Nhóm giải pháp hỗ trợ khác

Một phần của tài liệu Quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho y tế ở Việt Nam. (Trang 166 - 170)

7. Kết cấu của luận án

3.2.6.Nhóm giải pháp hỗ trợ khác

3.2.6.1. Tăng cường công khai, minh bạch trong chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho y tế

Một trong những nguyên tắc cơ bản của quản lý tài chính NSNN là công khai, minh bạch. Thực tế cho thấy minh bạch và kiểm soát tham nhũng có tác động tích cực tới hiệu quả y tế. Điều này có nghĩa rằng những giải pháp nâng cao

tính minh bạch giúp tăng hiệu quả trong quản lý chi NSNN và chi thường xuyên NSNN cho y tế.

Luật NSNN 2015 đã bổ sung các quy định về công khai, minh bạch ngân sách một cách rõ ràng về đối tượng công khai, nội dung công khai, thời gian và hình thức công khai. Song đến nay, một số chỉ tiêu trong tài liệu dự toán NSNN trình Quốc hội được công khai, số liệu về NSNN nói chung và chi thường xuyên NSNN cho y tế nói riêng trên trang website của Bộ Tài chính chưa thống nhất, thiếu thuyết minh rõ ràng về các căn cứ tính, do đó rất khó khăn cho các đại biểu Quốc hội, HĐND và người dân giám sát dự toán chi NSNN phân bổ cho y tế. Do đó, cần tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý tài chính ở các cấp chính quyền và đơn vị sử dụng ngân sách một cách thực chất. Công khai đúng nội dung, hình thức và thời gian quy định, đặc biệt không chỉ dừng lại ở công khai số liệu chi tiêu ngân sách mà cần kèm theo thuyết minh cụ thể liên quan đến các số liệu này.

Để có thể quản lý và ra các quyết định trong điều hành chi thường xuyên NSNN cho y tế thì các cơ quan quản lý phải có thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác. Vì vậy, chất lượng thông tin có tác tác động rất lớn đến chất lượng của các quyết định quản lý. Nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả của việc quản lý chi thường xuyên NSNN cho y tế, cần nâng cao chất lượng các thông tin về thực hiện ngân sách cho y tế. Các thông tin này nên được báo cáo cập nhật, định kỳ từ địa phương đến Trung ương với đầy đủ thông tin về các nguồn, nội dung số liệu thống nhất, chính xác, kịp thời. Định kỳ 06 tháng/lần, các đơn vị SDNS, các địa phương tổng hợp, báo cáo về tình hình thực hiện dự toán NSNN cho y tế lên cơ quan cấp trên và các thông tin được cập nhật, công khai trên các website của cơ quan y tế từ Trung ương xuống địa phương theo mẫu thống nhất chung từ Trung ương xuống địa phương.

Hoàn thiện “Hệ thống thông tin y tế” nhằm đảm bảo thông tin về y tế trong đó có thông tin tài chính cho y tế thống nhất, công khai, minh bạch, cụ thể: Ban hành danh mục chỉ số, chế độ và phần mềm báo cáo cho từng tuyến y tế; xây dựng hệ thống theo dõi các vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực y tế; thông tin đầy đủ về trang

thiết bị y tế, danh mục mua sắm, thông tin sản phẩm, giá đấu thầu,… Hệ thống thông tin ngành dọc phải được xây dựng minh bạch, cập nhật giữa Trung ương và địa phương, giữa các tuyến KCB với nhau và tổng hợp được đầy đủ, chi tiết số liệu liên quan hoạt động của ngành. Đặc biệt, hiện nay vấn đề quản lý dữ liệu liên quan tới trang thiết bị y tế trong toàn quốc cần được tổng hợp chung, công khai về giá đấu thầu. Đây là điều kiện thuận lợi cho quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động chi NSNN cho y tế, tăng cường hiệu quả quản lý chi NSNN cho y tế. Đồng thời, đây cũng là điều kiện nhằm chuẩn hoá, minh bạch hoá các thông tin về chi phí y tế, hạn chế các tác động không mong muốn trong tự chủ tài chính bệnh viện, hạn chế xu hướng thương mại hóa cung ứng dịch vụ, cung ứng dịch vụ vì lợi nhuận.

Xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch về trang thiết bị y tế, chuyên môn, làm cơ sở cho thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng DVYT và hiệu quả sử dụng nguồn NSNN.

