Môi trường cạnh tranh của ngành thép Việt Nam

Một phần của tài liệu 155 ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH cơ bản cổ PHIẾU NGÀNH THÉP NIÊM yết TRÊN sở GDCK TP hồ CHÍ MINH (Trang 70 - 73)

Trong năm 2020, ngành thép được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều điều kiện để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng sẽ đặt ngành thép Việt Nam trước khó khăn không nhỏ; nhất là nguy cơ đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại, cùng các vấn đề phát sinh, trong khi tình trạng mất cân đối cung - cầu trong nước vẫn chưa được cải thiện.

Tăng trưởng chậm, xuất khẩu khó

Tiếp nối những biến động từ năm 2018, thị trường ngành thép trong năm 2019 vẫn chưa thoát ra khỏi giai đoạn bất ổn do giá thép nguyên liệu vẫn biến động khó lường, xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn do căng thẳng thương mại và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ; thị trường trong nước bị cạnh tranh khốc liệt do thị trường bất động sản và xây dựng hạ nhiệt. Vì vậy, sản lượng và tiêu thụ thép thành phẩm trong năm 2019 tuy có tăng nhưng tốc độ giảm nhiều so năm trước. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2019, sản xuất và tiêu thụ thép của các doanh nghiệp (DN) thành viên tương đối ổn định về giá và thị trường các sản phẩm, trong đó sản xuất đạt hơn 25,2 triệu tấn, tiêu thụ hơn 23,1 triệu tấn. Tuy nhiên, năm 2019, tăng trưởng về sản phẩm và tiêu thụ lần lượt chỉ 4,4% và 6,4% so năm 2018, thấp hơn nhiều so mức tăng trưởng hai con số là 14,9% và 20,9% vào năm 2018. Nhiều chuyên gia ngành thép nhận định, năm nay dù vẫn có dư địa để phát triển, nhưng ngành thép được dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 6 đến 8% khi thị trường bất động sản, xây dựng trong nước chưa có tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng của Việt Nam trong thời gian tới như đường cao tốc, đường sắt bắc - nam, các tuyến đường trên cao nội đô, hệ thống tàu điện ngầm,…vẫn chưa bước vào triển khai thi công đồng loạt.

Bên cạnh mức tăng trưởng chậm, tình hình xuất khẩu sắt thép cũng được dự báo gặp không ít khó khăn do thị trường xuất khẩu đang dần bị thu hẹp, áp lực cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt ngay ở khu vực Đông - Nam Á khi các nhà máy thép trên thế giới đang dần đổi thị trường xuất khẩu. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu sắt thép năm 2019 đạt hơn 6,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,2 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng, nhưng giảm 7,4% về kim ngạch và 13,2% về giá so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là khu vực ASEAN với 63%, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Chính vì vậy, để giữ được mức tiêu thụ xuất khẩu, các DN ngành thép phải chấp nhận câu chuyện giảm bớt biên lợi nhuận khi mức giá sắt thép trung bình chỉ đạt 630,3 USD/tấn. Đó cũng chính là lý do dù số lượng xuất khẩu thép tăng nhưng doanh thu lại sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, giá thép giảm ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các DN sản xuất thép, nên nhiều công ty chấp nhận giảm sâu tỷ suất lợi nhuận hoặc chịu thua lỗ và buộc phải cắt giảm sản lượng, dẫn đến mất thị phần. Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, dự báo năm 2020, sản lượng thép khó có thể phục hồi mạnh mẽ, ước tính tăng trưởng tiêu thụ của ngành tiếp tục ở mức thấp (5 đến 7%) trong năm 2020 do sự trì trệ ở thị trường bất động sản cùng với đầu tư công chậm. Tuy nhiên, việc gia tăng giải ngân nguồn vốn FDI có thể là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ thép.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Ngành thép hiện tồn đọng nhiều vấn đề bất cập, trước hết là độ chênh lệch giữa cung và cầu khi tiêu thụ nội địa chỉ đạt 9 đến 10 triệu tấn/năm so với tổng năng lực sản xuất đạt khoảng 30 triệu tấn/ năm. Bên cạnh đó, thách thức từ cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt khi các nước liên tiếp sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước,… Vì vậy, năm 2020

dự báo sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành thép do xu hướng bảo hộ trên thế giới vẫn gia tăng, nhu cầu thép trong nước chưa có dấu hiệu tích cực. Hơn nữa, giá một số loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư đầu vào,… thời gian qua ở mức cao, tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN làm giá đầu ra bị hạn chế vì nguồn cung dư thừa. Những yếu tố này làm gia tăng áp lực đến hiệu quả kinh doanh của các DN, nhất là các DN thuần sản xuất phôi thép, thép cán, tôn mạ.

Theo Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa, ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2020, xuất phát từ một số nguyên nhân như dư thừa công suất ngày càng lớn ngay trong nội địa; ảnh hưởng của thương mại quốc tế cùng chính sách bảo hộ tiếp tục gia tăng không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn mở rộng thêm ở nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, xu hướng gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này tại các nước trong khu vực Đông - Nam Á dẫn tới khối lượng sản xuất thép trong khu vực tiếp tục gia tăng,… Chính những yếu tố này sẽ khiến thị trường của ngành thép Việt Nam ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ thép vẫn sẽ có bước tăng trưởng trong năm nay bởi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ. Đây chính là cơ sở cho các DN sản xuất thép của Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, với các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ, nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ lựa chọn Việt Nam là nơi đặt các trung tâm, nhà máy sản xuất, góp phần thúc đẩy thị trường thép phát triển. Tuy nhiên, các DN cần tránh việc đầu tư quá nhiều vào các mặt hàng tôn, thép xây dựng thông thường khiến cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn.

Dự báo, năm 2020, giá thép xây dựng không có dấu hiệu cải thiện tăng, thậm chí duy trì ở mức thấp do dư thừa nguồn cung quá lớn mà cầu chưa tăng. Vì vậy, để có thể bảo đảm tăng trưởng và giữ vững thị phần trong nước, các DN sản xuất thép cần phải cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh thông qua

việc tiết kiệm chi phí, cải tiến năng lực quản trị DN để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách đa dạng thị trường xuất khẩu để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, hạn chế thiệt hại. Mặt khác, để hạn chế rủi ro, các DN cần chú ý đến những diễn biến thị trường làm tốt công tác dự báo để có những chính sách bán hàng phù hợp nhằm ứng phó linh hoạt với những diễn biến khó lường của thị trường trong nước cũng như thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường bảo vệ sản xuất trong nước bằng các công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả. Cần có các biện pháp mạnh tay với tình trạng gian lận, làm giả, nhái thương hiệu... để bảo vệ quyền lợi, công bằng cho các DN chân chính.

Một phần của tài liệu 155 ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH cơ bản cổ PHIẾU NGÀNH THÉP NIÊM yết TRÊN sở GDCK TP hồ CHÍ MINH (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(112 trang)
w