NGỒI CHO YÊN, ĐỨNG CHO VỮNG

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 87 - 88)

Chúng ta thường có khuynh hướng muốn đi tìm hạnh phúc và phủ nhận, chối từ cái quê hương đang có trong hiện tại vì nghĩ rằng hiện tại chỉ là khổ đau. Ta nghĩ hạnh phúc chỉ có thể có được ở trong tương lai và quê hương đích thực chỉ có mặt trong quá khứ mà bây giờ thì đã mất rồi! Cái khuynh hướng trốn chạy và chối từ đó đã trở thành một tập khí, nên bây giờ ta không đứng yên, không ngồi yên được nữa, ta chỉ có thể chạy thôi! Người Việt thường nói ngồi như ngồi trên đống lửa! là vì ta đã mất cái khả năng gồi yên, cái khả năng an tọa. Xin mời sư huynh an tọa, nghĩa là mời anh ngồi xuống trên một đóa sen, đừng ngồi như ngồi trên một đống lửa. Người không tu tập không tu tập thì không có khả năng ngồi yên. An tọa có nghĩa là ngồi yên và ngồi yên an lạc thì đó là ngồi trên một đóa sen. Dầu ngồi trên một tảng đá, dưới một gốc cây, hay trên một đồi cỏ, nếu ta biết an tọa thì chỗ ngồi đó sẽ biến thành một đóa liên hoa. Ta thường vẽ Bụt ngồi trên đóa sen là vì Bụt biết an tọa. Bụt ngồi ở đâu cũng là ngồi trên đóa hoa sen là vì Ngài am tường nghệ thuật an tọa.

Khi về tới quê hương là ta đã trở về nơi ta thương yêu nhất, thoải mái nhất, thì ta còn phải đi tìm gì nữa? Gia đình Phật tử Việt Nam có bài hát “Kính mến Thầy”, trong đó có một câu rất ngộ:

Hôm nay Thầy về đây,

Chúng con xin kính chào Thầy, Trong giờ phút vui này,

Chúng con biết làm gì đây?

Thương thầy và được gặp thầy thì mình ngồi yên, an tọa với thầy là chuyện phải làm. Cái gì mà thương mến nhất, điều gì khiến ta cảm thấy thoải mái nhất, khi đã đạt rồi thì ta đâu cần làm gì nữa? Tại sao gặp được người mình thương, tới được chỗ ta coi là quê hương mà còn phải lăng xăng “không biết làm gì đây”? Vì vậy tôi đề nghị với các cháu sửa câu này lại là:

Trong giờ phút vui này,

Chúng con quyết lòng ngồi đây.

Người Việt có nhiều câu rất hay để diễn tả những người không có khả năng đi đứng, nằm, ngồi yên ổn. Ví như trong truyện Kiều:

Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng, Ma đưa lối, quỉ dẫn đàng,

Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi.

Ở những chỗ thong dong như mái chùa, như tại Làng Mai, xóm Thượng, xóm Hạ, mà mình vẫn không an trú được, thì đúng là ta bị ma quỉ nó xúi đi về những nẻo đường tăm tối, những nẻo tạo nên trạng huống đau buồn đứt ruột. Những nẻo đường đó do đâu mà có? Chính là do những tập khí năm xưa, và tập khí đó là ma, là quỉ.

Một câu ví von khác là “Như bắt cóc bỏ vào đĩa!” Con cóc sống mà đạt lên cái đĩa thì nó ngồi yên được bao lâu? Nếu ta ngồi không yên, đi không vững ngay tại những nơi đáng lý ta phải có an lạc, thì đó là những năng lượng tiêu cực của tập khí, những năng lượng phát sinh từ tư tưởng ta đã đánh mất quê hương, đánh mất thiên đường, và từ ý tưởng rằng quê hương ấy chỉ có trong quá khứ hoặc trong tương lai. Nếu chuyên tâm và khôn khéo tu tập, ta có thể tạo được, khôi phục lại được cái quê hương ấy ngay bây giờ và ở đây.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 87 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w