Tổ chức dịch vụ việc làm

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Giải quyết việc làm theo pháp luật lao động Việt Nam và thực tiễn thực hiện tại thành phố Đà Nẵng (Trang 48 - 49)

Tổ chức dịch vụ việc làm hay còn gọi là Tổ chức giới thiệu việc làm. Theo quy định tại Nghị định số 39/2003/NĐ-CP thì tổ chức giới thiệu việc làm bao gồm hai loại: các trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp chuyên giới thiệu việc làm. Bộ luật lao động quy định tổ chức giới thiệu việc làm có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, cưng ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người lao động; thu thập, cung ứng thông tin về thị trường lao động và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Điều 7 Nghị

định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 của Chính phủ về điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm quy định trung tâm giới thiệu việc làm có những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Tư vấn việc làm, học nghề, chính sách có liên quan đến quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động.

- Giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

- Thu thập, phân tích, cung ứng thông tin về thị trường lao động bao gồm nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu cần việc làm, tiêu chuẩn lao động, tiền lương, tiền công trên địa bàn hoạt động của vùng và cả nước.

- Được tổ chức dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Thành lập các tổ chức giới thiệu việc làm được coi là một trong những biện pháp nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho quan hệ lao động có thể được xác lập, là “kênh trung gian” góp phần phân phối và phân phối lại nguồn lao động trong các khu vực, các ngành nghề, góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường lao động.

Hàng năm, các Tổ chức giới thiệu việc làm đã tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động cho hàng triệu lượt người có nhu cầu, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và đào tạo nghề ngắn hạn với tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động. Hiện nay với sự hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và ngân sách địa phương, Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc sở Lao động – Thương binh và Xã hội của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức sàn giao dịch việc làm thường xuyên, định kỳ hàng tuần, hàng tháng. Chính vì thế, nhiều địa phương đã quan tâm dành quỹ đất đầu tư cho Trung tâm, coi hoạt động của Tổ chức dịch vụ việc làm là một trong những hoạt động cơ bản và quan trọng của địa phương.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Giải quyết việc làm theo pháp luật lao động Việt Nam và thực tiễn thực hiện tại thành phố Đà Nẵng (Trang 48 - 49)