4.2.1.1 Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã thực sự trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai.
Công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực cho việc sử dụng đất hợp lý và hiệu quả. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để Nhà nước thực hiện quyền định đoạt của mình về đất đai (thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều tiết thị trường đất đai). Thông qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhận thức về vị trí, vai trò và ý thức chấp hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp chính quyền và người sử dụng đất được nâng lên; công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ, trình tự, nội dung mà pháp luật đất đai quy định; việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã cơ bản bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; từng bước khắc phục được tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng.
Trong 5 năm qua, nhìn chung các dự án đầu tư đã được tỉnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện hoặc phù hợp với quy hoạch của các Sở, ban, ngành tỉnh Gia Lai đã được phê duyệt và hầu hết đều đảm bảo tiến độ, sử dụng đất có hiệu quả.
4.2.1.2 Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo sự chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phân bổ nguồn lực đất đai cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Thông qua quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sử dụng đất được chuyển đổi phù hợp với quá trình
chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch kinh tế lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt đã tạo điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nông nghiệp, nông thôn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực phát triển, thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị, từng bước đáp ứng được nhu cầu của giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chủ động dành quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch và dân cư. Góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, ổn định tình hình xã hội.
4.2.1.3 Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực, thực phẩm; nâng cao độ che phủ của rừng; cải tạo và bảo vệ đất, giảm suy thoái đất; bảo tồn sự đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc đảm bảo giữ diện tích đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Việc quản lý và bảo vệ đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa được thực hiện tốt, huyện đã quy hoạch các khu sản xuất lúa tập trung, xác định ranh giới đất lúa cần phải bảo vệ nghiêm ngặt để đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa nên kết quả thực hiện bảo vệ đất trồng lúa đạt cao hơn so với kế hoạch được phê duyệt. Việc giao đất, giao rừng đã ngăn chặn được tình trạng suy thoái rừng nghiêm trọng. Diện tích đất chưa sử dụng của cả nước từng bước được khai thác đưa vào sử dụng một cách hợp lý, vừa đảm bảo yêu cầu cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; vừa đáp ứng khả năng mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa..
4.2.2. Những mặt còn tồn tại
Qua phân tích kết quả thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho thấy kết quả thực hiện một số chỉ tiêu còn chưa sát với quy hoạch được duyệt. Chỉ tiêu sử dụng đất chưa sát chủ yếu do khủng hoảng kinh tế kéo dài, đầu tư công hạn chế, các doanh nghiệp khó khăn không mở rộng sản xuất…dẫn đến việc hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất. Đặc biệt trong giai đoạn này Huyện cũng tăng cường mạnh công tác quản lý đất đai như quy hoạch, đo đạc địa chính chính quy hiện đại, thống kê, kiểm kê đất đai nên việc sử dụng đất cũng đem lại hiệu quả và tiết kiệm hơn. Cụ thể tập trung các nội dung sau:
4.2.2.1.Quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với quy hoạch của các ngành, đảm bảo tính liên vùng và chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường:
Chúng ta biết rằng, về mặt lý luận quy hoạch là khoa học dự báo, vì thế QH, KHSDĐ phải dựa vào định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của các cấp và quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, đồng thời phù hợp với đặc điểm riêng của các địa phương trong từng giai đoạn nhất định. Tuy nhiên sự phối hợp này trong thực tế chưa đồng bộ. Cụ thể:
- QH, KHSDĐ thường được triển khai chậm hơn rất nhiều so với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội liên quan đến sử dụng đất trong kỳ chưa được cụ thể hóa bằng quy hoạch chuyên ngành, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.
- Hầu hết các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan đến sử dụng đất (quy hoạch xây dựng, giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, công nghiệp,...) trên địa bàn huyện thực hiện theo kiểu manh mún, mạnh ai nấy làm mà thiếu sự liên kết, kế thừa làm cho hiệu quả sử dụng đất thấp, nhiều công trình, dự án còn chồng chéo lên nhau nên gây khó khăn cho công tác phân bổ sử dụng đất. (Nguyễn Ninh Hải, 2010). Còn thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (chưa có sự thống nhất về không gian và thời gian, nội dung lập và điều chỉnh quy hoạch có nhiều điểm khác nhau ở hệ thống quy hoạch, việc xác định các chỉ tiêu sử dụng đất của cùng một giai đoạn được xác định không thống nhất...);
- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dựa trên các dự báo về phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổng hợp, cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp; trong khi việc nắm bắt thông tin và dự báo nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp còn hạn chế, độ chính xác chưa cao; kế hoạch sử dụng đất chưa xác định nhu cầu sử dụng đất phù hợp với tiến độ các công trình dự án. Một số công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phát sinh sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên không có căn cứ thực hiện giao đất, cho thuê đất; ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của huyện. Quy mô, vị trí sử dụng đất của một số công trình, dự án còn chưa chính xác do thay đổi nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực và nhu cầu của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
- Nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng đầy đủ cho phương hướng, mục tiêu và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Quy mô, vị trí sử dụng đất của một số công trình, dự án còn chưa chính xác do thay đổi nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực và nhu cầu của các nhà đầu tư.
