Hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và việc xây dựng chiến lược Marketing của doanh nghiệp nói riêng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của môi trường vĩ mô.
Môi trường Marketing vĩ mô của doanh nghiệp bao gồm sáu yếu tố cơ bản đó là môi trường kinh tế, môi trường nhân khẩu học, môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa xã hội, môi trường chính trị pháp luật và môi trường công nghệ
Môi trường kinh tế đóng vai trò quan trọng nhất trong sự vận động và phát triển của thị trường.
Sự tác động của các nhân tố kinh tế có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự tiếp diễn của cung, cầu và mối quan hệ cung - cầu trên thị trường, ảnh hưởng đến quy mô và đặc điểm các mối quan hệ xã hội trên thị trường. Môi trường kinh tế được phản ánh thông qua tất độ tăng trưởng của nền kinh tế, xu hướng của GDP, tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập của khách hàng mà tốc độ tăng thu nhập của họ, cơ cấu chi tiêu và sự thay đổi cơ cấu chi tiêu của khách hàng.
Môi trường nhân khẩu học là yếu tố quan tâm hàng đầu của các nhà quản trị Marketing bởi vì con người tạo ra thị trường.
Các yếu tố thuộc về môi trường nhân khẩu học tác động tới thị trường bao gồm quy mô và mật độ dân số, sự phân bố của dân cư, tốc độ tăng dân số, độ tuổi, giới tính, sắc tộc, nghề nghiệp. Quy mô và tốc độ gia tăng dân số là mối quan tâm thường xuyên của các nhà Marketing. Bởi vì các yếu tố này quyết định quy mô của thị trường hiện tại và tương lai; đồng thời phản ánh sự phát triển hay suy thoái của thị trường.
Kinh tế càng phát triển, thu nhập và trình độ văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu và mong muốn của họ càng đa dạng, phong phú, đặc biệt là luôn biến động với tốc độ ngày một gia tăng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần thay đổi chính sách Marketing của mình cho phù hợp hơn với thị trường.
Môi trường tự nhiên bao gồm các yếu tố tự nhiên ảnh hưởng trực tiếp tới các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp và từ đó tác động không nhỏ tới quá trình sản xuất - kinh doanh của họ.
Tham gia vào quá trình xác định cơ hội và khả năng khai thác cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, các yếu tố môi trường tự nhiên từ lâu đã được nghiên cứu xem xét để có kết luận về cách thức và hiệu quả kinh doanh. Chúng không chỉ liên quan đến vấn đề phát triển bền vững của một quốc gia mà còn liên quan lớn đến khả năng phát triển bền vững của từng doanh nghiệp các yếu tố thường nghiên cứu bao gồm: Tình trạng khan hiếm về tài nguyên, khoáng sản sắp diễn ra, chi phí về năng lượng gia tăng, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng và sự can thiệp của chính phủ vào việc quản lý quá trình sử dụng cũng như việc tái sản xuất các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cương quyết hơn.
Môi trường công nghệ bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến sự sáng tạo sản phẩm và cơ hội thị trường mới.
Ảnh hưởng của các yếu tố thuộc công nghệ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là rất lớn. Các yếu tố thuộc môi trường này quy định cách thức doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế trong việc sử dụng tiềm năng của mình và qua đó cũng tạo ra cơ hội kinh doanh cho từng doanh nghiệp. Xu hướng vận động và bất cứ sự thay đổi nào của các yếu tố thuộc môi trường này đều tạo ra hoặc thu hẹp cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp ở những mức độ khác nhau và thậm chí dẫn đến yêu cầu thay đổi mục tiêu chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học kĩ thuật người hoạt động thị trường cần nắm bắt và hiểu rõ bản chất của những thay
đổi trong môi trường công nghệ kĩ thuật cùng với các phương thức khác nhau mà một công nghệ mới có thể tạo ra và phục vụ cuộc sống con người. Nắm vững sự thay đổi trong môi trường công nghệ đảm bảo cho các doanh nghiệp phát hiện kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra gây thiệt hại tới người tiêu dùng và ảnh hưởng không tốt tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Môi trường chính trị - pháp luật bao gồm các đường lối, chính sách của chính phủ, cấu trúc chính trị, hệ thống quản lý hành chính và môi trường luật pháp bao gồm các bộ luật và sự thể hiện của các quy định, có thể cản trở hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động Marketing. Các yếu tố thuộc môi trường này chi phối mạnh mẽ sự hình thành cơ hội thương mại và khả năng thực hiện mục tiêu của bất cứ doanh nghiệp nào. Phân tích môi trường chính trị, pháp luật, giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với những thay đổi có lợi hoặc bất lợi của điều kiện chính trị cũng như mức độ hoàn thiện và thực thi pháp luật trong nền kinh tế.
Môi trường văn hóa – xã hội
Hoạt động Marketing dưới hình thức này hay hình thức khác đều trong phạm vi xã hội và từng xã hội lại có một nền văn hóa hướng dẫn cuộc sống hằng ngày của nó. Văn hóa là tất cả mọi thứ gắn liền với xu thế hành vi cơ bản của con người từ lúc được sinh ra, lớn lên...
Những yếu tố của môi trường văn hóa phân tích ở đây chị tập trung vào hệ thống giá trị, quan niệm về niềm tin, truyền thống và các chuẩn mực hành vi, đây là các yếu tố có ảnh hưởng đến việc hình thành và đặc điểm của thị trường tiêu thụ. Các nhân tố văn hóa mà doanh nghiệp cần chú ý tới bao gồm: bản sắc văn hóa dân tộc, trình độ văn hóa và ý thức của người dân, chính sách
và kết quả đầu tư cho việc phát triển văn hóa xã hội đất nước, sự ra đời của các công trình, các phương tiện thông tin văn hóa xã hội, các sự kiện văn hóa và phong chào hoạt động văn hóa xã hội.
Trong xu hướng hội nhập, cả thế giới trở thành một ngôi nhà chung đòi hỏi các hoạt động Marketing phải vượt qua được hàng rào về ngôn ngữ, tập quán, thói quen tiêu dùng, lễ giáo cùng với các giá trị văn hóa rất khác biệt cùng song song tồn tại. Chiến lược Marketing đôi khi phải có ý nghĩa toàn cầu nhưng trong nhiều trường hợp lại phải mang tính địa phương cao. Điều đó là tùy thuộc vào mục tiêu của doanh nghiệp trong từng thời kỳ và từng vùng thị trường khác nhau.