Nguyên nhân của các tồn tại

Một phần của tài liệu BÁO CÁO ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM ĐẦU CỦA ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH HUYỆN MANG YANG, TỈNH GIA LAI (Trang 77 - 80)

4.2.3.1.Quy định của pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa đồng bộ

- Trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, căn cứ để quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn dựa trên nhiều loại quy hoạch khác; song các quy hoạch này chưa kết nối với nhau, quy hoạch của các ngành thường vượt ra ngoài khung của quy hoạch sử dụng đất (Luật Đất đai quy định việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. Nhiều địa phương đã sử dụng quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong khi các quy hoạch này nhiều khi có sự sai khác so với

quy hoạch sử dụng đất (do khác nhau về cơ quan chịu trách nhiệm lập quy hoạch, khác nhau về thẩm quyền xét duyệt quy hoạch...), từ đó dẫn đến tình trạng quy hoạch sử dụng đất bị phá vỡ, bị vô hiệu hóa).

- Luật Đất đai đã có quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng còn thiếu nh ng chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm.

- Quy định về thời điểm triển khai lập quy hoạch, kế hoạch chưa phù hợp với thời điểm công bố chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, trong khi nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất lại căn cứ vào chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã dẫn đến tình trạng không có cơ sở pháp lý khi triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Quy định thời hạn hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong năm cuối của kỳ quy hoạch trước đó đối với cả ba cấp gây khó khăn, áp lực cho các địa phương về nhân lực, vật lực, thời gian, tiến độ để thực hiện.

4.2.3.2.Năng lực cán bộ làm công tác lập quy hoạch còn yếu kém, đầu tư cho việc lập quy hoạch chưa được quan tâm

Nhìn chung, nguồn nhân lực để thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực, kinh nghiệm. Một số cán bộ làm công tác tư vấn tư duy còn mang nặng tính địa phương, thiếu sáng tạo, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo ý chí chủ quan và thường đi theo một lối mòn khi đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, sử dụng đất và xây dựng phương án quy hoạch, đó là

dựa trên cơ sở các tài liệu, số liệu thu thập được để đánh giá tính thích nghi của đất đai rồi đưa ra rất nhiều các chỉ tiêu, con số thống kê mà không chỉ ra ra được xu hướng sử dụng đất chính tại địa phương trong giai đoạn tới (Nguyễn Ninh Hải, 2010). Bên cạnh đó, hệ thống lý luận, tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ sở khoa học còn chưa được hoàn chỉnh, chưa tạo nền tảng vững chắc trong quá trình thực hiện - Các điều kiện về vật chất cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo, địa phương chưa bố trí thoả đáng kinh phí, hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính tạo điều kiện triển khai nhanh và có chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

4.2.3.3.Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu

- Việc quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch chưa thật sự trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan, tổ chức và chưa trở thành ý thức của người quản lý, chưa gắn với trách nhiệm của từng cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đất đai. Tình trạng dân lấn chiếm, tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép chưa được chấn chỉnh một cách triệt để. Nhiều khu vực quy hoạch đã công bố sẽ thu hồi đất và đã quá thời hạn 03 năm kể từ ngày công bố

nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tiến hành điều chỉnh hoặc huỷ bỏ quy hoạch.

- Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực sự nghiêm túc, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng đất theo các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt. Công tác giám sát mới chỉ chủ yếu thông qua báo cáo của các cơ quan chuyên môn, thiếu tính thực tiễn; các phương tiện kỹ thuật, công cụ phục vụ cho công tác giám sát còn lạc hậu,... Việc ứng dụng công nghệ cao trong việc giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp nhằm đảm bảo tính khách quan chưa làm được.

- Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong sự đổi mới nền kinh tế của huyện nói riêng và toàn khu vực nói chung nên trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng có những phát sinh, dẫn đến một số chỉ tiêu sử dụng đất thực hiện vượt hoặc chưa đạt so với chỉ tiêu được duyệt. Đồng thời cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau đã làm cho một số chỉ tiêu có kết quả thực hiện đạt thấp so với chỉ tiêu theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt. Ngoài ra việc biến động các chỉ tiêu sử dụng đất trong quá trình thực hiện so với các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch được duyệt còn do một số yếu tố khác - Chính sách đất đai và cơ chế đầu tư có sự thay đổi, nhưng văn bản hướng dẫn và sự phối hợp của các ngành trong việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ. Giá đất biến động cao ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thực thi các dự án (đặc biệt ảnh hưởng đến công tác đền bù, hỗ trợ để thu hồi đất xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật).

- Sự phối hợp giữa các ban, ngành và các địa phương trong công tác lập và thực hiện kế hoạch sử dụng đất nhìn chung chưa tốt. Phần lớn các ngành còn lúng túng trong việc gắn kết giữa kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển các ngành, quy hoạch xây dựng đô thị và khu dân cư nông thôn.

- Thiếu các giải pháp có tính khả thi để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có hai khâu quan trọng là không cân đối đủ nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng và sự bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất dẫn đến các công trình, dự án thường kéo dài tiến độ thực hiện. Tình trạng dự án sau khi giải phóng mặt bằng còn bỏ hoang hóa trong khi người dân thiếu đất sản xuất.

- Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt ở các cấp chưa được thường xuyên và chặt chẽ. Những bất cập trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

- Việc đăng ký nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân và các cấp còn chủ quan, không có dự án tiền khả thi nên nhiều dự án đã phê duyệt nhưng không có khả năng thực hiện.

- Công tác quy hoạch sử dụng đất nói chung và kế hoạch sử dụng đất nói riêng chưa tính hết khả năng về tài chính bởi phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng đầu tư của xã hội và Nhà nước… (hiện nay đang thực hiện những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cắt giảm ngân sách các dự án thông thường chỉ tập trung bố trí vốn cho một số dự án công trình cấp bách của xã hội) dẫn đến một số dự án, công trình không triển khai thực hiện được.

- Do tình hình phát triển kinh tế - xã hội những năm vừa qua có nhiều chuyển biến, tác động mạnh đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương muốn nhanh chóng nắm bắt thời cơ và vận hội mới, nên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã có những bước đi mang tính đột phá, một số chỉ tiêu dự báo trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đưa ra khá cao nhưng khi thực hiện đạt thấp.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM ĐẦU CỦA ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH HUYỆN MANG YANG, TỈNH GIA LAI (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w