Cho tới hiện nay, trên thế giới tồn tại ba mô hình chính về tổ chức của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng: Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Trung ương; Thanh tra giám sát ngân hàng trực thuộc Bộ Tài Chính; Thanh tra giám sát ngân hàng được tổ chức thành một định chế độc lập.
Dưới đây là một số ví dụ về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, hoặc hoạt động tài chính nói chung điển hình trên thế giới.
* Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (Monetary authority of Singapore - MAS)
Trước năm 1970, chức năng tiền tệ và chức năng ngân hàng trung ương của Singapore do một số cơ quan thực hiện. Nhưng do sự phát triển và tính phức tạp của môi trường tiền tệ và ngân hàng ngày càng cao, Singapore đã tiến hành sắp xếp lại các chức năng đó. Năm 1970 Luật Ủy ban tiền tệ Singapore ra đời đánh dấu một bước quan trọng trong lịch sử phát triển ngành tài chính Singapore. Theo đó, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) như một ngân hàng trung ương Singapore được thành lập, nó được ủy quyền hoạt động như một ngân hàng và cơ quan đại diện tài chính của Chính phủ. MAS là cơ quan giám sát thống nhất tất cả các lĩnh vực tài chính. MAS chỉ đạo giám sát rủi ro của các định chế
32
tài chính. Điều này bao gồm việc cấp phép cho các định chế tài chính cung cấp dịch vụ, thiết lập các quy định và chuẩn mực, hành động chống lại các định chế và cá nhân vi phạm quy định. MAS cũng giám sát hệ thống tài chính để phát hiện xu hướng mới nổi và mang rủi ro tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động quản lý. Đây chính là một trong những biểu hiện của việc thực hiện chức năng thanh tra, giám sát của MAS.
MAS đặt ra 6 mục tiêu cơ bản là: ổn định hệ thống; thị trường công bằng, hiệu quả, minh bạch; cơ sở hạ tầng an toàn và lành mạnh; trung gian an toàn và lành mạnh; trung gian và nhà cung cấp minh bạch và công bằng; bảo vệ người tiêu dùng.
Các quy định pháp lý về thanh tra của MAS được xây dựng và điều chỉnh theo xu hướng điều hòa và hội nhập, dựa trên rủi ro, tăng khả năng phản ứng, tạo điều kiện để tự quản trị và nâng cao kỷ luật thị trường. Các quy định này bao gồm 4 nội dung chính: quy định về thận trọng; mạng lưới an toàn; mục tiêu xã hội và hướng dẫn thị trường; thanh tra và thực thi.
Phương pháp thanh tra mà MAS sử dụng là phương pháp thanh tra tập trung vào đánh giá và kiểm soát rủi ro của TCTD ở cấp độ từng hoạt động và cấp đội toàn TCTD. Đối với các ngân hàng nước ngoài, việc thanh tra sẽ tập trung vào những chi nhánh đang hoạt động tại nước sở tại, từ đó xếp hạng TCTD theo khả năng rủi ro, làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra tại chỗ [2].
* Mô hình giám sát ngân hàng ở Brazil
Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng tại Brazil thuộc mô hình giám sát trực thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính thành lập Hội đồng tiền tệ quốc gia (CMN) là cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý thanh khoản, bảo vệ tiền tệ và phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và tín dụng. Nó cũng có trách nhiệm giám sát việc hướng dẫn phân bổ nguồn quỹ của các định chế tài chính, cải tiến các công cụ tài chính và các định chế tài chính, giám sát khả năng thanh toán và thanh khoản của các định chế tài chính. Các quy tắc
33
do CMN đề ra thường được gọi là “Nghị quyết” và phải tuân theo bởi tất cả các cơ quan của hệ thống tài chính bao gồm Ngân hàng Trung ương Brazil và Ủy ban chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Ngân hàng trung ương Brazil chịu trách nhiệm duy trì sức mua của đồng tiền quốc gia và giám sát sự ổn định của hệ thống tài chính. Nó còn là cơ quan chính thức để giám sát sự ổn định của hệ thống tài chính và có trách nhiệm cấp phép. Là cơ quan quản lý tiền tệ, Ngân hàng trung ương Brazil đóng vai trò là người cho vay cuối cùng. Cơ quan này cũng có thẩm quyền can thiệp khi cần thiết và trừ khử các định chế tài chính nếu sự tồn tại của nó là mối đe dọa đến sự an toàn và lành mạnh của hệ thống tài chính [2].
* Mô hình giám sát ngân hàng ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, để đảm bảo sự tương thích với thông lệ quốc tế là tách biệt giữa chức năng xây dựng và hoạch định chính sách tiền tệ (thuộc về ngân hàng trung ương) với chức năng thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, Ủy ban giám sát ngân hàng Trung Quốc (China’s Banking Regulatory Commission – CBRC) được tách khỏi Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa từ tháng 4 năm 2003.
Về tổ chức, CBRC được tổ chức theo hệ thống từ trung ương đến địa phương. Nhiệm vụ và trách nhiệm của CBRC bao gồm cấp phép ngân hàng mới, xây dựng quy định và quy tắc thận trọng, hàng loạt các quy định quyền hạn về giám sát tại chỗ và giám sát từ xa. CBRC cũng chịu trách nhiệm cho việc phát hiện rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng và thành lập hệ thống cảnh báo [10].
Như vậy, mô hình thực hiện hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng trên thế giới tương đối đa dạng. Tuy rằng cách thức tổ chức khác nhau, đều chung mục tiêu là bảo đảm sự ổn định và an toàn cho hoạt động của ngân hàng, các TCTD và tiền gửi của người dân. Tìm hiểu mô hình giám sát ở một số nước trên thế giới sẽ là cơ hội để ta đưa ra những phương hướng hoàn thiện cho tổ chức của mô hình giám sát ngân hàng ở Việt Nam.
34
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Tóm lại, thanh tra, giám sát là một khâu quan trọng không thể thiếu trong hoạt động quản lý của bất kì cơ quan quản lý nhà nước nào. Vì sự phát triển của ngành ngân hàng có ảnh hưởng trực tiếp tới mọi ngành kinh tế khác, nên thanh tra, giám sát ngân hàng càng cần thiết hơn cả. Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng là hoạt động của cơ quan nhà nước, thông qua những quy định pháp luật về ngân hàng, xem xét, đánh giá việc tuân thủ pháp luật, mức độ an toàn, khả năng rủi ro của các TCTD, đưa ra những khuyến nghị hoặc yêu cầu phải thực hiện để đảm bảo an toàn cho hoạt động của các TCTD nói riêng, nền tài chính nói chung. Hiện nay trên thế giới tồn tại ba mô hình thanh tra giám sát ngân hàng là: thanh tra ngân hàng trực thuộc Ngân hàng trung ương, thanh tra ngân hàng trực thuộc Bộ Tài chính, thanh tra Ngân hàng tồn tại như một định chế độc lập. Mỗi một quốc gia tùy vào điều kiện kinh tế xã hội riêng sẽ lựa chọn cho mình một mô hình phù hợp. Việt Nam đang trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nghiên cứu một cách đầy đủ những mô hình thanh tra giám sát cũng như nguyên tắc thanh tra giám sát trên thế giới sẽ là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện khung pháp luật về vấn đề này, đảm bảo hiệu quả trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.
35
Chương 2
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT THANH TRA, GIÁM SÁT NGÂN HÀNG VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG TẠI HÀ NỘI