CÓ THỂ CÓ HẠNH PHÚC NGOÀI NĂM THỨ DỤC LẠC KHÔNG?

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 57 - 61)

Hạnh phúc là gì? Quan niệm của người đời về hạnh phúc là gì? Trong thiền quán, khi chiếu ánh sáng vào, ta nhìn cho rõ ràng bản thân của ái dục, để thấy rằng những hình ảnh mà Bụt đưa ra là những hình ảnh rất tuyệt diệu. Hình ảnh của một khúc xương trần, một miếng thịt sống, một bó đuốc rơm cầm ngược gió, một hố than hồng, một con rắn độc v.v... rất là dễ sợ. Nhìn chung quanh, ta thấy biết bao người đã bị rắn độc cắn, biết bao người đã rơi vào hố than hồng, đang lăn theo đối tượng của dục vọng để gặm, để nhấm, để ham muốn, để hi cầu. Những người ấy không bao giờ thỏa mãn cả. Không cần phải nhìn xa, chỉ nhìn chung quanh là ta thấy được những điều Bụt dạy. Đó gọi là quán chiếu. Trong khi đó, người có tự do là người không ôm ấp một ý niệm về hạnh phúc, không ôm ấp dục tưởng, những người ấy có vô số cơ hội để có hạnh phúc ngay trong hiện tại. Trời mưa cũng có thể hạnh phúc, mà trời nắng cũng có thể hạnh phúc.

Ta học được gì từ bài kệ này của Bụt? Điều quan trọng nhất là muốn có hạnh phúc chân thật, ta phải đặt vấn đề nghi ngờ cái ý niệm của mình về hạnh phúc, tại vì mỗi chúng ta đều có ý niệm rằng nếu được như thế này, được như

thế kia thì ta sẽ có hạnh phúc. Có thể ví cái ý niệm đó mà trong quá khứ mình đã đau khổ vô cùng. Gạt bỏ được ý niệm về hạnh phúc, mình sẽ bắt đầu có cơ hội hạnh phúc. Trước khi gạt bỏ được ý niệm đó, ta vẫn chưa có hạnh phúc. Tại sao?

Khi có một ý niệm về hạnh phúc rồi thì ta không thể an trú trong hiện tại được, vì ta cứ nghĩ rằng chừng tôi đạt được cái đó, chừng nào tôi thành tựu được cái kia, thì tôi mới có hạnh phúc. Khi có một dục niệm như vậy làm sao mà có hạnh phúc ngay trong hiện tại được? Cho nên điều kiện tiên quyết để có hạnh phúc là phải rời bỏ cái ý niệm về hạnh phúc đi để có thể an trú trong hiện tại. Bụt dạy rằng chúng ta có thể tiếp xúc với hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, hiện tại lạc trú là có nghĩa như vậy.

Trước đây tôi đã nói về sự thầm mong trở về quê hương của chúng ta. Hôm nay tôi nói thêm về quê hương đích thực.

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương.

Quê hương này là quê hương đích thực. Quê hương này không phải là quê hương Pháp, quê hương Mỹ, quê hương Hòa Lan, quê hương Úc, hay quê hương Việt Nam, mà là cái quê hương tâm linh của chúng ta, nơi ta cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta đều có cơ hội trong bụng mẹ hơn chín tháng. Thời gian đó ta không lo lắng về quá khứ hoặc tương lai, còn hiện tại thì đã có mẹ lo hết. Ta có cảm tưởng rất an lành dầu ta còn rất bé. Khi ra đời rồi, cảm giác đó dần dần bị đánh mất, vì vậy trong ta có khuynh hướng muốn trở vế cái cung điện của đứa con, muốn trở về nằm trong bụng mẹ! Dầu ta có mỉm cười biết rằng trở về nằm trong bụng mẹ để có sự an toan là chuyện không thể làm được, nhưng trong tàng thức, cái ước muốn thâm trầm đó vẫn còn. Tại sao? Tại vì sự khác nhau về cách vận hành giữa ý thức và tàng thức. Ý thức biết rằng không làm thế nào để trở về trạng thái bào thai để có sự an toàn, đó là một chuyện không tưởng! Ý thức biết rất rõ như vậy, nhưng A Lại Gia Thức vẫn còn mang cái ước muốn đó. Quán chiếu xa thêm chút nữa, ta thấy rằng sự an toàn đó chỉ là một ý niệm an toàn mà thôi. Thực tế thì nơi êm ấm an toàn mà ta đã nằm là một phần thân thể của mẹ. Vì vậy sự an toàn hay bất ổn của ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào những ái, ố, hỷ, nộ của mẹ, tùy thuộc vào những chất dinh dưỡng hay độc tố mẹ dùng. Nếu một thi sĩ có cảm tưởng mình đã đánh mất thiên đường, mình đang đi lang thang, đang bị đày đọa, thì cái ý niệm về thiên đường đó cũng đã tạo được tạo ra từ cảm giác an toàn mà ta đã có trong thời gian còn trong bụng mẹ. Ra khỏi bụng mẹ tức là ra khỏi thiên đường.

