* Giải pháp về nguồn hàng
Ngành chè là một trong các ngành có nhiệm vụ góp phần phát triển kinh tế miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc quản trị nguồn hàng của Công ty không chỉ nhằm đảm bảo đủ nguồn hàng xuất khẩu mà còn phải phát triển được vùng nguyên liệu, phát triển được sản xuất ở các đơn vị thành viên.
Quan hệ của Công ty với các xí nghiệp, các nhà cung cấp trong ngành trong thời gian tới vẫn là quan hệ hợp tác, hỗ trợ, nên tổ chức quản lý nguồn hàng theo hướng sau:
Thứ nhất: Liên kết giữa các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh trên cơ sở hai bên cùng có lợi
Công ty đã có những thành công đáng kể trong việc tạo ra các mối liên kết này trong phạm vi quản lý của mình, nên tiếp tục duy trì và củng cố. Gắn hơn nữa lợi ích người sản xuất nông nghiệp với lợi ích của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Khả năng xuất khẩu tăng phải kéo theo năng lực sản xuất ở các đơn vị sản xuất tăng và đời sống người trồng chè được cải thiện. Bên cạnh đó, từng bước thống nhất lợi ích giữa Công ty và các đơn vị kinh doanh xuất khẩu chè nhằm loại bỏ yếu tố cạnh tranh không lành mạnh, gây hại tới lợi ích chung. Gắn sản xuất với thị trường, phổ biến khoa học - kỹ thuật để dần dần công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp. Tạo nên sự phối hợp thống nhất từ khâu sản xuất nông nghiệp tới tận khâu lưu thông để làm sản phẩm luôn đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
Thứ hai: Quan hệ giữa các đơn vị với nguồn nguyên liệu
Các xí nghiệp chè cũng thực hiện chức năng điều tiết thị trường, phân phối lại thu nhập, tạo động lực xây dựng cho quá trình xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung. Hiện nay, khi đồi chè được giao khoán cho người lao động, họ có quyền thế chấp, chuyển nhượng, thừa kế. Do đó, sản xuất nguyên liệu phân tán hơn, doanh nghiệp không còn dễ dàng can thiệp vào việc chăm sóc chè bằng các chỉ thị, mệnh lệnh như trước nữa. Để thực hiện vai trò này, công cụ của các doanh nghiệp bây giờ là một chính sách giá mua nguyên liệu ổn định và có tính cạnh tranh, cùng với những định hướng sản xuất, những hỗ trợ về mặt vốn, kỹ thuật,... sao cho người trồng chè có thể thu được lợi nhuận lớn nhất từ tài sản được giao. Tiếp tục với hình thức khoán vườn, đấu thầu,... làm cơ sở để tiến hành cổ phần hoá rộng rãi hơn khi người lao động có đủ thu nhập và có khả năng tăng vốn để góp cổ phần. Với các cơ sở chế biến công nghiệp, có thể áp dụng hình thức khoán sản lượng, khoán chất lượng, tạo điều kiện cho công nhân mua cổ phiếu bằng các hình thức ưu đãi như cho trả chậm, lãi suất thấp,...
Giải quyết triệt để tình trạng buông lỏng, khoán trắng. Ngoài việc cung cấp giống, phân bón,... còn phải kiểm tra đôn đốc để người lao động thực hiện đúng quy trình canh tác. Phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, kể cả dùng các biện pháp mạnh như thu lại đất chè.
* Giải pháp về quản lý chất lượng
Trong thời gian trước mắt, Công ty phối hợp với các xí nghiệp thành viên tập trung thực hiện các biện pháp sau:
Một là: Kiên quyết chỉ đạo hái đúng quy trình, khi thu mua chè búp tươi chỉ mua chè chất lượng cao và thống nhất giá mua theo đúng tiêu chuẩn cấp. Tạo mức độ chênh lệch giữa giá mua chè ở các cấp khác nhau, không mua chè chất lượng thấp. Áp dụng quy trình đốn hái thích hợp và cơ chế giá thu mua linh hoạt để lượng chè búp tươi không vượt quá năng suất nhà máy chế biến trong nhiều ngày
Hai là: Xây dựng tiêu chuẩn công nghệ và vệ sinh thực phẩm cho dây chuyền chế biến chè xanh xuất khẩu. Trên cơ sở này, thành lập ban kiểm tra, thanh tra để đánh giá chất lượng ở các xí nghiệp. Nếu thấy không đủ và không đúng tiêu chuẩn đình chỉ hoạt động.
