TUỆ GIÁC GIÚP CHÚNG TA GIẢI THOÁT KIẾN THỨC LÀM TA TỰ HÀO

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 114 - 117)

TỰ HÀO

Trong Kinh Samiddhi, thầy Samiddhi nói: Tôi biết những ý niệm về hạnh phúc, về ngũ dục là những cái bẫy sập vì vậy cho nên tôi không phí tuổi trẻ của tôi để sa vào những cái bẫy sập đó. Tôi đi tìm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại là vì pháp của Đức Thế Tôn là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, nó

vượt tính cách thời gian, bó bảo đảm sự tự do cho mình, nó cho mình sự vững chãi.

Kinh Samiddhi cũng có đề cập tới nơi nương tựa, tức là gốc rễ của mình. Nơi nương tựa này là con đường tu học mà Đức Thế Tôn đã trình bày ra, tức là Pháp. Thầy Samiddhi đã nói tới nguyên tắc hiện pháp lạc trú: Tôi đi tìm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, tôi không bị sập vào bẫy của những ý niệm hạnh phúc, tôi đi tìm hạnh phúc chân thật trong sự sống, trở về với hiện tại và Pháp của Bụt là ngọn đèn soi sáng cho tôi, giúp tôi tiếp xúc với thực tại mà không làm cho tôi bị rơi vào những bẫy sập của ý niệm. Thành ra khi có chỗ nương tựa tức là ta đã có một niềm tin, và có một niềm tin thì ta có hạnh phúc chân thật. Niềm tin ở đây không phải là tin vào một chủ thuyết về hạnh phúc, một ý niệm về hạnh phúc. Niềm tin ở đây là một cái gì mình có thể có kinh nghiệm trực tiếp. Những người có một ý niệm về hạnh phúc ví dụ như Thượng đế và họ tin vào ý niệm đó, tin vào một thiên đường tương lai, thì tuy đó cũng là những niềm tin nhưng không phải được đặt trên căn bản thực chứng trong hiện tại.

Đạo Bụt nói tới niềm tin như là một năng lượng tạo ra hạnh phúc, nhưng niềm tin ở trong đạo Bụt khác với niềm tin ở ngoài đời. Vì vậy ở đây ta cần nhắc lại giáo lý về ngũ lực. Ngũ lực là năm loại năng lượng làm cho ta trở nên một người sống động, có sức sống với hai con mắt sáng, với những bước chân vững chãi. Năng lượng đầu là Niềm tin. Người không có niềm tin là người không có năng lượng, đó là một người đã chết. Tin ở một cái gì thật, một cái gì lành, tin vào một cái gì đẹp, và những cái đó không thể là những ý niệm. Những điều ta tin phải do kinh nghiệm trực tiếp của ta. Thí dụ tin vào chánh niệm vì ta vừa nghe một bài giảng rất hay về chánh niệm, thì đó chưa phải là chánh tín. Được nghe giảng về chánh niệm, ta thực tập về chánh niệm và ta thấy chánh niệm, ta thực tập về chánh niệm và ta thấy chánh niệm là nguồn năng lượng mà ta có thể tạo ra được, ta có kinh nghiệm được, có thể soi sáng cho ta được thì đó mới là chánh tín. Điều này rất là quan trọng, hành giả phải ghi nhớ trong lúc thực tập chánh niệm.

Nguồn năng lượng thứ hai là Tấn (diligent), có nghĩa là sự siêng năng. Nguồn năng lượng thứ ba là Niệm, nghĩa là chánh niệm. Chánh niệm là trái tim của sự thực tập ở trong đạo Bụt. Chánh niệm là năng lượng mà mình có thể chế tác ra, giống như điện năng do một nhà máy điện chế biến ra. Con người của ta cũng là một nhà máy, cũng là một trung tâm biến chế năng lượng. Năng lượng Niệm là năng lượng ánh sáng, ánh sáng soi đường cho ta. Năng lượng niệm làm cho êm dịu, trị liệu những nỗi khổ niềm đau của ta, giúp ta nhìn sâu và thấy được sự thật của đối tượng quán chiếu. Có năng lượng của chánh niệm thì ta có thể chuyển đổi được các tình trạng. Có chánh niệm thì ta sống rất có ý thức, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, làm việc, hoặc đối xử với anh chị em của ta một cách

rất có ý thức. Khi có năng lượng của niệm thì ta có năng lượng của Định, nguồn năng lượng thứ tư của người tu. Nhờ định tâm, nhờ sự chăm chú cho nên ta mới thấy được cái bản chất, cái tự tánh của sự sống. Nhờ niệm, nhờ định mà ta thấy được tự tánh của đám mây, của bông hoa, của thức ăn, của niềm vui, của Sư em, Sư chị, Sư anh, và thấy được một cách rất rõ ràng. Cái đó gọi là Tuệ, nguồn năng lượng thứ năm. Tuệ tức là cái thấy rất sâu và rõ, tiếng Anh là “understanding" hay là “wisdom”.

