BA LOẠI NĂNG LƯỢNG CỦA CHÁNH NIỆM

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 95 - 97)

Trưóc hết, năng lượng của chánh niệm giúp cho ta có mặt đích thực bây giờ và ở đây, nhờ vậy mà ta có thể trở về với quê hương của mình được. Chánh niệm tức là phương tiện chuyên chở, giúp ta trở về quê hương của mình. Đã về, đã tới, và về được tới tới được là nhờ chánh niệm.

Năng lượng thứ hai của chánh niệm là công nhận sự có mặt của đối tượng. Nếu không có mặt thì làm sao ta công nhận sự có mặt của kẻ kia được? Phải có mặt trước thì ta mới nói được rằng tôi biết anh đang ngồi đó. Thở vào, tôi biết là tôi có mặt ở đây, thở ra tôi biết là anh đang ngồi đó, trước mặt tôi. Nội một hơi thở như vậy thôi đã có thể đem lại cái khả năng tỉnh thức, hiểu biết, thương yêu rồi. Mà thương yêu là gì? Thương yêu là công nhận sự có mặt của con sâu, tờ lá, mặt trăng, cây khế, hay của bà mẹ, người anh, người chị.

Nếu không có mặt thì làm sao ta bước được bước thứ hai là công nhận sự có mặt của kẻ kia? Cho nên khi nhìn lên mặt trăng rằm mà nhìn bằng con mắt có năng lượng của chánh niệm thì mình thấy được mặt trăng tròn, sáng và mát. Mà sở dĩ mặt trăng có mặt một cách hiện thực, rõ ràng, tươi mát, là tại vì ta có mặt. Ngược lại nếu ta đánh mất ta trong sự lo nghĩ, giận hờn thì làm sao mặt trăng đó tươi mát được? Có mặt đích thực mới thấy được ngôi sao mai, và mới nói được với thị giả: “Này con, con có thấy ngôi sao mai không?” Người học trò của mình có mặt, và ngôi sao trên trời cũng có mặt, là nhờ mình có mặt. Cho nên khi ta vun bón hạt giống chánh niệm, thì hạt giống chánh nhiệm tạo ra một nguồn năng lượng để giúp ta có mặt đích thực.

Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã đốt lên lên ngọn lửa chánh niệm cho toàn thế giới, để cho mọi người thấy rằng đau thương của Việt Nam đang có mặt! Nếu không nhờ ngọn lửa chánh niệm, có mấy ai nhận diện được cái đau thương bốc cháy của chiến tranh Việt Nam? Chúng ta cũng vậy, nếu cái mặt trăng tròn kia, nếu cây khế kia không có mặt là tại vì chúng ta không đốt đuốc chánh niệm có mặt trong ta. Chúng ta chỉ cần thở vào, thở ra, là làm cho chúng ta đích thực có mặt, thì tự nhiên cây khế, cây chanh đó, người Sư anh, Sư chị đó, mặt trăng ngôi sao mai đó sẽ hiện ra. Bụt dạy cái này có là vì cái kia có, nếu ta không có mặt thì không có gì hết. Khi chúng ta thương yêu, khi chúng ta biết trân quí sự sống, trân quí những cái mầu nhiệm của sự sống, là chúng ta đã có năng lượng của chánh niệm. Khi người ta thương đang khổ đau, ta ngồi đó với

tất cả sự mặt của ta và nói rằng: “Tôi biết anh đau khổ, vì vậy cho nên tôi đang ngồi bên anh”. Như vậy, dù mình chưa làm gì hết, mình chỉ cần có mặt thôi, thì cái đau khổ của người kia đã vơi bớt đi rồi. Chỉ có chánh niệm trong một sát na thì hai cái phép là này (mình có mặt đích thực thì cái kia có mặt đích thực) hiển bày ra liền. “Cái kia” có thể là hạnh phúc mà cũng có thể là khổ đau, cả hai trường hợp đều cần sự có mặt đích thực của ta. Nếu có mặt trước một sự mầu nhiệm thì ta làm cho sự mầu nhiệm đó hiện rõ ra, tỏa chiếu, và mầu nhiệm hơn lên. Như mặt trăng, như hoa anh đào, như người mình thương. Ngược lại nếu ta không có mặt thì cái đó, người đó cũng không có mặt, hoặc có cũng như không. Truyện Kiều có hai câu do chính Kiều nói:

Bây giờ rõ mặt đôi ta,

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?