- Việc lập quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính kết nối liên vùng, liên huyện, liên xã và chưa phát huy được thế mạnh của địa phương. Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn nước, hiệu quả chưa cao.
- Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành và địa phương cấp xã trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhìn chung còn chưa tốt, nhất là giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, giữa quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất cho nuôi trồng thuỷ sản và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Phần lớn địa phương còn lúng túng trong việc gắn kết giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Nhiều quy hoạch ngành được xây dựng sau khi quy hoạch sử dụng đất được xét duyệt nên không được cập nhật đầy đủ dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.
4.2.2.2.Việc thực hiện quy hoạch còn chưa tốt, thể hiện:
Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cốt lõi của hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai và thuộc trách nhiệm của các ngành và các cấp cố liên quan. Khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch sử dụng đất được thực tiễn hóa bằng những dự án điều chỉnh, chỉnh trang hoặc phát triển đất đai với chủ đầu tư cụ thể. Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng hầu hết công tác này ít được các địa phương quan tâm, chủ yếu là xây dựng dự án xong rồi “để đấy”, không (hoặc) ít/chậm triển khai các biện pháp kiểm soát sau quy hoạch. Tình trạng phát triển tự phát trên không chỉ phá vỡ quy hoạch phát triển của các cây trồng khác, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái mà còn tăng nguy cơ cung vượt quá cầu, dẫn đến những rủi ro về giá cả và thị trường tiêu thụ cho người sản xuất. Thực trạng này suy cho cùng là do yếu kém trong công tác quy hoạch làm cho chất lượng, tính ổn định của quy hoạch sử dụng đất bị hạn chế. Nói rõ hơn là chúng ta chỉ “vẽ” quy hoạch trên giấy, còn thực hiện như thế nào thì vẫn là tự phát của người dân
(Nguyễn Ninh Hải, 2010). Bên cạnh đó, việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được xét duyệt chưa có chế tài, công cụ đủ mạnh; tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch chưa được phát hiện và xử lý kịp thời; việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ những nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế chưa được coi trọng, chấp hành không nghiêm túc, đầy đủ theo quy định.
- Việc quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch chưa thật sự trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan, tổ chức và chưa trở thành ý thức của người quản lý, chưa gắn với trách nhiệm của từng cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đất đai. Việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt chưa được coi trọng thực hiện. Các quyền của người sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch ở nhiều nơi còn bị vi phạm (không được cấp Giấy chứng nhận, không được sửa chữa nhà ở).
- Thiếu các giải pháp có tính khả thi để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có hai khâu quan trọng là không cân đối đủ nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng và sự bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất dẫn đến các công trình, dự án thường kéo dài tiến độ thực hiện. Nhiều dự
án sau khi giải phóng mặt bằng còn bị bỏ hoang hóa nhiều năm trong khi người dân thiếu đất sản xuất.
- Kết quả thực hiện chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đạt rất thấp so với chỉ tiêu kế hoạch được duyệt, đất phi nông nghiệp thực hiện chưa đạt so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu là do: Quy hoạch, kế sử dụng đất cấp huyện được xây dựng trên cơ sở tổng hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, quá trình rà soát lập quy hoạch sử dụng đất các ngành, lĩnh vực, địa phương cấp xã còn đưa vào quá nhiều công trình dự án nhưng chậm triển khai thực hiện dẫn đến kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất không đạt chỉ tiêu; cơ sở hạ tầng còn yếu, chưa thu hút được nhà đầu tư nên khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư, thực hiện xã hội hóa để huy động các tổ chức kinh tế, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án; quy hoạch các khu trung tâm xã theo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nhưng chậm triển khai thực do thiếu vốn.
4.2.2.3.Một số nguyên nhân khách quan khác:
- Diện tích đất chưa sử dụng có độ dốc lớn nên việc đưa vào sử dụng (trồng rừng sản xuất, trồng cây ăn quả) gặp nhiều khó khăn.
- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định, giao dịch ngầm vẫn còn xảy ra, đặc biệt là việc sang nhượng đất sản xuất nông nghiệp ở các hộ đồng bào dân tộc gây ra hiện tượng thiếu đất sản xuất dẫn đến đói nghèo.
- Các đối tượng sử dụng đất hiểu biết pháp luật còn hạn chế, không tuân thủ theo định hướng quy hoạch của địa phương đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
- Hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của các loại hình sử dụng đất còn thấp so với tiềm năng, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc. Một số khu vực đất có độ dốc lớn được phân định cho phát triển lâm nghiệp đã bị khai hoang làm đất nông nghiệp chưa được chuyển sang đất lâm nghiệp.