xu thế chung toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
Trong giai đoạn hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế tạo cơ hội cho các nước tham gia vào thị trường lao động quốc tế, tức là thị trường lao động được mở rộng vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia. Đồng thời, toàn cầu hóa lại đòi hỏi các quốc gia phải có những nỗ lực to lớn trong việc giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp, đào tạo và đào tạo lại, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tác phong làm việc công nghiệp, kỷ luật lao động cho lao động của mình. Lợi thế cạnh tranh lúc này đang nghiêng về các nước có nguồn nhân lực chất lượng cao, có môi trường pháp lý thuận lợi và xã hội ổn định. So với yêu cầu, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, lao động Việt Nam còn có khoảng cách nhất định, chưa đạt được nhiều chuẩn mực lao động của khu vực và quốc tế để có đủ điều kiện chủ động tham gia hội nhập. Về phương diện pháp lý, điều này phải đòi hỏi phải hoàn thiện các quy định về giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực của quốc gia không chỉ nhằm phục vụ các vấn đề trong phạm vi quốc gia mà còn đồng thời phải chuẩn bị các điều kiện cho lao động Việt Nam tiếp cận, hội nhập thị trường lao động quốc tế.
Bên cạnh đó, một hành lang pháp lý thuận lợi cũng là điều kiện quan trọng để thúc đẩy cho hoạt động hợp tác quốc tế về lao động và việc làm. Nước ta có lực lượng lao động dồi dào, giá thành rẻ, là thị trường có sức hút đối với
các đối tác. Tuy nhiên, đôi khi do các quy định của pháp luật, đặc biệt là các thủ tục hành chính rất rắc rối, cồng kềnh, gây tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư. Đơn giản hóa về thủ tục pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi, có nhiều chính sách khuyến khích đối với các nước khi hợp tác với Việt Nam sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về lao động, việc làm giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm.