Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Giải quyết việc làm theo pháp luật lao động Việt Nam và thực tiễn thực hiện tại thành phố Đà Nẵng (Trang 28)

Đây là thời kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngay sau khi cách mạng tháng 8 thành công, Chính phủ đã bắt tay ngay vào việc quản lý điều hành đất nước trong điều kiện các văn bản pháp luật hầu như chưa có. Để điều chỉnh các quan hệ xã hội phức tạp lúc giao thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh tạm thời giữ lại các luật lệ của đế chế cũ ở các miền cho đến khi ban hành những đạo luật mới chung cho cả nước. Mặt khác, Chính phủ đã giao cho các Bộ trong phạm vi chức năng của mình, khẩn trương nghiên cứu ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ lao động.

Để bảo vệ người lao động trong quan hệ lao động, ngày 01/10/1945 Bộ Lao động ra Nghị định buộc các xưởng kỹ nghệ, các nhà thương mại phải báo trước 1 tháng cho người lao động khi sa thải họ. Đồng thời, Bộ Lao động cũng ban hành nghị định ấn định tiền phụ cấp cho công nhân bị sa thải. Theo Sắc lệnh số 55/SL ngày 20/11/1945 Chính phủ đã quy định về việc hưởng lương của người lao động khi nghỉ ngày Quốc tế lao động 01/5, ấn định ngày nghỉ tết, ngày lễ kỷ niệm những ngày lịch sử và ngày lễ tôn giáo...

Năm 1947, Chính phủ ra tiếp Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947 quy định về các chế độ lao động khi làm công cho các chủ người Việt Nam tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do trong toàn quốc. Trên

Sắc lệnh 29/SL ngày 12/3/1947, trong tháng 5/1950 Chính phủ đã ban hành hàng loạt sắc lệnh quan trọng như Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 về việc ban hành quy chế công chức; Sắc lệnh 77/SL ngày 22/5/1950 quy định chế độ công nhân giúp việc Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến và các sắc lệnh như Sắc lệnh 81/SL về việc ấn định thang lương chung cho công chức làm việc trong các cơ quan Chính phủ; Sắc lệnh 91/SL về việc ấn định phí cấp hằng tháng (được tính bằng giá gạo) của các vị trong Uỷ ban hành chính và Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp (khu, liên khu và khu Hà Nội, tỉnh và thành phố, huyện, thị xã lớn và quận thuộc Hà Nội, thị xã nhỏ và khu phố); Sắc lệnh 92/SL về việc ấn định lương và phụ cấp cho các cấp điều khiển ở Văn phòng Chủ tịch phủ, Quốc hội, các Bộ và Nha do Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ban hành; Sắc lệnh 94/SL về việc ấn định mức lương chính hằng tháng (được tính bằng giá gạo), thi hành từ ngày 1-5-1950, của các vị giữ chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng tại Văn phòng Chủ tịch phủ, Văn phòng Quốc hội và Thủ tướng phủ, Văn phòng các Bộ, các Nha hay Cục; Giám đốc, Phó Giám đốc Liên khu, Chánh văn phòng Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu, Trưởng phòng Uỷ ban kháng chiến hành chính và chuyên môn của Liên khu; Trưởng, Phó ty, Chánh văn phòng và Trưởng phòng Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh hay thành phố; Sắc lệnh số 95/SL, ấn định mức lương chính hằng tháng (được tính bằng giá gạo) của các vị trong Ban Thanh tra Chính phủ và các phái viên thanh tra, thi hành từ ngày 1-5-1950...

Đây là những văn bản quan trọng nhất trong thời kỳ này, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong việc xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật về lao động của Nhà nước dân chủ nhân dân vừa mới thành lập. Điều dễ nhận biết trong việc xây dựng các văn bản pháp luật thời kỳ này là: tiến độ xây dựng các văn bản pháp luật rất nhanh, khối lượng văn bản rất lớn, hiệu lực pháp lý cao; đã kế thừa những ưu điểm của các văn bản cũ và được nâng lên một bước về chất lượng cho phù hợp với những chuyển biến mới của mối quan hệ lao động – xã hội. Một đặc điểm nổi bật của các văn bản pháp luật lao động thời kỳ này là đã bao quát được hầu hết các chế định của pháp luật lao động; có sự phân biệt rạch

ròi về đối tượng điều chỉnh của pháp luật lao động trên cơ sở phân định rõ các nhóm quan hệ lao động xã hội mà giữa chúng có những tính chất hết sức đặc biệt.

Tuy vậy, do hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp cho nên những văn bản kể trên chỉ mới được thi hành trong một phạm vi hẹp hoặc trong một thời gian rất ngắn, nhưng chúng đã đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập pháp lao động của nước ta.