Xét cho kỹ, ta vẫn còn thiên đường tới một mức độ nào đó. Nằm trong nôi, vẫn còn là nằm trong loại thiên đường. Ta nhớ rằng hồi còn bốn, năm tuổi, khi

cha mẹ ta bận với công này việc nọ, ta thường đi thơ thẩn một mình ra vườn. Ta chơi với con ốc, con bướm, con sâu. Ta thơ thẩn một mình, làm quen với những gì chung quanh ta. Có khi ta sang hàng xóm chơi với bạn. Đến khi rảnh tay hay đi chợ về, mẹ gọi ta, cho một cái bánh in, một khúc mía thì ta có hạnh phúc rất nhiều. Tất cả những cái đó đều là những yếu tố của một thiên đường mà hiện giờ ta đã mất. Thiên đường ở đây có thể gọi là quê hương. Quê hương đầu tiên là bụng mẹ. Quê hương thứ hai là thời thơ ấu, là cây khế ngọt v.v...

Ngày xưa ta không cần phải có những điêu kiện lớn lao mới có hạnh phúc, chỉ cần một cây khế để leo lên hái ăn là đã có đủ hạnh phúc rồi. Cây khế đó bây giờ có còn hay không? Trong thiên đường của ta chắc chắn lúc nào cũng có một cây khế. Ngày xưa tôi có nói với thầy bổn sư “Nếu cõi tịnh độ mà không có cây khế thì con không chịu về tịnh độ đâu!”. Nói thế tại vì cây khế là một yếu tố rất cần thiết trong thiên đường của tôi. Cách đây hai hôm, lúc ở Sơn Cốc, tôi ngồi dưới một cây táo loại Golden Apple, trái bắt đầu chín và ăn một trái táo vừa mới hái trên cành, ăn rất thảnh thơi, ăn với tất cả sự có mặt của mình. Hồi còn nhỏ, tôi được ăn chuối, ăn cam, ăn xoài, ăn đủ thứ trái cây ngon, nhưng trái táo thì rất hiếm. Tôi thường nghĩ rằng sau này có cơ hội đi sang các nước tây phương, thế nào mình cũng tìm cách leo lên một cây táo và ăn một trái táo ngay trên cây thì mới đã! Cái ước mơ đó của tôi đã được thực hiện. Nhưng ngày hôm kia, khi ngồi dưới cây táo và ăn trái táo đó một cách rất chánh niệm, rất sâu sắc và rất hạnh phúc thì tôi biết rằng cái thiên đường kia nó nằm ở đó chứ không nằm ở đâu cả. Cây khế ngày xưa có còn hay không, đó là tùy theo nhận thức của mình. Cây khế ngày xưa còn đó, và nó có thể nằm dưới hình thức một cây táo hay cây mận. Tại sao lại phải cái thời gian đó, cái địa phương đó, cái cây tên đó thì nó mới thuộc về thiên đường của mình? Ta đã thực sự đánh mất cái thiên đường của ta hay chưa? Tại sao các Sư Chú, Sư Cô, Sư Anh, Sư Chị không phát giác ra được cái thiên đường của mình, mà cứ đi tìm hoài?

Quê hương là đường đi học, Con về đuổi bướm vàng bay

Những hình ảnh ấy đã mất hay chưa? Những con đường thiền hành ở xóm Thượng, những con đường thiền hành ở xóm Hạ, những con bướm, những hạt sỏi, những lối rẽ đi quanh có bóng mát trưa hè ... những cái ấy có hay không?

