1. Tại Linh Thứu Sơn, du sĩ Dìghanakha (hay Aggivessana) có quan điểm rằng: “Tất cả đều không làm cho tôi thích thú”. Đức Thế Tôn dạy ở đời có thể có nhiều quan điểm chủ trương khác, như:
“Tất cả đều làm cho tôi thích thú”.
“Tất cả một nửa làm cho tôi thích thú, một nửa làm tôi không thích thú”. Quan điểm của Dìghanakha thì gần với không tham dục.
Quan điểm thứ ba thì một nửa gần với tham dục, một nửa gần với không tham dục.
Nếu chấp thủ quan điểm của mình cho rằng chỉ như thế này là đúng, ngoài ra là hư vọng, thì ba quan điểm trên sẽ chống trái nhau phát sinh tranh luận, tranh cãi, bực mình.
Một người vì tránh tranh cãi, bực mình sẽ không chấp nhận các tri kiến trên và không chấp thủ tri kiến khác. Do vậy, người nầy đoạn trừ chấp thủ các tri kiến.
Thế Tôn dạy thêm: Các thọ (khổ; lạc; bất khổ, bất lạc) đều vô thường, đoạn diệt, hủy hoại. Do thấy vậy, vị Tỷ kheo yểm ly, ly tham các thọ. Do ly tham, vị Tỷ kheo được giải thoát, và tri kiến giải thoát đắc A-la-hán).
Với tâm giải thoát, vị Tỷ kheo “Không nói thuận theo một ai, không tranh luận với một ai, chỉ nói theo từ ngữ đã được dùng ở đời, không có chấp thủ” (từ ngữ ấy).
Bấy giờ tôn giả Sàriputta đang đứng hầu quạt sau lưng Thế Tôn nghe tất cả lời dạy của Thế Tôn và bừng hiểu rằng nhờ thắng trí mà mỗi người có thể từ bỏ chấp thủ các tri kiến, giải thoát tâm khỏi các lậu hoặc.
Du sĩ Dìghanakha, bậc trí giả, thì đắc Pháp nhãn thanh tịnh ...(Tu-đà- hoàn).
III. BÀN THÊM
1. Bản kinh 74 gợi lên một số điểm đặc biệt:
Tôn giả Sàriputta đắc A-la-hán từ thời kinh này lúc tôn giả đang hầu quạt sau lưng đức Thế Tôn. Đây là thời điểm vào năm thứ hai sau ngày đức Thế Tôn giác ngộ. Đối chiếu với thời điểm giác ngộ của tôn giả Mục-kiền-liên (Trưởng lão Tăng kệ và vài kinh khác) thì vốn tôn giả Mục-kiềnliên đắc A-la-hán trước thời điểm này chừng một, hai tuần lễ, đang chờ đợi thời điểm chứng ngộ của tôn giả Xá-lợiphất để cùng ra mắt Thế Tôn. Tôn giả Mục-kiền-liên thì giác ngộ qua thiền định và dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Thế Tôn. Tôn giả Xá-lợi-phất giác ngộ đoạn trừ lậu hoặc trong tư thế rất thanh thản, nhẹ nhàng nhưng lại đắc được trí tuệ thể nhập pháp giới rất sâu. Giữa hai đại tôn giả, đệ nhất trí tuệ và đệ nhất thần thông này, một vị thì tu dễ chứng dễ, một vị thì tu khó và chứng khó, tiêu biểu cho hai dòng tu chứng khác nhau trong các căn cơ Tuệ, Định khác nhau của hàng đệ tử Thế Tôn.
Có một sự kiện được hiểu như truyền thống của Phật giáo thời đức Thế Tôn tại thế là (hiểu như nghĩa “Pháp nhĩ như thị”): hàng Phật tử tại gia phạm hạnh chỉ chứng đắc quả vị cao nhất là Hữu học, A-na-hàm; hàng Phật tử tại gia hưởng thụ đời sống gia đình và phụng sự Thánh giáo thì thường chỉ đắc quả Nhập lưu. Nếu muốn đắc A-la-hán tận trừ lậu hoặc thì phải xuất gia làm Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni.
Dù vậy, kinh vẫn kiết tập có một số trường hợp đặc biệt hay ngoại lệ, một số nam nữ đắc A-la-hán khi còn mang thân tướng tại gia như trường hợp bà Khemà (vợ vua Ba Tư Nặc), sau đó liền xuất gia; trường hợp vua Tịnh Phạn đắc A-la-hán trên giường bệnh, ngay trước khi xả báo thân...
Có một định nghĩa rất đặc biệt về quả Tu-đà-hoàn từ kinh 74 nầy: thường thì ghi là “Pháp nhãn vô trần, ly cấu...” Kinh 74 thì định nghĩa rằng: “thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người khác đối với đạo pháp của Đức Bổn Sư”.
Từ Trung bộ kinh, kinh số 1 đến kinh 74, chỉ có hai kinh (Kinh 64 và 74) đề cập đến bốn pháp ấn (khổ, không, vô thường, vô ngã) thay vì ba pháp ấn như các bản kinh Nikàya khác thường đề cập (khổ, vô thường, vô ngã).
Kinh 74 dạy các cảm thọ (bao gồm lạc thọ) là hữu vi, vô thường, đoạn diệt... vị Tỷ kheo cần yểm ly, ly tham chúng để đi vào giải thoát và tri kiến giải thoát. Do vậy lạc giải thoát, lạc của an trú Diệt thọ tưởng định không phải là lạc thọ (thuộc thọ uẩn). Tất cả lạc thọ thì thuộc Lạc; nhưng không phải tất cả lạc đều là lạc thọ: đây là điểm cần được phân biệt rõ.
---o0o---
Trung Bộ Kinh
Bài Kinh số 75 : Kinh Màgandiya (Màgandiyasuttam)
- Discourse To Màgandiya - I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
(Từ ngữ quen thuộc)