2.1.2. Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1985

Đây là thời kỳ mà pháp luật lao động tập trung vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Trong giai đoạn này Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về lao động cụ thể hóa Điều 21, 24, 30, 31, 32 của Hiến pháp 1959. Trong đó có các văn bản: Luật Công đoàn tháng 11/1957; Nghị định 181/CP tháng 12/1960 ban hành Điều lệ tạm thời về Bảo hộ lao động; Nghị định 218/CP tháng 12/1961 ban hành điều lệ tạm thời về Bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức; Nghị định 24/CP tháng 3/1963 ban hành điều lệ tuyển dụng, cho thôi việc đối với công nhân viên chức; Nghị định 172/CP tháng 11/1963 ban hành điều lệ tạm thời về việc ký hợp đồng tập thể ở các xí nghiệp quốc doanh. Nghị định 195/CP tháng 12/1964 ban hành điều lệ kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước; Nghị định 49/CP tháng 4/1968 quy định trách nhiệm vật chất của công nhân viên chức đối với tài sản Nhà nước; Quyết định 199/CP tháng 7/1969 về một số biện pháp bảo đảm thời gian lao động của công nhân viên chức...

Do đặc điểm của giai đoạn lịch sử này, nên pháp luật lao động chủ yếu tập trung điều chỉnh mối quan hệ lao động trong khu vực kinh tế quốc doanh với nội dung mang nặng tính tập trung bao cấp. Để điều tiết các quan hệ lao động Nhà nước sử dụng biện pháp hành chính là chủ yếu nhằm xác lập, điều chỉnh các quan hệ kinh tế lao động; ít chú ý đến nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng của

người lao động và người sử dụng lao động và cả quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế cơ sở.

Về hình thức thì chủ yếu là các văn bản dưới luật, dưới dạng Nghị định, Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của Chính phủ và của cấp Bộ. Đáng chú ý là nhiều văn bản có tính chất thử nghiệm, tạm thời, song tồn tại hàng chục năm vẫn chưa được thay thế.

Mặc dù vậy các văn bản pháp luật lao động được ban hành thời kỳ này đã bao quát hầu hết các chế định cơ bản của pháp luật lao động từ khâu tuyển dụng, sử dụng lao động, bảo hộ lao động, kỷ luật lao động đến bảo hiểm xã hội.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, trên cơ sở chủ trương cải tiến quản lý kinh tế của Đảng, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 19/CP ngày 29/01/1976 trong đó quy định: “Ban hành ngay trong năm 1976 quy chế tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc trong các xí nghiệp quốc doanh theo hướng đòi hỏi người lao động làm nghề gì phải hiểu biết lý thuyết và thực hành cần thiết của nghề ấy”. Vì vậy, những văn bản pháp luật ban hành

sau thời gian đó đều cố gắng thể hiện tinh thần này.

Thể chế hóa quan điểm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, ngày 26/4/1979, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 182/CP “Quy định về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân viên chức tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Nhà nước”. Nhiều quy phạm trong quy định này điều chỉnh các quan hệ lao động trong xí nghiệp, cơ quan Nhà nước.

Hiến pháp năm 1980 ra đời là một bước phát triển mới trong lịch sử lập hiến của nước ta. So với Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 quy định các vấn đề về quan hệ lao động một cách toàn diện và có nhiều điều kiện đảm bảo hơn, đặt ra những nguyên tắc nền tảng để xây dựng pháp luật lao động trong thời kỳ mới. Pháp luật lao động thời gian này thể hiện cuộc đấu tranh nhằm khắc phục cơ chế hành chính bao cấp trong việc tuyển dụng, tiền lương, kỷ luật lao động, bảo hiểm xã hội... bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân trong quan hệ lao động. Cũng trong thời gian này, một số cải cách về lao động, tiền lương

được đưa vào làm thử để tiến tới xây dựng các chế độ chính thức như: đưa hình thức hợp đồng lao động thay cho hình thức tuyển dụng, thực hiện việc bù giá vào lương để chuẩn bị việc cải tiến chế độ tiền lương...

Ngoài các văn bản kể trên, còn có 03 công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) (Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ cho mô ̣t công viê ̣c ngang nhau năm 1959, Công ước số 111 về Phân biê ̣t đối xử trong viê ̣c làm và nghề nghiê ̣p năm 1958, Công ước số 122 về chính sách việc làm) mà nước ta phê chuẩn, gia nhập là các nguồn pháp luật quan trọng cho việc tổ chức thực hiện pháp luật việc làm.

Tóm lại, với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường, nhiều văn bản pháp luật về lao động được ban hành, hiệu quả kinh tế đạt được trong thời gian đó chứng minh tính đúng đắn của chủ trương đó. Tuy nhiên, trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, pháp luật về lao động, giải quyết việc làm chủ yếu điều chỉnh quan hệ lao động của cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước bởi một cơ chế xơ cứng, làm cho quan hệ lao động bộc lộ những khuyết điểm như:

Thứ nhất: Trong các văn bản pháp luật, đã gần như đồng nhất hai quan niệm có việc làm và trong biên chế Nhà nước. Chưa tìm được chỗ đứng trong biên chế Nhà nước coi như chưa có việc làm. Quan niệm đó đã cản trở và hạn chế một cách ghê gớm sự giải phóng sức lao động xã hội.

