KHI NĂM UẨN KHÔNG HÒA HỢP TA SẼ KHAI CHIẾN VỚI BÊN NGOÀ

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 120 - 123)

NGOÀI

Khi một người có “chiến tranh” với cha mẹ, anh em, vợ con trong gia đình hay với bạn bè ngoài xã hội, thì chính người đó đang có sự rối loạn bất ổn trong nội thân. Những lúc đó tâm họ không an lạc, nói một cách khác, năm uẩn của người đó không có sự phối hợp điều hòa, chúng đang chống đối nhau.

Thường thường khi có “chiến tranh” ở bên trong là chúng ta hay “khai chiến “ với bên ngoài. Thành ra những người hay “khai chiến” với bên ngoài là chắc chắn họ đang có nội chiến trong thân tâm của họ. Những lúc như vậy, nếu biết nắm lấy hơi thở và thở theo chánh pháp, tức là ta biết dùng chánh niệm để soi chiếu nội tâm, thì tự nhiên năm uẩn sẽ trở lại hòa điệu với nhau, và nhờ vậy mà ta có được an lạc, ta thôi gây chiến. Trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Bụt dạy “Tôi đang thở vào và làm cho thân thể tôi trở nên an tịnh”, tức là ta có thể dùng hơi thở có chánh niệm để tạo ảnh hưởng tốt trên sắc và thọ của mình. Trong khi thực tập nắm lấy hơi thở ta điều hợp năm uẩn để cho chúng êm dịu lại và tự nhiên sự an lạc sẽ tới và nhờ vậy mà mình không còn khai chiến với người khác nữa. Năm uẩn ở đây không có nghĩa là cái thế giới bên trong. Khi nói năm uẩn là năm uẩn của anh là không đúng, tại vì đứng về phương diện thân tức là sắc, cũng như đứng về phương diện thọ, tưởng, hành và thức thì thân thể của tôi được làm bằng những chất liệu không phải là tôi. Thức ăn tôi ăn, không khí tôi

thở, nước tôi uống, tất cả những cái đó là từ anh, từ chị, từ những người khác, từ những hiện tượng khác trong vũ trụ. Cho nên khi ta nói cái sắc này là của tôi là không đúng. Thọ cũng vậy, thọ tức là cảm giác, mà cảm giác luôn luôn là cảm giác giác về cái gì, cảm giác về những cái ở trong thân và cảm giác về những cái ngoài thân. Còn tưởng tức là tri giác, cũng vậy. Tri giác là tri giác về cái gì. Ví dụ tôi có tri giác về anh thì chủ thể của tri giác với đối tượng của tri giác là một. Anh là đối tượng của tri giác của tôi, thành ra nói anh ở ngoài tôi là không đúng. Những tâm hành khác như giận cũng vậy. Giận thì giận ai, hay thương là thương ai. Thành ra đối tượng của những tâm hành này là tất cả những cái ở bên ngoài. Vì vậy nên nói năm uẩn là những cái ở bên trong tôi là không đúng. Khi chưa tu học thì ta tưởng như vậy, nhưng nhờ quán chiếu, nhờ nhìn kỹ ta thấy năm uẩn thật ra không phải là của ta. Chúng nó dính chùm, liên kết với nhau. Năm uẩn của anh và năm uẩn của tôi nó dính líu tới cái mức mà ta không thể nào tách rời ra được.

Khi một tăng thân không có sự hòa hợp thì mọi người không có hạnh phúc. Khi năm uẩn của ta không có hòa hợp thì chúng có chiến tranh, và ta không có hạnh phúc. Hơi thở chánh niệm làm lắng dịu, và đem lại sự hòa điệu bên trong, vì vậy cho nên hơi thở chánh niệm là sự thực tập rất quan trọng. Sơ khởi, chánh niệm làm dịu tâm tư ta lại, gọi là an tịnh tâm hành. Tâm hành an tịnh rồi, nếu tiếp tục thì chánh niệm càng soi sáng, ta thấy cái này sai cái kia không đúng. Điều chỉnh lại một lúc tự nhiên có sự hòa điệu ở trong năm uẩn của ta. Cũng như trong căn phòng ta ở, nếu không có thì giờ để sắp xếp, đồ đạc lung tung, thì khi bước vào ta thấy cấn cái, khó chịu. Nhưng nếu có thì giờ, nhìn cho kỹ, ta thấy cái này phải xoay lại một chút, cái kia xếp lại một chút, sắp đặt một hồi tự nhiên căn phòng có không gian, và ta sống được thoải mái. Năm uẩn cũng vậy nếu không có chánh niệm thì ta để sắc, thọ, tưởng, của ta bất an, xáo trộn, và vì vậy mà ta khó chịu, bức rức ở bên trong. Mà khó chịu ở bên trong thì ta khai chiến với bên ngoài! Cho nên thắp ngọn đèn chánh niệm lên, nhìn cho kỹ, sắp đặt lại bằng hơi thở chánh niệm là tạo ra sự an lạc và hòa điệu bên trong thì tự nhiên mình có hạnh phúc với cả bên trong lẫn bên ngoài. Vì vậy mà năm uẩn đích thực là tăng thân của ta. Khi dùng hơi thở chánh niệm và phối hợp một cách tinh cần, thì ta tạo ra sự an lạc. Từ đó những lo sợ, những giận hờn, những thất vọng của ta sẽ được chuyển hóa. Sau đó ta thực tập tiếp bài Quán niệm hơi thở:

Thở vào, thở ra, Là hoa tươi mát, Là núi vững vàng, Nước tĩnh lặng chiếu,

Không gian thênh thang.

Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra. Thở vào tôi thấy là hoa, thở ra tôi thấy tôi tươi mát, thở vào tôi thấy tôi là núi, thở ra tôi thấy tôi vững vàng, thở vào tôi thấy tôi là nước tĩnh ...

Lúc đó những cảm xúc, những giận hờn, những lo lắng của ta sẽ lắng xuống, và tâm ta an lạc như mặt nước tĩnh, và nhờ vậy nó mới phản chiếu được sự thật. Nước tĩnh lặng chiếu là vậy. Nếu tâm mình còn ghét, còn giận thì cái hình ảnh về người anh, người em hay người chị của mình nó méo mó một cách rất là buồn cười. Khi tâm tĩnh lặng thì tri giác ta sẽ đúng lại từ từ, nếu không thì chỉ là vọng tưởng và là tri giác sai lầm mà thôi. Tri giác sai lầm sẽ làm cho mình khổ và làm cho người khác khổ theo.

Câu cuối của bài thực tập, Không gian thênh thang nghĩa là lúc đó ở trong tâm ta có không gian, và ta thấy khỏe, không còn chật chội nữa! Lúc có những tri giác sai lầm, có những giận hờn buồn phiền thì trái tim ta co lại nhỏ xíu, không có chỗ để cho người sư anh, sư em ngồi trong đó. Khi tâm tĩnh xuống thì ta bắt đầu thấy được rõ hơn, tim ta mở rộng hơn ra, vì vậy mà có không gian bên trong và chấp nhận được người kia.

Hai bài thực tập này rất hay, chúng được đúc kết từ những tinh túy của lời Bụt dạy. Cùng với những bài khác, hai bài này với lời chú giải, đã được in trong cuốn Sen Búp từng Cánh Hé, Hai bài này cũng đã được dịch ra tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Ý.

Những lúc mà ta do dự, sợ hãi, không được vững chải, là những lúc ta cần tới những bài thực tập này hơn lúc nào hết. Những lúc không do dự, không sợ hãi, không lung lay mà thực tập bài này thì nó hạnh phúc nhiều hơn lên. Đừng đợi tới khi có do dự, sợ hãi, lung lay rồi mới thực tập. Chúng ta hãy thực tập hàng ngày cho thuần thục, để lúc sắp có chiến tranh ta chỉ cần vài hơi thở là có thể tạo được hòa bình.

Hạnh phúc là có sự mát mẻ và thanh lương. Trái với hạnh phúc là cơn sốt. Khi rơi vào ngũ dục ta sẽ lên cơn sốt ngũ dục. Đầu đó là danh, là lợi, là tiền tài, là sắc dục, hay là sự ăn ngon. Trong khi hưởng thụ những dục lạc đó, người nào cũng có những cơn sốt. Ta chỉ cần quán chiếu là thấy cơn sốt có mặt trong lúc hưởng thụ và cơn sốt sẽ trầm trọng hơn sau lúc hưởng thụ.

Khi sốt tức là bị ngọn lửa đốt cháy. Thơ của Vũ Hoàng Chương nói về Kiều Thu có câu:

Ta đang lửa đốt tơi bời mái tây.

Đó là cơn sốt mà trong năm bẫy dục lạc, cái nào cũng có. Ví dụ một món rất ngon, Khi sắp ăn ta đã bắt đầu sốt, trong khi ăn ta lại có sốt, và khi ăn xong thì cơn sốt càng trầm trọng hơn. Sau khi ăn xong , ta thường tự hỏi tại sao ta đã ăn và tại sao ta ăn nhiều vậy? Tại sao đã quyết định không nên ăn những thứ này mà ta vẫn ăn! Lúc đó ta thắc mắc, ân hận, lo âu, oán trách ... Đó là những cơn sốt, những ngọn lửa đốt cháy tâm can.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 120 - 123)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w