Năm trăm Tỷ kheo, do tôn giả Sàriputta và Moggallàna hướng dẫn, đến yết kiến Thế Tôn, gây nhiều tiếng động ồn ào nên bị Thế Tôn quở trách, xua đi. Các Thích tử ở Catumà và Phạm Thiên Sahampati (Chủ Ta Bà) bạch xin Thế Tôn hoan hỷ cho phép các Tỷ kheo yết kiến để được lợi ích.
Các Thích tử và Sahampati nêu lên ví dụ các hạt giống cây và con nghé: Ví như các hạt giống cây không được nước thì sẽ hư, đổi khác, cũng thế, các vị tân Tỷ kheo sẽ đổi khác nếu không được yết kiến Thế Tôn. Ví như con nghé nếu ở xa bò mẹ nó sẽ đổi khác, cũng thế, các tân Tỷ kheo nếu xa rời Thế Tôn sẽ đổi khác.
Đức Thế Tôn nêu lên ví dụ sóng, cá sấu, nước xoáy và cá dữ để ví với các tập quán mới của đời sống xuất gia: các vị tân Tỷ kheo sẽ khó thích ứng với tập quán mới nghiêm khắc, gò bó, tợ như người đời lội nước sợ sóng, cá sấu, nước xoáy và cá dữ.
Thế Tôn xua đuổi chúng tân Tỷ kheo, nhưng dạy tôn giả về trách nhiệm hướng dẫn họ, không bỏ rơi dù họ đang tháo động. Ngài nêu ra cùng một câu hỏi cho tôn giả Sàriputta và Moggallàna rằng: “Ông nghĩ gì khi chúng Tỷ kheo bị Ta đuổi?”
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp: Thế Tôn đỡ bận rộn, an trú hiện tại lạc. Tôn giả cũng thế.
Tôn giả Mục-kiền-liên thì đáp: Thế Tôn đỡ bận rộn và được an trú hiện tại lạc, còn hai tôn giả thì phải lãnh đạo, hướng dẫn họ.
III. BÀN THÊM
Bản kinh 67 để lại bài học chính cho những vị hướng dẫn chúng Tỷ kheo và các Tỷ kheo:
Bài học cho các tân Tỷ kheo:
Cần thúc liễm các hành động của thân, khẩu, ý sẵn sàng cho một đời sống phạm hạnh, xuất gia.
Giữ gìn oai nghi, tế hạnh. (trừ tháo động).
Ăn uống đúng thời, có tiết độ (trừ tham ăn, uống).
Từ bỏ ngũ dục lạc (trừ tham dục sắc, thinh, hương, vị, xúc ở đời). Từ bỏ tâm ham muốn dục tình.
Bài học cho cấp hướng dẫn, lãnh đạo: Nêu cao tinh thần trách nhiệm của vai trò lãnh đạo, giáo dục:
Thế Tôn quở trách các tân Tỷ kheo thô động là vì tinh thần trách nhiệm của bậc đạo sư: nhắc nhở, thức tỉnh các tân Tỷ kheo cần thúc liễm thân, tâm. Thế Tôn nhắc nhở tôn giả Sàriputta và Moggallàna theo dõi, giảng dạy, hướng dẫn các tân Tỷ kheo, không bỏ rơi họ dù họ bị Thế Tôn xua đuổi.
Giáo hội Tăng già dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn có rất nhiều đại tôn giả có đầy đủ tâm và tuệ giải thoát, có đến hơn hai ngàn vị đắc quả A-la-hán, nhưng Thế Tôn xác định chỉ có Thế Tôn có thể lãnh đạo chúng Tỷ kheo. Ngoài Thế Tôn, thì chỉ có duy nhất tôn giả Sàriputta và Moggallàna mới có thể lãnh đạo chúng Tỷ kheo. Tại đây, vai trò lãnh đạo có ý nghĩa rất đặc biệt: không phải chỉ có đầy tinh thần trách nhiệm và sự nhẫn nại kiên cố là có thể lãnh đạo, mà là phải có đầy đủ khả năng để thấy rõ “Con đường”, thấy rõ các vướng mắc tâm lý của nhiều hàng căn cơ và thấy rõ, chỉ rõ con đường đoạn tận lậu hoặc thích hợp với từng căn cơ. Tại đây có một điểm cần được tế nhị hiểu rằng: khả năng có thể lãnh đạo chúng Tăng là khả năng thể nhập Pháp, nhuần nhuyễn ngộ nhập Pháp tối thượng, mà không bao giờ vị có khả năng lãnh đạo lại tự cho mình là người lãnh đạo chúng Tăng, như trong kinh Niết bàn, Trường Bộ II, Thế Tôn dạy tôn giả A-nan rằng: “Như Lai không nghĩ rằng: ‘Như Lai lãnh đạo chúng Tăng’.”
---o0o---
Bài Kinh số 68 : Kinh Nalakapàna (Nalakapànasuttam)
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
(Các từ ngữ quen thuộc)