Thứ hai: Người trong biên chế Nhà nước được bảo đảm về nguyên tắc quyền lợi vật chất theo chế độ bao cấp. Như vậy, quyền lợi và nghĩa vụ bị tách nhau trong quan hệ lao động, dẫn đến tình trạng ỷ lại vào Nhà nước, không kích thích tính tích cực về năng lực lao động và tính sáng tạo của người lao động.

Thứ ba: Chế độ tiền lương được tính theo biên chế hiện có trong xí nghiệp đã làm tăng biên chế Nhà nước rất nhanh trong lúc hiệu quả kinh tế ngày càng bị hạ thấp.

Một hệ thống pháp luật lao động điển hình của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp như vậy đã trở thành một sự trở ngại lớn đối với sự hình thành và phát

triển của cơ chế mới – cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Do vậy, yêu cầu đổi mới hệ thống pháp luật lao động đó là cấp bách.

2.1.3. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1993

Từ năm 1986, Nhà nước ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường. Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, công cuộc đổi mới được khởi xướng, một trong những nội dung cốt lõi là đổi mới kinh tế, xây dựng chế độ tự chủ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Do đó, một số vấn đề quan trọng và cấp bách được đặt ra là phải xây dựng và thực hiện một cơ chế tổ chức và quản lý lao động thích hợp mà các mục tiêu cơ bản của nó là đề cao trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp đối với lao động và tiền lương, phát huy tiềm năng lao động trong xí nghiệp, khuyến khích người lao động đề cao quyền và nghĩa vụ lao động.

Quyết định 217/CP ngày 14/11/1987 đã phần nào thể hiện quan điểm đổi mới, trao quyền tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người lao động bằng chế độ hợp đồng lao động. Điều 45 của Quyết định 217/CP quy đinh: “Xí nghiệp có quyền trực tiếp chọn lao động theo hướng dẫn

về địa bàn của cơ quan lao động”. Nghĩa là, xí nghiệp có quyền trực tiếp quyết

định việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về việc xét chọn người làm việc theo yêu cầu của sản xuất và công tác.

Đồng thời Quyết định 217/CP cũng quy định rõ hình thức tuyển lao động. Các hình thức hợp đồng lao động khác nhau (hợp đồng lao động ngắn hạn, hợp đồng lao động theo vụ việc, hợp đồng lao động dài hạn), vừa tạo điều kiện cho xí nghiệp chủ động trong sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu của sản xuất, vừa tạo điều kiện cho người lao động thực hiện quyền dân chủ của mình trong việc thiết lập quan hệ lao động, nâng cao trách nhiệm đối với nhau của cả hai bên. Với hợp đồng lao động, người lao động không bị áp đặt một cách theo quan hệ hành chính bất chấp năng lực và nguyện vọng của họ. Đối với người lao động, xí nghiệp không chỉ có quyền mà còn phải có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của họ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cơ chế thị trường càng được khẳng định, vai trò của hợp đồng lao động càng lớn. Vì vậy, ngày 30/8/1990 Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về hợp đồng lao động. Đây là văn bản pháp luật lao động đầu tiên có giá trị pháp lý cao, quy định khá đầy đủ về mục đích, phạm vi, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc, trình tự giao kết hợp đồng lao động, khẳng định xu hướng sử dụng hợp đồng lao động trong quan hệ lao động, đồng thời Nhà nước cũng đã ban hành một loạt các văn bản pháp luật lao động nhằm khẳng định và thực hiện quan điểm mới của Đảng ta về vấn đề lao động, chẳng hạn như Pháp lệnh bảo hộ lao động ngày 10/9/1991.

Sự ra đời của Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận chủ trương phát triển cơ chế thị trường thành một nguyên tác nhất định. Sau Hiến pháp 1992, một loạt văn bản pháp luật mới đã được ban hành như: Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Phá sản... Những văn bản pháp luật đó đã thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt các loại hình kinh doanh khác nhau, tạo môi trường hình thành và phát triển các quan hệ lao động đa dạng và mới về chất trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, ngoài Pháp lệnh về hợp đồng lao động ngày 30/8/1990 và Pháp lệnh bảo hộ lao động ngày 10/9/1991, Chính phủ còn ban hành hàng loạt văn bản pháp luật mới như: Nghị định 165/HĐBT ngày 12/5/1992 về việc Hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh lao động; Nghị định 120/HĐBT ngày 11/4/1992 về vấn đề việc làm; Nghị định 18/CP ngày 26/12/1992 về thỏa ước lao động tập thể; Nghị định 25/CP và 26/CP ngày 23/5/1993 về chế độ tiền lương mới; Nghị định 43/CP ngày 22/6/1993 về bảo hiểm xã hội... những nội dung và nguyên tắc được quy định trong các văn bản này thực sự là bước chuyển sang nền kinh tế thị trường, tạo được những tiền đề về pháp lý nhất định cho sự phát triển của quan hệ lao động theo hướng mới. Tuy nhiên so với yêu cầu thì pháp luật lao động vẫn còn nhiều nhược điểm lớn mà trước hết là thiếu tính đồng bộ, bất cập với yêu cầu đổi mới, chưa thật sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Giải quyết việc làm theo pháp luật lao động Việt Nam và thực tiễn thực hiện tại thành phố Đà Nẵng (Trang 28)