Sau khi nói xong bài kệ thứ ba Bụt hỏi vị thiên giả: “Con có hiểu bài kệ hay không? Nếu không hiểu thì cứ nói”. Cố nhiên những bài kệ này ý nghĩa rất là thâm ảo, dầu vị thiên giả có thông minh thì cũng phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới nắm được cái yếu chỉ của lời Bụt dạy. Vì vậy vị thiên giả bạch Bụt: “Con chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con chưa hiểu, bạch Đức Thiện Thệ”. Đây
là một chi tiết mà ta cần phải chú ý. Đây là lần thứ ba vị thiên giả nói “Con chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con chưa hiểu, bạch Đức Thiện Thệ”. Nếu chưa hiểu, chưa nắm được thì phải nói là chưa hiểu, chưa nắm được để thầy dạy lại cho mình, đừng sợ thầy chê mình chậm hiểu, hay sợ các bạn chê mình không thông minh. Một vị thiên giả hào quang sáng chói mà khi chưa hiểu thì nói là chưa hiểu, tại sao mình lại không làm được điều đó?
Lúc đó Bụt đọc thêm cho vị thiên giả một bài kệ thứ tư:
Cắt ái và danh sắc, Trừ mạn hết buộc ràng, Chấm dứt mọi sân hận, Nội kết và hy cầu, Là giải thoát mọi cõi, Đời này và đời sau.
Tôi dịch là:
Trừ dục, vượt ba mạn, Tâm lặng, hết mong cầu, Mọi đau phiền cởi bỏ, Đời này và đời sau.
Ta ghi lại hai bài chữ Hán để dễ đối chiếu. Bài kệ trong Tạp A Hàm là:
Đoạn ái cập đanh sắc, Trừ mạn vô sở hệ, Tịch diệc tức sân nhuế, Ly kết tuyệt hy vọng, Bất kiến ư nhân thiên, Thử thế cập tha thế.
Bài trong Biệt Dịch Tạp A Hàm:
Đoạn ái cập đanh sắc, Diệt trừ tam chủng mạn, Bất xúc ư chư dục, Diệt trừ ư sân nhuế, Bạt trừ chư độc căn,
Chư tưởng nguyện dục tận, Nhược năng như thị giả, Đắc độ sinh tử hải.
Những bài kệ trong Biệt Dịch Tạp A Hàm thường dài hơn, nhưng rõ ràng hơn.
Đoạn ái cập danh sắc, đoạn tức là cắt đứt, là vượt thoát; ái ở đây là ái dục; danh sắc là cái ý niệm về sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc này là thân chứ không phải là nữ sắc, còn danh này là tâm chứ không phải là danh tiếng. Câu này có nghĩa là vượt thoát những ý niệm về danh và về sắc. Ta thường có ý niệm về hạnh phúc này, về sắc, thọ, thọ, tưởng, hành, thức kia, những ý niệm đó thường sai lầm, và chính những sai lầm đó dẫn ta đi vào những nẻo đường tăm tối. Vì vậy “đoạn” ở đây tức là chấm dứt, là thoát khỏi những ý niệm, những khái niệm sai lầm mà ta đã có về hạnh phúc.