Ba là: Tăng số lần thu mua và vận chuyển chè búp tươi sao cho chè hái đến đâu được vận chuyển kịp thời về nhà máy đến đó. Yêu cầu nhân viên thu mua sắp xếp khối chè vào sọt theo đúng quy định, đảm bảo chè về đến nhà máy vẫn giữ nguyên chất lượng.
Bốn là: Giải quyết triệt để hiện tượng cắt xén quy trình ở các nhà máy. Có thể áp dụng phương pháp quản lý J.I.T. Phương pháp này sẽ đảm bảo đưa nguyên vật liệu vào dây chuyền đúng lúc, làm cho quá trình sản xuất thông suốt, bán thành phẩm ở mỗi khâu không còn ùn tắc, giảm được ôi thiu. Xoá bỏ hình thức bảo quản chè trên nền nhà chờ héo bằng cách xây dựng dàn héo, kết hợp với máy héo, đảm bảo chè về đến nhà máy là héo được ngay.
Về lâu dài, Công ty cần có sự thay đổi lớn trong quản lý chất lượng thể hiện những mặt sau:
Một là: Xây dựng hệ thống chất lượng thống nhất, hướng tới ISO 9000. Hệ thống chất lượng có thể do nhiều cấp quản lý, nhưng phải thống nhất về phương pháp kiểm tra, giám sát, về tiêu chuẩn chất lượng và phải đạt trình độ nhất định.
Hai là: Công ty phải giáo dục cho toàn bộ nhân viên ý thức tôn trọng chất lượng, thưởng cho sản phẩm nào có chất lượng cao. Sử dụng phương pháp thống kê để giám sát chất lượng ngay từ quá trình sản xuất. Xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá và cải tiến chất lượng nội bộ nhằm sản xuất chè theo đúng tiêu chuẩn.
Ba là: Xây dựng các vườn chè tập trung dưới sự chỉ đạo của các xí nghiệp. Sản xuất chè có đặc điểm là mọi sai sót trong khâu nông nghiệp như:
bón phân, thu hái, phun thuốc trừ sâu,... đều có ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm cuối cùng. Nhưng lại khó kiểm tra chất lượng nguyên liệu một cách đầy đủ, chính xác để phát hiện ra những sai sót này khi thu mua. Thường chỉ phát hiện được những khuyết tật khi đã có sản phẩm và không thể sửa chữa được. Vì vậy, để tạo ra sản phẩm có chất lượng phải thực hiện đúng quy trình thậm chí ngay từ khâu làm đất để chuẩn bị trồng chè. Để làm được điều này, cần có sự chỉ đạo tập trung và kiểm tra thường xuyên của các xí nghiệp. Giám đốc các xí nghiệp nên tập trung vào các vấn đề sau:
● Để rút ngắn thời gian tuyển chọn, khảo nghiệm giống, nên tiếp tục nhập nội các giống chè tốt từ các nước đã có truyền thống về trồng và chế biến chè như Ấn Độ, Nhật Bản,...Mỗi xí nghiệp hoàn thành một vườn giống để đồng thời cùng trồng thử các giống này. Xem xét khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau, tiến hành tuyển chọn và lai tạo tại chỗ nhằm tạo ra giống thích nghi theo vùng. Các xí nghiệp phải có sự đánh giá đúng mức tầm quan trọng của giống vì cây chè là cây lâu năm, giống có ảnh hưởng suốt cả chu kỳ kinh doanh và chúng ta không dễ dàng thay thế giống chè mới như các giống cây ngắn ngày khác vì vốn để trồng một nương chè rất lớn và thời gian để tạo ra một nương chè đưa vào kinh doanh là rất dài. ● Phổ biến và giám sát việc thực hiện kỹ thuật canh tác của nông dân. Kỹ thuật trồng chè bao gồm một hệ thống các biện pháp kỹ thuật để thâm canh như: tăng mật độ trồng chè để che phủ đất, chống cỏ dại và xói mòn, áp dụng phương pháp tạo hình đồi chè để tăng năng suất và bảo vệ đất. Chỉ đạo bón phân có cơ cấu thích hợp với từng loại đất, bón phân theo đúng quy trình, tăng lượng phân hữu cơ và phân vi sinh để tăng độ phì cho đất. Trồng cây bóng mát để khắc phục nắng nóng mùa hè, đồng thời tạo lượng phân xanh khi lá cây rụng và tiến hành phòng trừ sâu bệnh. Nghiên cứu và thử nghiệm phương pháp sử dụng các loại côn trùng, ký sinh, vi khuẩn,... để diệt trừ sâu bệnh mà đã được nhiều nước áp dụng có hiệu quả.
