Vai trò của chủ nợ trong giai đoạn tuyên bố phá sản

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Vai trò của chủ nợ trong thủ tục giải quyết phá sản theo pháp luật Việt Nam (Trang 69 - 72)

Cũng như thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, thủ tục thanh lý tài sản của DN lâm vào tình trạng phá sản là một trong hai thủ tục pháp lý cơ bản của LPS hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nếu thủ tục phục hồi là một biện pháp nhằm “hồi sinh” con nợ, giúp DN mắc nợ thoát khỏi tình trạng phá sản; thì thủ tục thanh lý lại là một phương thức để giúp con nợ rút lui khỏi thương trường một cách có trật tự. Cả hai thủ tục này đều mang ý nghĩa thiết thực và đều thể hiện đúng tinh thần và mục đích của pháp luật phá sản. Và dĩ nhiên, dù áp dụng thủ tục phục hồi hay thủ tục thanh lý đều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, vì thế ở mỗi thủ tục, LPS đều trao cho chủ nợ những vai trò nhất định.

Tuyên bố phá sản đối với DN là quyết định cuối cùng trong TTPS, chính thức chấm dứt sự tồn tại của DN, giải quyết khối tài sản còn lại của DN và các nghĩa vụ tài sản mà DN cần phải thực hiện. Sau quyết định tuyên bố phá sản, chủ DN được giải phóng khỏi những nghĩa vụ trả nợ dù cho khối tài sản còn lại của DN có thể trả hết được những khoản nợ của các chủ nợ hay không, trừ trường hợp của chủ sở hữu DN tư nhân và các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh khi DN không còn khả năng tiếp tục hoạt động, đồng thời tạo cơ chế để các chủ nợ có thể đòi được tối đa giá trị khoản nợ của mình với DN.

Ở Việt Nam, vai trò của chủ nợ trong giai đoạn này trước hết thể hiện ở việc làm phát sinh thủ tục thanh lý tài sản. Khác với thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, chủ nợ có vai trò mang tính quyết định, đối với thủ tục thanh lý, vai trò quyết định của chủ nợ không mang tính tuyệt đối nhưng ý chí và vai trò tham gia vào HNCN của chủ nợ là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc áp dụng thủ tục thanh lý tài sản. Cụ thể tại Điều 80 và Điều 83, Điều 91, Điều 106 LPS 2014 quy định hai trường hợp Tòa án ra

64

quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản xuất phát từ nguyên nhân thuộc về vai trò của các chủ nợ, đó là :

- Trường hợp thứ nhất: Thẩm phán sẽ ra quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản khi HNCN không thành có thể do: không đủ số chủ nợ tham gia; phải hoãn HNCN do không đáp ứng đầy đủ điều kiện hợp lệ của HNCN, hoặc không tổ chức lại được HNCN sau khi đã hoãn một lần trong trường hợp quy định như trên thì sẽ là căn cứ làm phát sinh thủ tục tuyên bố DN, HTX phá sản.

- Trường hợp thứ hai: Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của DN, HTX mất khả năng thanh toán nếu DN, HTX đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; DN, HTX không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; Hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng DN, HTX vẫn mất khả năng thanh toán và toàn án nhân dân sẽ thông báo công khai quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của DN, HTX...

LPS 2014 đã đưa ra trình tự mới so với LPS 2004, theo đó Thẩm phán sẽ ra quyết định tuyên bố phá sản đối với DN trước khi bắt đầu tiến hành quá trình xử lý tài sản của DN phá sản. Đây là một bước tiến mới, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan thi hành án, DN quản lý và thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý. LPS 2014 cũng tập trung tất cả các tình huống tuyên bố phá sản đối với DN trong chương IX và nêu rõ hậu quả pháp lý của các tình huống, tạo điều kiện cho những cơ quan, tổ chức có liên quan dễ dàng thực hiện đúng thẩm quyền của mình.