Diệt trừ chúng tam mạn là lấy đi, đoạn trừ ba thứ mặc cảm bằng người, hơn người, thua người. Vô sở hệ là không bị buôc ràng vào cái gì hết. Hệ có nghĩa là buộc ràng. Chữ hệ này có cùng nghĩa với chữ hệ lụy, tức là bị buộc ràng, bị vướng vào. Vô sở hệ là không bị buộc ràng vào cái gì hết, nó có nghĩa là thảnh thơi. Khi có ba ý niệm hơn người, bằng người, thua người thì ta bị buộc ràng vào, vì vậy mà có những phiền não. Khi trừ được ba cái mạn đó thì ta hết bị buộc ràng, lúc đó tâm ta có trạng thái vắng lặng, gọi là tịch diệt. Vắng lặng là vắng lặng vẻ những xôn xao của suy tư: ta thua người đó, ta hơn người đó, ta bằng người đó. Như vậy chữ tịch diệt này có nghĩa là niết bàn, giải thoát. Tức sân nhuế, tức ở đây có nghĩa là chấm dứt. Tịch diệt cũng có nghĩa là chấm dứt. Khi chấm dứt được những cái như là sân giận, ganh tị, tranh đua, chán nản, thì mình Ly kết. Ly tức là xa lìa, kết là nội kết (Sam-yojana) tức là những nổi khổ, niềm đau đã đóng thành từng khối trong lòng. Không bị thu hút, không chạy theo, không có những mối ràng buộc ở trong lòng thì gọi là ly kết. Mắt thấy
hình sắc là tâm có nội kết. Hình sắc ghê rợn cũng có nội kết, hình sắc êm đềm cũng có nội kết. Sở dĩ anh chàng kia cứ đi quanh quanh ngôi nhà đó nhiều lần mà không có ích lợi gì hết là vì trong lòng anh ta có một nội kết, một hình ảnh tuyệt đẹp về người yêu. Đi cho tới ngày thấy xác pháo đầy hết ở trước sân thì mới không đi nữa. Cái sức mạnh đẩy anh chàng đó đi vòng vòng mỗi ngày là do nội kết tạo nên.
Tuyệt hy vọng, tuyệt cũng có nghĩa là chấm dứt, hy vọng là sự chạy theo, sự tìm cầu, tiếng Anh là teaching of no hope, no expectation, no longing. Ta nên biết rằng đây là văn xưa, ngày nay ta dịch là nguyện. Vô nguyện là một trong ba giải thoát môn. Vô nguyện hay vô tác. Hai giải thoát môn kia là Không và Vô tướng. Vô nguyện tức là không đặt mình trước một đối tượng của sự tìm bắt, dầu đối tượng đó là bằng cấp, là mỹ nhân hay là danh hoặc lợi. Không chạy theo tiếng Phạn là Apranihita, nghĩa là không đặt mình trước một đối tượng để chạy theo. Chừng nào mình không chạy theo một điều gì nữa hết, thì chừng đó mình mới thực sự có hạnh phúc. Chừng nào mình còn chạy theo một cái gì thì chừng đó mình còn nói rằng ta chưa có hạnh phúc, những điều kiện có trong hiện tại không đủ để ta có hạnh phúc nên ta phải đi tìm. Hạnh phúc đích thực là khi ta không còn chạy tìm nữa. Tôi không cần thêm một điều kiện nào nữa. Tôi không cần thêm một điều kiện nào nữa, tất cả những điều kiện sẵn có của hạnh phúc tôi đã có ở đây và bây giờ. Chỉ khi nào đạt tới cái nhận thức như vậy thì mới có hạnh phúc thật sự.
Trong đạo Cơ Đốc, giáo lý về hy vọng đóng một địa vị rất quan trọng. Hy vọng một niềm hạnh phúc trong tương lai, cho nên người ta có nghị lực để chịu đựng cái đau khổ trong hiện tại. Ráng lên, ráng lên! Ngày mai, ngày mốt mình sẽ hết khổ mình sẽ về Nước Chúa! Như vậy điều căn bản của giáo lý đó là công nhận hiện tại chỉ là khổ đau, cho nên đi ngược lại với giáo lý của đạo Bụt: Hạnh phúc có thể tìm được trong hiện tại. Vì vậy cho nên phải tuyệt hy vọng, phải “ending all hopes, ending all longing”. Đây là một điều rất đặc thù của đạo Bụt. Các tôn giáo khác thường treo cái hy vọng “được cứu chuộc trong tương lai", trong khi đó Bụt dạy ta phải chấm dứt cái đó, phải trở về khai thác mảnh đất hiện tại cho thật sâu sắc. Ly kết tuyệt hy vọng! Danh từ rất mạnh, lối dùng chữ rất là hùng vĩ!
