Mục đích của việc thực hiện chu trình pH là tạo ra một sự thay đổi liên tục về nồng độ các chất khoáng và pH của môi trường xung quanh men răng tổn thương, mô phỏng tương tự như với các điều kiện tự nhiên của quá trình sâu răng diễn ra trong môi trường miệng [112].
Răng người thường được lựa chọn trong nghiên cứu thực nghiệm vì những biểu hiện của nó sẽ gần giống trên lâm sàng nhất. Răng hàm lớn và răng hàm nhỏ thường là những loại răng được sử dụng nhiều nhất. Răng sữa ít được sử dụng hơn bởi kích thước bề mặt nhỏ khó cho thao tác thử nghiệm. Tuổi răng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chu trình khử khoáng, các răng vĩnh viễn mới mọc tổ chức men ngà răng xốp hơn nên dễ bị tổn thương hơn, răng sữa độ khoáng chất cũng thấp hơn răng vĩnh viễn nên dễ tổn thương hơn. Do đó, khi sử dụng răng sữa hay răng vĩnh viễn mới mọc thời gian để khử khoáng men răng phải ngắn hơn.
Các nghiên cứu về khử khoáng men răng thường ngâm răng vào môi trường khử khoáng để tạo các tổn thương trên men răng. Thời gian ngâm có thể kéo dài trong nhiều ngày đến khi tạo được tổn thương. Môi trường khử khoáng có thể được thay đổi hằng ngày hoặc không thay đổi tùy vào từng nghiên cứu. Sau đó, việc điều trị được thực hiện trước khi bước vào chu trình pH trong 7 đến 14 ngày.
Các mô hình của chu trình pH sử dụng axit lactic hoặc acetic là phương pháp phổ biến nhất. Mô hình vòng tròn pH thường được sử dụng nhất là của Featherstone (1986) cho men răng. Trong mô hình này, các chu kỳ động của khử và tái khoáng được mô phỏng bằng cách ngâm các mẫu men nghiên cứu
lần lượt trong các dung dịch đệm có tính khử khoáng và tái khoáng. Sau mỗi chu trình pH sẽ đánh giá về hiệu quả điều trị của một sản phẩm có thể hạn chế sự tiến triển sâu răng do hậu quả của quá trình tái khoáng và khử khoáng. Giai đoạn khử khoáng kéo dài trong khoảng 6h ngâm trong dung dịch đệm axit chứa 2 mM Ca (Ca(NO3)2), 2 mM PO4 (KH2PO4) và 75 mM axetat ở pH 4.3. Giai đoạn tái khoáng kéo dài trong khoảng 17h ngâm trong dung dịch có thành phần ion khoáng tương tự của nước bọt, dung dịch này có chứa canxi và phốt phát ở mức độ bão hòa (1,5 mM Ca và 0,9 mM PO4) tương đồng các đặc tính tái khoáng của nước bọt, 130-150 mM KCl (để cung cấp cường độ ion nền) và 100 mM tris hoặc 20 mM chất đệm cacodylat ở pH 7.0. Thời gian về sau một số tác giả đã thay đổi thời gian hủy khoáng có thể là 3h, 6h hoặc 17h mỗi ngày và thời gian tái khoáng 6h hoặc 17h mỗi ngày tùy vào mục đích nghiên cứu, nếu tập trung nhiều hơn vào quá trình tái khoáng, các mẫu sẽ ít thời gian hơn trong dung dịch khử khoáng và dung dịch này được điều chế với nồng độ axit và ion thấp hơn và độ pH cao hơn [112].