Những hạn chế, khuyết điểm

Một phần của tài liệu Luận Án Trần Thị Hà Vân (Trang 100 - 104)

3.2.2.1. Về nội dung lãnh đạo

Một là, về xây dựng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, xác định mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp về BVMT.

*Đảng chưa kịp thời trong việc xác định nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức chính trị - xã hội và nhiệm vụ cụ thể từng vùng trong CTBVMT

Trong Chỉ thị 36/1998/CT-TW ngày 25/6/1998, Đảng coi CTBVMT chỉ là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng và chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Vì vậy, trong Chỉ thị này, sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể xã hội trong CTBVMT chưa được đề cập; trong khi đó, vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể xã hội có vai trò rất quan trọng đối với CTBVMT; mục tiêu, nhiệm vụ của CTBVMT còn chung chung, chưa xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là nhiệm vụ đối với từng vùng như vùng đô thị, vùng ven đô thị, vùng nông thôn. Đến ngày 15/01/2004, Đảng tiếp tục ban hành Nghị quyết số 41-NQ/ TW về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; trong đó, Đảng mới xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của CTBVMT và khẳng định CTBVMT cần có sự tham gia tích cực của MTTQ và các đoàn thể nhân dân.

*Nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa chỉ ra cụ thể các chỉ tiêu cần đạt được của các loại môi trường

Trong các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng về CTBVMT, cụ thể trong Chỉ thị 36, Nghị quyết 41, Chỉ thị 29, Đảng chưa xác định rõ các chỉ tiêu cụ thể về các loại môi trường (như chỉ tiêu xử lý nước thải, khí thải, chất thải, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ người dân dùng nước sạch). Đến Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2014 “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”, Đảng mới xác định các chỉ tiêu cần phấn đấu trong CTBVMT. Vì vậy, một thời gian khá dài, công tác này chưa có các chỉ số để phấn đấu thực hiện, từ đó không có cơ sở cụ thể để đánh giá kết quả việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về CTBVMT, dẫn đến việc đánh giá CTBVMT còn chung chung.

Hai là, về Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa nghị quyết của Đảng về

BVMT thành pháp luật, pháp lệnh của Nhà nước, các chương trình, dự án quốc gia về BVMT để thực hiện trong toàn xã hội và chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện.

Đảng chưa thật quyết liệt trong việc định hướng Nhà nước sửa đổi Luật Môi trường trong khi có nhiều nội dung của Luật không phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Trong giai đoạn từ 2004 đến 2009, Chính phủ ít ban hành các văn bản pháp luật về môi trường, các chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, quy định về mức phí BVMT ban hành còn chậm, thiếu kịp thời; Chẳng hạn như Luật BVMT được ban hành từ năm 1993, nhưng đến năm 1996, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 26-NĐ/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong BVMT và trên thực tế nghị định này, không áp dụng được. Mãi đến năm 2003, Nghị định số 67/2003/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong BVMT thay thế cho Nghị định số 26-NĐ/CP mới áp dụng được. Như vậy, sau 10 năm thực hiện Luật BVMT, công cụ quản lý nhà nước về BVMT ở nước ta mới được áp dụng theo nguyên tắc kinh tế thị trường là “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Một số nghị định về BVMT ban hành còn chậm; ví dụ như, nghị định về phí BVMT trong khai thác khoáng sản, nghị định về BVMT nước thải mới được ban hành năm 2015.

Đến nay, vẫn còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định một cách hệ thống và chi tiết đối với vấn đề quản lý khí thải, các văn bản hiện nay mới chỉ tập trung vào khí thải công nghiệp, giao thông, lò đốt chất thải; thiếu văn bản, quy định hướng dẫn về kiểm kê nguồn thải đối với nước thải. Trong quy định của Luật BVMT 2014 có đề cập đến tái sử dụng nước thải; tuy nhiên, chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn, quy định dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật còn những điểm chưa phù hợp với thực tế. Chẳng hạn trong sự kiện Vêđan, Formosa, rất cần khởi tố hình sự các công ty này để răn đe; nhưng trong Bộ Luật hình sự chỉ quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân mà không áp dụng đối với tổ chức. Do đó, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các công ty này. Khi chế tài chưa thật nghiêm khắc để xử lý hành vi vi phạm thì CTBVMT, đặc biệt, trong các doanh nghiệp chưa hiệu quả, trong khi ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp chưa cao.

Ba là, về lãnh đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực môi trường và BVMT.

