Thực trạng phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn

Một phần của tài liệu BÁO CÁO ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM ĐẦU CỦA ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH HUYỆN MANG YANG, TỈNH GIA LAI (Trang 39 - 40)

2.2.2.1.Thực trạng phát triển đô thị:

Hiện nay, huyện Mang Yang có 01 đô thị là thị trấn Kon Dơng được công nhận là đô thị loại V25. Tổng diện tích (theo địa giới hành chính) của đô thị này là 1.688,17 ha, chiếm 1,49% tổng diện tích tự nhiên của Huyện.

Về kết cấu hạ tầng, thị trấn đã được đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông, lắp đặt hệ thống cống thoát nước, đèn chiếu sáng công cộng, đèn trang trí, xây dựng công viên,… Các tuyến đường trong thị trấn đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp làm cho mạng lưới giao thông nội thị liền mạch, thuận tiện cho nhu cầu đi lại của người dân. Các trục đường chính và trục đường trong đô thị được lắp đặt hệ thống chiếu sáng đạt 3,5 km/km2; đầu tư xây dựng trạm phân phối nước sạch với công suất 2.500 m3/ngày đêm; xây dựng 13 km mương thoát nước đô thị. Ngoài ra, thị trấn đã được đầu tư xây dựng 2 công viên xanh, các tuyến đường phố cũng được trồng cây xanh tương đối nhiều và hợp lý. Do đó, cảnh quan môi trường luôn đảm bảo xanh-sạch-đẹp.

Về nhà ở trong khu vực thị trấn còn tồn tại nhiều loại kiến trúc khác nhau, nhưng phần lớn là loại nhà cấp III, IV; nhà ở mặt phố thường xây dựng từ 1-2 tầng và gắn với cửa hàng. Nhìn chung, tỷ lệ nhà cao tầng còn thấp. Khu vực nhà dân tự xây còn chắp vá, hệ thống cơ sở hạ tầng cây xanh, vệ sinh môi trường các khu dịch vụ, vui chơi giải trí còn thiếu so với nhu cầu của nhân dân, việc triển khai quy hoạch chưa được đồng bộ, dẫn đến bộ mặt kiến trúc đô thị thiếu khang trang.

Bên cạnh đó, đô thị huyện Mang Yang cũng đang đối mặt với một số hạn chế: Nhà ở chủ yếu là mô hình nhà ống dọc theo các tuyến đường; Tốc độ phát triển đô thị chậm hơn nhiều so với quy hoạch chung đến năm 2020; Dân cư đô thị vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm; Thị trấn thiếu điểm nhấn đô thị, trục chính đô thị; Thiếu nhiều các hạng mục công trình công cộng cấp huyện; Đầu tư dàn trải, manh mún, chưa đạt hiệu quả do khó khăn về nguồn lực đầu tư. Chưa có chương trình phát triển đô thị theo quy hoạch chung được duyệt.

2.2.2.2.Khu dân cư nông thôn:

Do điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác có những đặc điểm riêng nên các điểm dân cư nông thôn Mang Yang cũng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau gồm:

- Hình thức điểm dân cư tập trung theo tuyến: chủ yếu là những điểm dân cư phát triển như các trung tâm xã, dọc các tuyến đường chính như tỉnh lộ 666 và các tuyến đường liên huyện,liên xã.

- Ngoài các điểm dân cư tập trung và dân cư phát triển theo tuyến, các điểm dân cư nông thôn còn lại phổ biến dưới dạng phân tán từ vài nóc nhà đến vài chục nóc nhà. Nhiều người dân địa phương còn có tập quán làm nhà ở trên đồi cao hoặc ở tận các khu vực hẻo lánh nhưng gần với nơi có thể tìm được đất sản xuất. Hình thái và sự phân bố các khu dân cư vì thế rất đa dạng khó xác định được ranh giới khu dân cư.

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các chương trình và dự án thiết thực như chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn về đất đai, nhà ở..., các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi công cộng... đã góp phần ổn định dân cư, hạn chế được tình trạng du canh du cư, di dân tự do, bước đầu làm thay đổi dần bộ mặt nông thôn của huyện. Huyện cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn, ưu tiên chương trình nhựa hóa, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi và kênh mương nội đồng theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, đảm bảo có đường nhựa đến các thôn, làng, khu dân cư nông thôn. Xây dựng mới đi đôi với việc duy tu sửa chữa hệ thống giao thông đã được xây dựng trong các năm qua. Hạ tầng phúc lợi xã hội đã được xây dựng như trường học, trạm xá, điện chiếu sáng công cộng được đầu tư đúng mức.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Đất ở xen lẫn với đất nông nghiệp và không có ranh giới rõ ràng giữa đất khu dân cư nông thôn với đất sản xuất nông nghiệp nên gây hạn chế trong việc khoanh định, quy hoạch khu dân cư nông thôn, làm cơ sở đầu tư tập trung công trình hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi xã hội, nâng cao mức sống người dân.

- Do hầu hết cư dân sống ven trục giao thông chính, nhất là ven trục tỉnh lộ, huyện lộ và các tuyến đường liên xã gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng bụi, khí thải do hoạt động giao thông gây ra;

- Một số hộ dân sống rải rác trong nội đồng, nên việc đi lại, cấp nước sinh hoạt, sử dụng điện còn hạn chế, còn sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong nội đồng; gây ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư để nâng cao mức sống của người dântrong hiện tại và cả tương lai.

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phúc lợi xã hội và công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng chưa cao và thiếu tính bền vững, đòi hỏi cần có sự đầu tư khá lớn, nhu cầu tăng thêm đất đai nhằm thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống người dân, giảm sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn trong giai đoạn tới.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM ĐẦU CỦA ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH HUYỆN MANG YANG, TỈNH GIA LAI (Trang 39 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w