường cũ. Ta phải thấy được điều đó. Dù đã bốn mươi, năm mươi tuổi rồi mà mình vẫn muốn trở về trong bụng mẹ như thường. Hôm trước tôi có nói rằng, tôi biết là hồi xưa trong bụng mẹ tôi đã ưa nằm trong tư thế một chân để thẳng, một chân cong. Nhiều đêm thức giấc, tôi thấy mình nằm trong tư thế đó. Nhờ tu chánh niệm cho nên mình biết rằng ngày xưa, hồi mình được năm sáu tháng, mình đã bắt đầu chơi trong bụng mẹ, mình đã cọ quậy xoay trở và mình tìm ra cái thế nằm lý tưởng đó của mình.

Nhưng ta phải đặt câu hỏi: cung điện của đứa con có phải là quê hương đích thực của chúng ta hay không? Chúng ta có đang tự đánh lừa mình hay không, dù đánh lừa một cách có ý thức hay là không có ý thức? Giả thiết bây giờ được phép trở về thì bạn có muốn trở về hay không? Hay bạn thấy trong đó tối hu? Quê hương đích thực của ta không lý lại tối hu như vậy? Khi đã ra đời, đã thấy ánh sáng , đã được nghe tiếng chim hót, đã thấy bầu trời mênh mông xanh biếc rồi, ta có còn muốn bỏ những cảnh này để chui vào trong cái cung điện của đứa con, để được nâng niu, để được che chở như trước hay không? Thực tế mà xét, chắc hẳn trí óc của ta có thể nhận thức được rằng quê hương của ta không phải là một vùng tối tăm như là cung điện của đứa con. Quê hương đích thực của chúng ta phải là một cái gì khác hơn va chắc chắn một trăm phần trăm là ta không muốn trở về nơi đó, tại vì nơi đó không phải là quê hương đích thực của ta. Tuy vậy, dưới tiềm thức ta vẫn có một sự thu hút cho nên đêm đêm ta vẫn mong trở về quê hương, trở về với thiên đường đã mất đó!

Trong tâm ta Tàng thức có cái lý luận và cái thấy của riêng nó và ước muốn của nó đôi khi không phù hợp với ước muốn của Ý thức. Có những điều mà trong trạng thái thức, ta thấy rằng ta không cần, không thật sự ham muốn. Vậy mà trong giấc mơ ta lại đi tìm chúng. Vì vậy cho nên ta biết có sự bất đồng ý kiến giữa Ý và Tàng trong tâm ta.

Sư Chú Pháp Dụng có kể cho tôi nghe hồi về Việt Nam chú đã đi tìm những món quà ăn mà chú thường nằm mơ trong thời gian còn là học sinh, sinh viên Hoà Lan. Không hiểu tại sao mà mấy món quá đó hấp dẫn quá chừng! Xa

quê hương từ hồi còn bé và trong suốt thời gian mười mấy năm đó, chú đã từng nằm mơ, đã từng chạy theo bóng dáng của những món quà của quê hương và của tuổi thơ. Vậy mà khi về đến quê nhà, đứng trước hàng quà, thấy được những món quà mà chú đã từng ước mơ, chú giựt mình tự hỏi “Cái này đây hả, cái này là cái mà trong bao nhiêu năm mình mơ ước và thèm thuồng đây hả? Rõ ràng thực tại có khi không hấp dẫn bằng trong giấc mơ. Vì vậy mà ta thường nói “Đẹp như mơ!”

Trong trạng thái thức, những đối tượng của sự thèm khát, của sự ham muốn về danh, về lợi, về tài, về sắc không có sức hấp dẫn lớn bằng trong cái thế giới của tiềm thức, của ước. Trong giấc mơ, cảm giác của chúng ta có cường độ lớn hơn, sâu hơn, đậm hơn so với khi ta còn thức. Trong giấc mơ chúng ta sợ gấp mười lần lớn hơn, ta tham đắm mười lần nhiều hơn, tại vì cảnh giới trong mộng bao giờ cũng đẹp hơn là cảnh giới thực. Đó là chưa nói trong khi tỉnh ta vẫn dùng màn nhung của cõi mộng để phủ lên trên cảnh giới của thực tại rồi cho rằng cái cảnh giới đó là rất đẹp.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 38 - 40)