Mặc dù hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về môi trường tiếp tục được kiện toàn, song thực tiễn cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Ở cấp Trung ương có 8 Bộ, ngành thành lập đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về môi

trường theo ngành, lĩnh vực đã phát huy hiệu quả, song khi triển khai thực hiện thực tế cũng gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp thiếu đồng bộ; sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm không rõ ràng. Đối với vấn đề nhân lực, một số lĩnh vực còn thiếu đội ngũ công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên môn sâu.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2015, ở cấp tỉnh cả nước có 1.448 cán bộ, cấp huyện có 1.300 cán bộ và cấp xã trên 11.000 cán bộ. Từ thực tế cho thấy, ở cấp huyện số lượng cán bộ chuyên trách còn ít so với yêu cầu nhiệm vụ; đặc biệt, ở cấp xã hiện nay chưa có cán bộ chuyên trách mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm (cán bộ địa chính và môi trường). Cán bộ kiêm nhiệm công tác môi trường cấp xã không được đào tạo về chuyên môn, trong khi đó, đây là nơi trực tiếp đối mặt với thực trạng môi trường, trực tiếp tiếp xúc với nhân dân. Đảng ta chỉ rõ “Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường còn thấp” [56, tr.1].

Bên cạnh đó, việc lãnh đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, số lượng cán bộ được đào tạo chuyên môn sâu còn ít, nhất là các chuyên gia giỏi có khả năng nghiên cứu, thẩm định, xây dựng đề án hướng dẫn, triển khai thực hiện CTBVMT. Có 12% cho rằng trình độ, năng lực của cán bộ công tác trong lĩnh vực môi trường là tốt; 67% ý kiến cho rằng trình độ, năng lực của cán bộ công tác trong lĩnh vực môi trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, 21% cho rằng trình độ, năng lực của cán bộ còn hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, cá biệt có cán bộ “làm ngơ” “tiếp tay” cho các hoạt động vi phạm.

Bốn là, về Đảng trong lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cấp ủy trực thuộc Trung ương cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng về BVMT và tổ chức thực hiện.

Nhận thức của các cấp ủy về CTBVMT chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về CTBVMT còn thiếu thường xuyên, quyết liệt, một số nghị quyết, chỉ thị về CTBVMT chưa được tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc. Kết luận 02-KL/TW ngày 25/4/2016 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị xác định nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, yếu

kém trong CTBVMT là do “Nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị chưa đầy đủ” [59, tr.1].

Cấp ủy cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức các hội nghị quán triệt nghị quyết trong các cấp, các ngành trên địa bàn; tuy nhiên, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về CTBVMT được lồng ghép để quán triệt cùng với các nội dung khác; trong thực tế, gần như không có địa phương nào tổ chức các buổi thảo luận về nội dung của nghị quyết, chỉ thị về BVMT; chưa đồng bộ trong việc viết bài và đánh giá kết quả bài thu hoạch về CTBVMT. Việc đánh giá thực trạng, xác định các giải pháp BVMT trong văn kiện của cấp tỉnh, thành còn mờ nhạt. Việc tổ chức thực hiện chủ yếu giao cho cơ quan chuyên trách, cấp ủy các cấp chưa khơi dậy phát huy hết sự tham gia của các tổ chức trong HTCT các cấp; công tác thông tin, truyền thông về môi trường và BVMT chưa tiến hành thường xuyên, chưa được ưu tiên; thực hiện các phong trào còn mang tính hình thức. Việc sơ kết, tổng kết CTBVMT chưa được quan tâm đúng mức.

Đối với cấp ủy cấp huyện (tương đương) và cấp ủy cơ sở chưa coi trọng CTBVMT; vì vậy, việc cụ thể hóa nghị quyết của cấp trên về BVMT chưa được quan tâm đúng mức. Nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy trên cơ sở và cấp ủy cơ sở chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục; chưa đầu tư cho CTBVMT; nội dung BVMT được đề cập một cách mờ nhạt, gần như việc sơ kết, rút kinh nghiệm trong công tác BVMT không được thực hiện. Qua kết quả điều tra xã hội học về ý thức, trách nhiệm của cấp ủy cấp cơ sở đối với CTBVMT có 6% đánh giá tốt, 36% bình thường, có tới 58% ý kiến cho rằng trách nhiệm của cấp ủy cấp cơ sở còn hạn chế.

Năm là, về Đảng trong lãnh đạo phát huy vai trò của cơ quan Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước về BVMT.

Trong lãnh đạo CTBVMT bằng sự phối hợp thống nhất hành động giữa nhà nước và MTTQ các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có lúc còn thiếu chặt chẽ, thiếu sự gắn kết trong thực hiện công tác này. Sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn lực kỹ thuật và hệ thống luật pháp cho MTTQ chưa đầy đủ; thiếu quy chế xác định rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm giữa Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư trong CTBVMT. Công tác giám

sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể xã hội đối với những hành vi vi phạm luật pháp về BVMT chưa đạt hiệu quả cao. Việc giám sát, phát hiện, kiến nghị, bổ sung các chính sách và quy định pháp luật về BVMT còn hạn chế. Sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên Môi trường và MTTQ Việt Nam trong việc triển khai các chương trình về BVMT có lúc có khi còn thiếu đồng bộ, hiệu quả.

Một phần của tài liệu Luận Án Trần Thị Hà Vân (Trang 100 - 104)