Laser được được bắt đầu ứng dụng nhiều vào trong y học từ những năm 1960, tuy nhiên cho đến những năm 1980 thì người ta mới quan tâm đến những ứng dụng của nó trong nha khoa. Vào những năm 1990 các nhà nghiên cứu quan sát dưới ánh sáng đỏ thấy có sự truyền các hạt Photon huỳnh quang
ở răng. Các nghiên cứu đã nhận thấy vi khuẩn trong các tổn thương sâu răng sản xuất ra các chất chuyển hóa trong quá trình phát triển, phần lớn trong số đó là các cấu trúc vòng, như porphyrins, cấu trúc này hấp thụ năng lượng ở một bước sóng nhất định (650 nm, phổ hồng ngoại) và giải phóng nó ở mức cao hơn (680 nm), do đó phát huỳnh quang. Sau đó Hibst và Gall đã nghiên cứu một cách hệ thống hiện tượng này và phát hiện ra rằng, khi truyền Laser có bước sóng 655nm qua một cái lọc thì sẽ thu được một tín hiệu huỳnh quang có bước sóng lớn hơn [50], [51]. Từ nghiên cứu này hãng KAVO
(Đức) đã cho ra một thiết bị chẩn đoán là Diagnodent (DD), thiết bị sử dụng huỳnh quang để phát hiện sự hiện diện của sâu răng dựa trên sự chênh lệch huỳnh quang giữa men lành mạnh và men khử khoáng. Thiết bị này vẫn liên tục cải tiến và cho ra nhiều thế hệ máy mới có tính năng ưu việt hơn như Diagnodent pen 2190 [57]. Theo Lussi và cộng sự (2004), DD sẽ phát ra một tia sáng có bước sóng 650 nm vào khu vực quan tâm trên mặt răng thông qua một đầu laser diode, đồng thời có một sợi quang thu ánh sáng huỳnh quang phản chiếu và truyền nó tới photo diode, cấu trúc răng khỏe mạnh phản chiếu giá trị huỳnh quang tối thiểu trong khi cấu trúc răng mất khoáng thể hiện mức độ huỳnh quang cao hơn theo tỷ lệ với mức độ sâu răng [58].
Khác với QLF, Diagnodent không tạo ra hình ảnh của răng, thay vào đó sẽ hiển thị một số giá trị trên màn hình tương quan với cường độ huỳnh quang thu được và do đó đưa ra mức độ sâu răng. Cụ thể:
- 0-13 không có sâu răng hoặc khởi đầu tổn thương ở men. - 14-20 sâu men.
- 21-29 sâu men sâu.
- 30-99 tổn thương đến ngà, rộng và sâu [59]
Trong các phương tiện chẩn đoán mới trên Laser huỳnh quang là một phương tiện có hiệu quả cao, đơn giản, dễ sử dụng và thích hợp với trẻ em và đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên lâm sàng và thực nghiệm. Lussi đã nghiên cứu so sánh khám bằng mắt thường, Xquang và Diagnodent, kết quả Diagnodent có độ nhạy 0,92, lâm sàng là 0,31 và Xquang là 0,63 (p< 0.01) [60]. Diagnodent là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho việc khám bằng mắt thường để phát hiện các tổn thương men trong giai đoạn đầu [57], [61], [62].
Diagnodent ngoài việc phát hiện tổn thương còn có khả năng lượng hoá mức độ huỷ khoảng để theo dõi kết quả điều trị. Kết quả đọc của Diagnodent bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: vết sắc tố bám trên bề mặt răng, mảng bám răng, cao răng…
Hình 1.7: Thiết bị Diagnodent 2190.