Đôi ta là ai? là mình và mặt trăng. Khi nhìn mặt trăng tròn mầu nhiệm đang đi trên thái không mà mình thấy được sự mầu nhiệm đó là nhờ mình có năng lượng của chánh niệm, mình có mặt đích thực. Có những người sống 70 năm nhưng chưa bao giờ nhìn mặt trăng với chánh niệm cả. Cái mặt trăng của họ luôn luôn lu mờ là vì chính họ cũng lu mờ! Cho nên chỉ một giây phút có mặt cho đích thực và sâu sắc, là cả vũ trụ của sự sống có mặt đích thực và sâu sắc. Thành ra nhìn mặt trăng mà mỉm cười: “Bây giờ rõ mặt đôi ta” là mình biết rằng trong tương lai mình sẽ không hối hận vì mình đã thấy mặt trăng rồi, mình đã từng có mặt và đã từng thấy mặt trăng trong cái chiều sâu thẳm của thực tại rồi.

Bây giờ trời đang mưa. Trời mưa cũng là một thực thể rất mầu nhiệm, không kém gì trời nắng hay mặt trăng tròn. Trời mưa là một phần không thể thiếu trong quê hương ta. Nếu ta có mặt thì trời mưa sẽ có mặt, và ta sẽ tiếp xúc được với trời mưa một cách rất sâu sắc. Nếu ta không có mặt, thì trời mưa cũng như không mưa!

Ngày xưa có một Thiền sư chỉ vì ngắm hoa đào, thấy được hoa đào mà chứng ngộ. Một hôm tôi tình cờ đi xuống vườn Mai ở Xóm Hạ trong mùa hoa mai nở (nếu quí vị ở lại được tới đầu tháng tư thì sẽ thấy những đồi mai đầy hoa trắng rất đẹp). Khi đi giữa những hàng mai một mình, nhìn những bông hoa trắng nõn nà, tôi chợt hiểu tại sao vị Thiền sư đó chỉ cần nhìn hoa đào mà chứng ngộ. Là vì khi cái tinh lực của chánh niệm tràn đầy, hùng hậu, thì một bông mai có thể làm hiển lộ được cả cái Pháp thân mầu nhiệm, cũng như một cách hoa hồng, một mặt trăng tròn, và quê hương đích thực, niết bàn của hiện tại có đó, nhưng vì ta chỉ biết chạy, chỉ biết đi tìm cái ảo tưởng, cho nên ta không tiếp xúc được.

Chánh niệm là cái năng lượng giúp chúng ta ngồi xuống an ổn để có thể tiếp xúc được với cái thực tại mầu nhiệm kia. Ngồi thiền là để làm chuyện đó, đi thiền hành là để làm chuyện đó, và ngồi uống trà cũng là để làm chuyện đó mà thôi. Nếu không có vốn liếng của chánh niệm thì những điều mà ta làm trong đời sống hàng ngày và gọi là tu tập, chỉ là hình thức cạn cợt, chỉ là những công tác lao động mệt nhọc mà thôi.

Khi cái đối tượng trở nên mầu nhiệm, nó sẽ có tính cách nuôi dưỡng, có tính cách trị liệu. Tiếp xúc được với chúng rồi, thì đương nhiên ta sẽ được nuôi dưỡng, được trị liệu. Đi thiền hành, nhìn cây, nhìn trời, thở khí trời, an trú trong hiện tại, tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống là một phương pháp trị liệu thân tâm rất là mầu nhiệm. Trị liệu cho ta và cho người quanh ta. Do đó khi cái đối tượng mà ta tiếp xúc bằng chánh niệm là khổ đau, thì những khổ đau đó sẽ vơi đi, vì chánh niệm là một nguồn năng lượng có thể làm êm dịu những khổ đau. Có mặt mà có mặt với chánh niệm là đã thương yêu, đã làm vơi bớt niềm đau. Thương yêu ở đây có nghĩa là làm vơi bớt niềm đau và dâng hiến hạnh phúc, tức là từ và bi. Từ là dâng hiến hạnh phúc bằng cách giúp cho người kia tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Bi là làm vơi bớt niềm đau bằng cách đem cái năng lượng hiểu biết để xoa dịu vàchuyển hóa nỗi khổ đau của người kia.

Năng lượng thứ ba của chánh niệm là nhìn sâu. Nhìn sâu vào trong lòng thực tại để làm cho cái tưởng, cái tri giác của ta từ từ mất đi tính sai lầm của nó. Mỗi tri giác của ta đều có chứa yếu tố sai lầm, càng thực tập nhìn sâu thì những yếu tố sai lầm đó càng được chuyển hóa. Đó gọi là nhìn kỹ hay quán chiếu, tiếng Anh là “deep looking”, tiếng Pháp là “le regard profond”. Hồi mới viết đoản văn cho ngày Vu Lan, tôi đặt tên là “Bông Hồng Cài Áo” và gởi về cho một nhóm sinh viên ở Đại học Saigon. Nhưng khi in họ đổi tên lại là “Nhìn kỹ mẹ”. Ý này cũng đúng, tại vì có một bà mẹ nhưng có thể chưa bao giờ ta nhìn kỹ mẹ cả. Bởi vậy cho nên ta không khám phá ra cái kho tàng mầu nhiệm, ngọt ngào của bà.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 95 - 97)