3.2.6.2. Khuyến khích xã hội hoá để tăng nguồn lực đầu tư cho y tế

Ngân sách nhà nước có hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu CSSK của người dân một cách tốt nhất và đầy đủ nhất, huy động các nguồn lực xã hội hoá theo hợp tác công tư là một sự cần thiết. Huy động các nguồn lực xã hội hoá trong đầu tư y tế nhằm giảm gánh nặng của NSNN và phù hợp với xu thế gia tăng về chi phí y tế do sự thay đổi của bệnh tật và tốc độ phát triển y, khoa học hiện đại. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Bộ Y tế cần phối hợp, hoàn thiện cơ chế xã hội hoá trong y tế. Đây là hướng dẫn quan trọng nhằm tăng cường sự minh bạch trong hợp tác, liên kết trong y tế giữa khu vực công và khu vực tư.

3.2.6.3. Thay đổi chính sách tiền lương đối với cán bộ y tế

Thời gian đào tạo một bác sĩ tốt nghiệp ra trường có thể nói là dài nhất, trách nhiệm nghề nghiệp trong nghề y là rất lớn vì liên quan trực tiếp tới sức khoẻ con người. Tuy nhiên, thời gian qua, chính sách trả lương cho các bác sĩ, y tá trong khu vực công đặc biệt là ở YTCS chưa phù hợp để có thể “giữ chân” bác sĩ tâm huyết, toàn tâm, toàn ý với nghề. Trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện cải cách chế độ tiền lương của người lao động trong khu vực công nói chung và ngành y tế nói riêng nhằm đảm bảo đời sống của cán bộ y tế phù hợp với

tốc độ phát triển của đất nước. Mức lương khởi điểm, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề cho bác sỹ, điều dưỡng, cán bộ viên chức y tế cần được xác định và điều chỉnh hợp lý. Đây cũng là điều kiện giúp giảm bớt một phần tiêu cực của ngành y tế, nhằm tăng hiệu quả trong chi NSNN cho y tế và cho sự nghiệp y tế, cải thiện chất lượng CSSK người dân.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến YTCS đặc biệt vùng cao, vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng được các yêu cầu CSSK cho người dân trên địa bàn là sự thiếu hụt và phân bố không đồng đều nhân lực y tế giữa các vùng địa lý. Nguyên nhân là do chưa có chế độ ưu đãi đặc biệt, chưa cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt nhằm tạo sự an tâm và hài lòng với công việc cán bộ y tế vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế làm việc ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và làm việc trong các lĩnh vực nguy hiểm, độc hại nên được xây dựng theo cơ chế ưu tiên, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện làm việc.

3.2.6.4. Áp dụng công nghệ 4.0 trong quan lý y tế

Công nghệ 4.0 phát triển đã tạo ra sự thay đổi trong quản lý nói chung. Ứng dụng CNTT trong quản lý KCB giúp kiểm soát chi phí KCB (bệnh án điện tử, theo dõi chất lượng, số lượng, giá dịch vụ y tế, theo dõi số tiền thu thêm so với phác đồ điều trị chuẩn), thông tin về quản lý y tế giữa các bên liên quan như BHYT và các CSYT thuận tiện hơn. Thêm vào đó, thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, cung cấp thông tin về KCB, thanh toán BHYT, cải cách thủ tục hành chính giúp cho thông tin ngành dọc về y tế được thông suốt, nhanh gọn, chính xác và thuận lợi. Điều này tạo điều kiện cho các nhà quản lý y tế cũng như các cơ quan tài chính có đầy đủ thông tin để nhanh chóng đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời và hợp lý.

3.2.6.5. Tăng cường năng lực quản trị

Trong xu thế phát triển của kinh tế thị trường, các bệnh viện công lập đẩy mạnh mức độ tự chủ, xu hướng quản lý trong các bệnh viện cũng được chuyển đổi sang quản trị theo mô hình doanh nghiệp. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu khách quan thì bản thân bệnh viện công cần chủ động thay đổi phương thức quản lý, nâng cao

năng lực quản trị trong nội bộ đơn vị như phát triển trình độ và kỹ năng chuyên môn của cán bộ, chuyên gia của các cơ quan liên quan trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, đánh giá công nghệ y tế, quản lý giá, phương thức chi trả; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ tài chính trong tạo nguồn thu và sử dụng nguồn tài chính đúng quy định, có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho y tế ở Việt Nam. (Trang 166 - 170)