Tại sao ta phải ước mơ, phải hoài vọng về một thiên đường trong quá khứ? Tại sao chúng ta không có khả năng thấy được rằng con đường đi học vẫn còn có mặt ngay trong giờ phút hiện tại? Nếu biết an trú trong hiện tại, biết nắm lấy hơi thở, thì ta có thể trở về ngay với quê hương của ta. Tại sao trong khi thầy trò đi thiền hành với nhau ta lại không cảm thấy được cái hạnh phúc cực kỳ mà ta đã có trong khi đi học trên những con đường quê hương? Ta phải có khả năng dừng lại trong giây phút hiện tại để khám phá ra cái sự thật đơn giản là quê

hương của ta vẫn còn đó, quê hương đích thực của ta vẫn còn đó. Quê hương đích thực không phải và không thể nào chỉ nằm trong quá khứ! Quê hương đích thực cũng không thể chỉ nằm trong tương lai! Nếu đã là một quê hương đích thực thì nó phải có ngay trong hiện tại, nó phải có ngay bây giờ và ở đây.

Cái gì cấm ta, không cho ta trở về quê hương, trở về với thế giới của hạnh phúc, với thiên đường của ta? Cái gì bắt chúng ta phải than phiền rằng “thiên đường của ta đã mất”? Cái gì bắt ta phải đi tìm kiếm một thiên đường khác? Cái đó là dục tưởng, là ý niệm về hạnh phúc. Quê hương đích thực đã mất đâu? Thầy Samiddhi hiên đang có mặt bên cạnh chúng ta. Con sông mà thầy Samiddhi tắm, con đường mà thầy Samiddhi đi thiền hành cũng vẫn đang có mặt. Bụt cũng đang có mặt ở bên cạnh chúng ta. Sở dĩ ta chỉ than khóc, chỉ hoài niệm là tại ta đang kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc xa vời. Nếu có khả năng buông bỏ cái ý niệm đó về hạnh phúc thì ta có thể trở về an trú trong hiện tại, và bắt đầu khám phá ra được tất cả những yêu tố và điều kiện của hạnh phúc đang nằm ngay bây giờ và ở đây. Ngày xưa sở dĩ ta chơi được với một hòn sỏi, với một con bướm, với một giòng suối là vì ta không kẹt về tương lai, không tiếc nuối quá khứ. Sở dĩ ngày xưa ngồi trên bãi cát, ta say mê chơi với cát, tạo ra một lâu đài bằng cát, đem hết tất cả tâm tư và thân thể của mình để vui chơi, không kể đến hết tất cả tâm tư và thân thể của mình để vui chơi, không kể đến mặt trời đã lặn, không kể đến giờ cơm chiều đã qua, là tại sao? Tại vì lúc đó ta có khả năng an trú trong hiện tại và giờ đây ta đã đánh mất cái khả năng đó. Lỗi tại ai nếu không phải là lỗi của ý niệm về hạnh phúc mà ta đã đưa vào trong đầu của ta?

Vì vậy tưởng là những đối tượng quán chiếu quan trọng. Ta phải chiếu ánh sáng vào dục tưởng, phá cho nó tan tành để ta có thể thực hiện sự trở về với quê hương đích thực. Trở về được thì có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.

“Quê hương là chùm khế ngọt”, chùm khế còn đó nhưng bây giờ nó có thể gọi là chùm mận; “Quê hương là đường đi học”, đường đi học còn đó mà bây giờ nó có thể được gọi là đường thiền hành. Không phải chỉ nằm ở tỉnh đó, trong xã đó nó mới là đường đi học. Nó có thể ở xóm Thượng hay xóm Hạ. Quê hương là một cơn mưa và trong cơn mưa đó, ta xúm xít lại ăn bắp rang với nhau. Những cái đó là những cái vẫn còn cho ta tiếp xúc. Ta đã mất thiên đường hay chưa? Quê hương của ta đã mất hay chưa? Hạnh phúc của ta có thể có được hay không? Có thể có hạnh phúc ngoài năm thứ dục lạc hay không? Đó là những câu hỏi rất căn bản và cấp thiết. Và câu trả lời là câu trả lời của Bụt: Hạnh phúc ấy đang có mặt, và hạnh phúc ấy rất lớn.

Để tiếp nhận được hạnh phúc này ta cần thực tập, và trong khi thực tập ta có anh, có chị, có em, có bạn cùng thực tập với ta. Nếu mọi người đều cùng thực tập, thì sẽ trở thành rất dễ dàng và ta dễ có hạnh phúc.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hạnh Phúc Mộng Và Thực. HT Nhất Hạnh (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w