Bốn là: Cải tạo và nâng cấp các nhà máy chế biến
Hiện nay, Công ty đang sử dụng thiết bị công nghệ chủ yếu của Liên Xô (cũ). Dây chuyền sản xuất của Liên Xô cho phép cơ giới hoá cao nhưng công nghệ đã lỗi thời, nhưng ngược lại dây chuyền của Ấn Độ, Trung Quốc,... công nghệ mới có nhiều ưu điểm nhưng mức độ cơ giới hoá lại không cao. Trong thời gian tới, Công ty chưa đủ tài chính để đổi mới công nghệ ở tất cả các nhà máy cùng một lúc, thì kết hợp ưu điểm của hai loại công nghệ trên để cải tạo các nhà máy hiện có. Với các nhà máy mới, phải trang bị công nghệ
hiện đại ngay từ đầu. Thà rằng chỉ đầu tư xây ít nhà máy với dây chuyền tiên tiến, đồng bộ còn hơn đầu tư tràn lan, số lượng thì nhiều nhưng chất lượng lại thấp. Định hướng đầu tư trang bị máy móc, kỹ thuật sản xuất để sản xuất chè xanh của Trung Quốc, Nhật Bản.
* Giải pháp về nguồn nhân lực
Công ty cần có kế hoạch đào tạo cán bộ, nhân viên thường xuyên hơn, quy mô đào tạo và loại hình đào tạo cần được mở rộng hơn. Tạo điều kiện cho nhân viên đi tham quan, tiếp cận với những nước sản xuất chè để nâng cao kiến thức, học hỏi kinh nghiệm qua đó giúp họ nắm chắc nghiệp vụ, khơi dậy tính sáng tạo của mỗi cán bộ công nhân viên. Tăng cường đầu tư nguồn nhân lực cho đào tạo nghề, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động hiện tại, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn. Nội dung đào tạo luôn được đổi mới để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tập trung đào tạo các kỹ năng, thái độ và tác phong làm việc hiện đại, khoa học, ý thức sản xuất công nghiệp hóa. Chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác thị trường có trình độ cao, nhạy bén với thị trường, nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động.
* Giải pháp về khoa học công nghệ
Muốn có sản phẩm tốt chất lượng cao thì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất là rất quan trọng. Mỗi loại sản phẩm có quy trình sản xuất chế biến riêng của nó. Đối với sản phẩm chè nó có mối quan hệ hữu cơ từ khâu nông nghiệp (chè búp tươi) đến khâu công nghiệp chế biến (sản phẩm tiêu thụ). Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tốt là một trong những giải pháp sống còn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt với Công ty có tới 80% sản phẩm dành cho xuất khẩu thì giải pháp này lại càng trở nên quan trọng.
Mặc dù, quy trình sản xuất chè nói chung là không phức tạp nhưng để có sản phẩm chè có chất lượng cao cả về ngoại hình (độ xoăn chặt, màu bóng bạc,..) lẫn nội chất (có mùi hương thơm, nước xanh, vị ngọt, ...) thì ngoài quy trình chung còn phải có những bí quyết riêng đây là vấn đề nhạy cảm. Do vậy, Công ty đã phải thuê chuyên gia giàu kinh nghiệm để hướng dẫn và truyền thụ những kinh nghiệm trong quá trình chế biến ở tất cả các công đoạn.
Để phù hợp với việc chế biến chè xanh có chất lượng cao, Công ty đã mua sắm, lắp đặt và cải tiến hầu hết các thiết bị máy móc ở cả 3 cơ sở chế biến tại 3 xí nghiệp thành viên nhằm tạo bước nhảy để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cho việc xuất khẩu sản phẩm chè của Công ty ra nước
ngoài. Công ty cần tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động. Thiết bị tốt không những tạo ra sản phẩm tốt mà nó còn tạo điều kiện để có tỷ lệ thu hồi sản phẩm xuất khẩu cao, sản phẩm có ký hiệu chè A, B (GrenteaA, B), tỷ lệ chè xanh A, B trong cơ cấu sản phẩm đạt trên 80% là tỷ lệ cao so với ngành chè Việt Nam hiện nay. Phải xây dựng các chương trình trợ giúp Công ty đổi mới khoa học công nghệ nhằm giúp Công ty có được công nghệ hiện đại và nâng cao chất lượng chè làm tăng thêm tính cạnh tranh. Công ty phải đầu tư xây dựng hệ thống kho hàng phục vụ cho việc cất trữ bảo quản hàng hóa. Công ty phải thường xuyên truy cập thông tin về thị trường công nghệ, phải có kế hoạch cụ thể khi mua công nghệ cũng như ứng dụng công nghệ.