LPS 2014 có đề cập tới những trường hợp DN có thể bị tuyên bố phá sản theo thủ tục rút gọn, hay nói cách khác là bị tuyên bố phá sản trước khi được thực hiện các thủ tục nhằm cứu vãn tình hình tài chính của mình. Đây là một quy định quan trọng, giúp hạn chế những thủ tục tố tụng rườm rà đối với những DN đã không còn khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh. Đó là những DN mà khi có đơn yêu cầu mở TTPS gửi tới cho Tòa án đã không còn

65

bất cứ khoản tiền, tài sản nào hoặc tài sản không còn đủ để thanh toán chi phí phá sản. Theo quy định tại điều 105- LPS 2014 thì những DN này, sau khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu có thể trực tiếp ra quyết định tuyên bố DN phá sản. Rõ ràng, trong những trường hợp này, DN đã thực sự mất khả năng thanh toán, và vì thế, việc rút ngắn thủ tục giúp chủ sở hữu DN có thể nhanh chóng thoát khỏi nghĩa vụ trả nợ và các chủ nợ không mất công thực hiện các quá trình GQPS phức tạp mà không thể đòi được nợ.

Những trường hợp tuyên bố phá sản theo thủ tục thông thường được tiến hành trong các trường hợp sau:

- HNCN không thành (HNCN lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành sau khi đã hoãn một lần; HNCN họp nhưng không thông qua được Nghị quyết do không đủ tỷ lệ phiếu tán thành)

- HNCN diễn ra nhưng không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của DN

- HNCN thông qua phương án cho phép DN tiến hành phục hồi kinh doanh nhưng DN không xây dựng được phương án phục hồi trong thời gian quy định.

- DN không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi mà DN vẫn mất khả năng thanh toán. Trường hợp này, quyết định tuyên bố phá sản DN được đưa ra ngay sau quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.

Việc tuyên bố phá sản sẽ làm chấm dứt ngay lập tức những TTPS phía sau và trực tiếp dẫn đến thủ tục xử lý, thanh lý tài sản của DN để trả cho các chủ nợ. Nói cách khác, nếu như DN không thể phục hồi thì việc tuyên bố phá sản càng được thực hiện sớm bao nhiêu thì tài sản còn lại của DN càng nhiều bấy nhiêu, và vì thế quyền lợi của các chủ nợ khi phân chia tài sản càng được đảm bảo bấy nhiêu, đặc biệt là với những chủ nợ có đảm bảo, chủ nợ có đảm

66

bảo một phần và những đối tác trong các hợp đồng, giao dịch bị đình chỉ của DN. Tuy nhiên, việc quy định những trường hợp tuyên bố phá sản này còn tương đối cứng nhắc, làm hạn chế quyền của DN khi không muốn tiếp tục theo đuổi trình tự phá sản nữa. Theo đó, nếu là phá sản theo thủ tục rút gọn thì chỉ có thể thực hiện vào giai đoạn bắt đầu TTPS (giai đoạn nộp đơn và thụ lý), còn nếu là phá sản thông thường thì chỉ có 2 giai đoạn, thông qua 2 cuộc họp HNCN. Trong khi đó việc DN lâm vào tình trạng cạn kiệt tài sản hoặc không muốn theo đuổi bất kỳ phương thức phục hồi nào nữa là điều có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào của TTPS. Vì vậy, cần có những quy định rộng rãi hơn cho những trường hợp này.

Như vậy, có thể thấy chủ nợ có vai trò không nhỏ trong việc áp dụng thủ tục thanh lý tài sản của DN mắc nợ; nói cách khác, chủ nợ đóng vai trò là nguyên nhân chủ yếu để Thẩm phán làm căn cứ ra quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản. Tuy nhiên, cũng xuất phát từ quy định về điều kiện có mặt của chủ nợ không có bảo đảm để xác định tính hợp lệ của HNCN và nguyên tắc thông qua nghị quyết của HNCN mà chỉ có các chủ nợ không có bảo đảm mới có khả năng chi phối việc có quyết định đưa đến thủ tục thanh lý đối với DN đang lâm vào tình trạng phá sản hay không. Còn chủ nợ có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần không có vai trò gì trong vấn đề này, trong khi việc áp dụng thủ tục thanh lý hay thủ tục phục hồi đều có sự liên quan mật thiết đến quyền lợi của họ; đây là hệ quả của sự bất cập trong các quy định pháp luật trước đó mà luận văn đã phân tích, LPS cần phải sửa đổi để tạo sự thống nhất mang tính xuyên suốt quá trình giải quyết yêu cầu phá sản DN.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Vai trò của chủ nợ trong thủ tục giải quyết phá sản theo pháp luật Việt Nam (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)