Làm được những điều đó thì Bất kiến ư nhân thiên, không thấy mình trôi nổi, vào ra, bập bềnh trong cõi nhân và cõi thiên. Thử thế cập tha thế, đời này và cả trong tương lai mình không còn là con người đi lang thang, luân hồi nữa.
Không phải trong cõi người ta mới bị hệ lụy, mà trong cõi trời ta cũng bị hệ lụy luôn. Hệ lụy là vì sao? Vì sự chạy tìm của ta, vì những phiền não như sân hận, ganh tị, thèm khát, giận hờn trong con người của ta. Những cái đó được chuyển hóa là nhờ ở sự thực tập diệt trừ những ý niệm, vọng tưởng sai lầm về
hạnh phúc, về thực tại, trong đó có danh và sắc. Vượt được những ý niệm sai lầm về thực tại, vượt được những ý niệm về ngã, giải thoát khỏi những sợi dây ràng buộc thì tự nhiên ta đạt tới giải thoát và không còn thấy mình quanh quẩn, luân hồi, khổ đau trong cõi Người và cõi Trời nữa.
Bước sang bài kệ trong Biệt Dịch tạp A Hàm, Đoạn ái cập danh sắc, diệt trừ tam chủng mạnnghĩa là đoạn trừ ý niệm về ái và về danh sắc, diệt trừ ba loại ngã mạn. Bất xúc ư chư dục là không tìm tới những đối tượng mà ta gọi lầm là hạnh phúc. Diệt trừ những tâm niệm phiền não trong lòng như sân nhuế. Bạt trừ chư độc căn, Bạt tức là nhổ lên, trừ diệt tận gốc. Chư độc căn là những cái gốc làm độc ở trong con người của ta. Những độc căn đó là tham (thèm khát), sân (giận hờn), si (u mê), ganh tị, tranh đua. Bạt trừ chư độc căn, tức là nhổ trừ cho sạch những gốc rễ của các chất độc ở trong con người của ta. Chư tưởng nguyện dục tận là những cái vọng tưởng, những cái hy cầu, những cái tham dục đã chấm dứt rồi. Nhược năng như thị giả, nếu có thể làm được như vậy (năng là có thể), thì Đắc độ sinh tử hải. Nghĩa là có thể vượt qua được biển sinh tử. “Đắc độ sinh tử hải” nó hay hơn “Bất kiến ư nhân thiên, thử thế cập tha thế”. Bất kiến ư nhân thiên, thử thế cập tha thế là một hình tượng được lập đi lập lại nhiều lần trong nhiều kinh khác. Vượt thoát biển sanh tử thì ta có mặt trong cõi nhân và cõi thiên cũng không sao, chứ không phải ra khỏi cõi nhân cõi thiên mới là vượt thoát sinh tử. Bụt và các vị Bồ Tát cũng đã và đang có mặt trong cõi Nhân và cõi Thiên. Như vậy bài kệ này có mục đích khai triển những điều Bụt đã nói trong hai bài kệ trước. Không có gì mới, nhờ vậy mà lần này vị thiên giả hiểu được. Nghe Pháp thoại cũng cậy, đề tài nghe rồi nhưng nghe nữa, rồi nghe nữa, thì có lúc sẽ thấm.
Đến đây vị thiên giả mới bạch: “Con đã hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con đã hiểu, bạch Đức Thiện Thệ”. Nghe Bụt nói kinh này xong, vị thiên giả vui mừng vâng theo, biến đi không còn trông thấy tăm dạng đâu nữa.
Kinh này ta có thể đưa vào trong Nghi Thức Tụng Niệm năm 2000. Kinh tuy ngắn, nhưng chứa đựng rất nhiều giáo nghĩa của Bụt. Ta cũng cần in một cuốn sách mỏng để có thể chú giải được những bài kệ ở trong Kinh này, tại vì chủ lực của Kinh này là lời giải thích của thầy Samiddhi về hiện pháp lạc trú (thời và phi thời), và ba bài kệ của Đức Thế Tôn dạy2.
---o0o---