HAI BƯỚC CỦA THIỀN TẬP

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 97 - 98)

Thiền tập có hai bước, bước đầu là chỉ, bước thứ hai là quán. Chỉ tức là dừng lại và tập trung vào một đối tượng. Quán là đưa mắt nhìn xâu vào để thấy rõ như nhìn kỹ mẹ, nhìn kỹ em, nhìn kỹ cây hoa đào, nhìn kỹ mặt trăng, nhìn kỹ con sâu, nhìn kỹ lá gan của mình. Nhìn kỹ trong bốn phạm vi Thân, Thọ, Tâm, Pháp, gọi là Tứ niệm xứ. Khi nhìn kỹ như vậy thì ta mới thấy và mới hiểu. Cái hiểu, cái thấy đó cởi trói, giúp cho ta giải thoát và chuyển hóa. Những bước thiền tập đó sẽ dẫn đến tuệ.

Tập khí năm xưa rồi chuyển hóa, Vườn tâm tuệ giác nở trăm hoa.

Thành ra những chữ Giác, Trí, Tuệ, có thể dịch bằng những danh từ rất đơn giản như HiểuThấy.

Con người khổ đau là tại vì cái tà niệm, cái vọng niệm, cái tri giác sai lầm của mình. Khi nhìn sâu, quán chiếu để làm tan những vọng niệm, những sai lầm của tri giác, thì ta có tuệ, nghĩa là giải thoát được những khổ đau của ta. Ta giận hờn, ghen tuông và khổ đau là vì ta bị trói buộc bởi những tri giác sai lầm của chính ta. Do công phu quán chiếu, nhìn sâu thì ta hiểu, ta thấy và ta được cởi trói, cho nên ta chuyển hóa được và có hạnh phúc. Tất cả những công trình đó thực hiện được là nhờ một loại năng lượng gọi là chánh niệm. Ngoài công việc thực tập hơi thở chánh niệm, thực tập, đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc trong chánh niệm, thực tập ăn cơm có chánh niệm, uống trà có chánh niệm, thì ta đâu còn cơ hội nào để sản xuất được thứ năng lượng quí giá gọi là chánh niệm đó? Cho nên công phu thực tập hàng ngày rất quan trọng. Có thể ta cũng đi thiền hành với mọi người, cũng ăn cơm yên lặng, ngồi thiền, rửa bát, chùi phòng tắm, cầu tiêu với mọi người, nhưng nếu trong khi người khác làm công việc đó mà phát ra tinh lực chánh niệm tràn đầy, còn ta chỉ làm hình thức thôi thì đó là một điều rất uổng phí. Đi thiền hành nửa giờ có thể làm lưu xuất không biết bao nhiêu là tinh lực của chánh niệm để nuôi dưõng, soi sáng và chuyển hóa. Nếu chỉ đi cho có hình thức, đi là vì người khác đi, thì rất uổng. Cũng như cùng đi qua một rừng trầm hương châu báu, có người thu thập được rất nhiều châu báu, trong khi ta lại về tay không! Vì vậy khi vào tu viện, chúng ta nên học ngay những bài Thi Kệ Nhật Dụng như Uống nước, Rửa tay, Rửa chân, Mặc áo, Đi cầu, Ngồi xuống, Đứng dậy v.v.. Tất cả mọi sinh hoạt đều phải được thực hành theo những bài Thi Kệ trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Trong truyền thống của ta, thực tập chánh niệm là điều căn bản, do đó những điều đã được đem ra để học hỏi, thực tập, ta phải chấp hành một cách thật nghiêm chỉnh, như vậy mới thực sự sống trong truyền thống của Làng Mai.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 97 - 98)