Như vậy Niệm là cái năng lượng để soi chiếu. Khi có soi chiếu thì có sự tập trung và khi tập trung thì ta thấy được cái bản chất, cái tự tánh của đối tượng. Chính cái thấy đó là cái thấy trực tiếp, cái thấy do kinh nghiệm bản thân, nên mới gọi là Tuệ. Ngược lại, thấy bằng những ý niệm, những lý thuyết chồng chất thì được gọi là kiến hay kiến thức. Học Phật Pháp ta có thể chất chứa rất nhiều kiến thức về Phật Pháp, nhưng những kiến thức đó không phải là tuệ, đôi khi nó còn có hại. Rất nhiều người học Phật trên mười năm nhưng đời sống của họ không có chút nào thay đổi cả. Tại vì họ chỉ có kiến thức mà không có cái thấy trực tiếp của tuệ giác.

Trong phương pháp Tứ Y do chư Tổ đặt ra, điều thứ tư là Y trí bất y thức. “Y trí” là nương vào tuệ, “bất y thức” là đừng nương vào kiến thức. Tuệ tức là cái biết trực tiếp bằng kinh nghiệm. Còn kiến là cái biết nhận từ những ý niệm do người khác trao truyền lại hay là từ đọc sách. Hai cái đó rất khác nhau. Tuệ có công dụng giải phóng, trị liệu cho ta, còn kiến làm cho ta càng ngày càng tự hào và trở thành nạn nhân của những kiến thức của ta. Ví dụ khi nghe Thầy giảng về chánh niệm, Thầy tìm mọi cách để cho ta thấy rằng chánh niệm không phải là một ý niệm mà là một vùng năng lượng ở trong con người. “Tôi đang thở vào và tôi biết rằng đây là hơi thở vào, tôi đang thở và tôi biết rằng đây là hơi thở ra”. Cái năng lượng nhờ đómình nhận diện được hơi thở vào là hơi thở vào là chánh niệm. Khi uống nước mà không biết là mình uống nước thì lúc đó chánh niệm không có mặt. Thành ra chánh niệm là một cái có thật và mình có thể tiếp xúc được. Khi học về Niệm như vậy rồi thì mình đâu bị kẹt vào ý niệm về Niệm, tại vì mình đã có kinh nghiệm trực tiếp về loại năng lượng mà mình gọi là Niệm, và Niệm đó là do Tuệ đưa tới.

Khi thấy ta đã có khả năng chế biến ra năng lượng niệm, và năng lượng niệm giúp ta tập trung được, hiểu biết được, thì ta có đức tin về niệm, và đức tin này hoàn toàn làm bằng kinh nghiệm, không phải làm bằng ý niệm, cho nên nó là Chánh Tín. Dù cho một số rất đông người tin vào một điều gì, dù cho cả một nước tin vào một chủ nghĩa, thì niềm tin đó chỉ mới là niềm tin trên một ý niệm mà thôi. Ví dụ nước Nga tin vào chủ nghĩa Mác Xít trong 73 năm, nước Việt cũng tin vào chủ thuyết Cộng sản trên 45 năm, cả hai dân tộc đã chịu không biết bao nhiêu đau khổ vì ý niệm, vì niềm tin không được soi sáng và thực chứng đó. Trong Kinh Kalama Bụt đã dạy rất rõ “Đừng vội tin vào điều gì, dầu điều đó là

điều đa số đang nói tới như một sự thật; đừng vội tin điều gì dầu điều đó đã được biên chép trong kinh điển; đừng vội tin vào điều gì dù điều đó đã được một vị đạo sư nổi tiếng nói ra”. Những câu đó là những câu do chính Bụt đã nói, ta phải đem ra thí nghiệm. Nếu thực tập và thấy những điều có thể diệt trừ được khổ đau, xây dựng được sự giải thoát, sự an lạc, thì lúc đó ta mới tin. Niềm tin đó mới là chánh tín.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 114 - 117)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w