Quản lý ngân sách nhà nước cấp huyện

Một phần của tài liệu Quản lý ngân sách nhà nước của huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Trang 25 - 28)

1.2.1. Khái niệm và đặc điểm quản lý ngân sách nhà nước cấp huyện

1.2.1.1. Khái niệm quản lý ngân sách nhà nước cấp huyện

“Quản lý ngân sách nhà nước cấp huyện là quá trình chính quyền cấp huyện tác động và điều khiển hoạt động của NSNN cấp huyện thông qua việc sử dụng có mục đích các phương pháp quản lý và các công cụ quản lý, để nhằm đạt được mục tiêu đã định trong từng thời kỳ nhất địgnh.”

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước và sự phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, việc quản lý ngân sách nhà nước cấp huyện cơ bản được thực hiện theo đúngquy định. Trên cơ sỏ đó cơ quan Tài chính cấp huyện tiến hành lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước theo quy trình.

- Đối với các nguồn thu được phân cấp cho cấp huyện sẽ thực hiện việc quản lý, khai thác nguồn thu trên địa bàn nhằm đảm bảo nhiệm vụ chi.

- Đối với nhiệm vụ chi, trên cơ sở nhiệm vụ chi, chi tiêu được giao và định mức quy định của cơ quan cấp trên, công tác quản lý điều hành ngân sách được tiến hành đảm bảo theo đúng Luật ngân sách nhà nước và phân cấp điều hành.

Có thể thấy đặc điểm chính của quản lý ngân sách cấp huyện là việc chấp hành thực hiện, còn việc ban hành các chủ trương, chính sách, phân cấp nguồn thu và định mức chi tiêu, phân bổ ngân sách cúa cấp huyện là do Hồng đồng nhân dân tỉnh quy định cụ thể cho cấp huyện.

1.2.2. Nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước cấp huyện

Quản lý NSNN cấp huyện tuân thủ các nguyên tắc chung về quản lý ngân sách nhà nước như sau:

- Nguyên tắc một ngân sách duy nhất: Tức là mọi khoản thu, chi phải đưa vào một kế hoạch ngân sách thống nhất, được phản ánh đầy đủ, rõ ràng, thống nhất trong dự toán NSNN để HĐND, UBND có thể thông qua và không được bù trừ giữa các khoản thu, chi hay dành một khoản thu nào đó để thực hiện trang trải cho một khoản chi nhất định. Bên cạnh đó trong hoạt động của mình các đơn vị sử dụng ngân sách không được tự tạo ra nguồn thu cho mình, các khoản chi của đơn vị mình chỉ được thực hiện trong dự toán nguồn kinh phí đã được HĐND, UBND quyết định. Điều này sẽ đảm bảo được quyền của HĐND, UBND trong việc quyết định ngân sách một cách toàn diện. Khi nguyên tắc này được thực hiện, thì HĐND, UBND sẽ giám sát được tình trạng thiếu hụt ngân sách một cách kịp thời,

để có biện pháp phòng tránh phù hợp.

- Nguyên tắc bù đắp tổng thể: Các khoản thu được dùng là nguồn chung cho các khoản chi, không phân biệt đó là các khoản chi nào. Nguyên tắc này đảm bảo cho việc điều hành ngân sách được linh hoạt, bất kỳ khoản chi nào khi đã được quyết định chi sẽ không phụ thuộc vào một nguồn thu cụ thể.

- Nguyên tắc niên độ: Dự toán ngân sách phải được HĐND hay UBND quyết định cho từng năm và việc sử dụng kinh phí đã được duyệt cũng sẽ được giới hạn trong năm theo dự toán đã được duyệt. Trong thực tế hiện nay một số nguồn kinh phí đã được chuyển từ năm trước sang năm sau như cải cách tiền lương; kinh phí tự chủ; kinh phí hoạt động của Đảng...

- Nguyên tắc chuyên dụng: Tính chuyên dụng được thể hiện thông qua việc phân bổ các chi tiêu theo cách phân loại trong mục lục ngân sách và các đơn vị, khi thực hiện huy động cũng như chi tiêu phải theo đúng dòng mục trong dự toán ngân sách đã được phê duyệt cho đối tượng và mục đích sử dụng.

- Nguyên tắc hiệu năng: Trong phạm vi dự toán đã được HĐND, UBND quyết định, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách phải tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách một cách có trách nhiệm trước tiền thuế của nhân dân. Việc quản lý, sử dụng ngân sách sẽ được đánh giá, công khai hiệu quả và hiệu lực của các khoản chi tiêu.

- Nguyên tắc đảm bảo cân đối ngân sách: Đó là sự cân bằng giữa thu và chi ngân sách, nghĩa là kế hoạch ngân sách được lập phải đảm bảo được cân đối giữa thu và chi. Trong cơ cấu thu, chi giữa các khoản thu, chi; các lĩnh vực; các cấp chính quyền phải đảm bảo sự hài hoà, hợp lý. Các khoản chi chỉ được phép thực hiện khi đã có đủ nguồn thu bù đắp.

- Nguyên tắc công khai, minh bạch: Công khai minh bạch quá trình tạo lập và sử dụng ngân sách sẽ làm cho cộng đồng có thể giám sát, kiểm soát các quyết định về thu, chi ngân sách đảm bảo tính hiệu quả, hạn chế những thất thoát trong quản lý, sử dụng ngân sách. Để thực hiện nguyên tắc này cần có sự rõ ràng về

vai trò, trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực huy động được để thực hiện các mục tiêu đề ra, thông qua việc giải trình các hoạt động của ngân sách; chịu trách nhiệm về các quyết định ngân sách của mình; trách nhiệm đối với các cơ quan cấp trên và đối với xã hội, công chúng; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cá nhân, đơn vị thực hiện NSNN theo chất lượng công việc đạt được.

- Nguyên tắc dân chủ: Trong chu trình ngân sách từ khâu lập dự toán, chấp hành đến quyết toán ngân sách cần có sự tham gia của xã hội và nhân dân, sự tham gia của người dân, của các cơ quan liên quan sẽ làm cho ngân sách được minh bạch hơn, các thông tin ngân sách được chính xác và trung thực.

Một phần của tài liệu Quản lý ngân sách nhà nước của huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Trang 25 - 28)