* Giải pháp về hợp tác quốc tế
Hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương kêu gọi, khuyến khích sự đầu tư của các nước phát triển vào Việt Nam thì Công ty tiến hành liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài nhằm nâng cao nguồn vốn, máy móc thiết bị công ngệ hiện đại và hơn nữa là học hỏi kinh nghiệm quản lý kinh doanh của các nước phát triển - đây là một việc cần và nên làm.
Trong thời gian tới, Công ty cần nhanh chóng có kế hoạch gia nhập vào các hiệp hội chè trên Thế giới, tham gia vào các hoạt động quốc tế về hội thảo, triển lãm, hội chợ,... của ngành chè nhằm không ngừng mở rộng, nâng cao uy tín của Công ty cũng như của ngành chè Việt nam trên thị trường quốc tế.
* Hoàn thiện và ổn định các cơ chế điều hành xuất khẩu
Thứ nhất: Tăng cường vai trò của đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta nên học tập kinh nghiệm của một số nước xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản,... trong lĩnh vực này. Hàng hóa của họ có thể thâm nhập các thị trường trên Thế giới không chỉ nhờ yếu tố chất lượng mà còn có các yếu tố khác trong đó có mạng lưới cơ quan Kinh tế thương mại. Các cơ quan này thực hiện các chức năng thông tin và trung gian vì lợi ích của các nhà xuất khẩu, đặc biệt thu thập thông tin về thị trường nước sở tại về các điều kiện buôn bán, phong tục tập quán,... để lập một ngân hàng dữ liệu chuyển về trong nước. Các đại diện thương mại còn quá ít kinh nghiệm, chỉ thực hiện các nhiệm vụ chung chung. Cần có các biện pháp như: Cử cán bộ thực sự có trình độ về kinh tế và nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, có thể xem xét lựa chọn một số nhà xuất khẩu có kinh nghiệm trên cơ sở thi tuyển chứ không
phải theo chế độ bổ nhiệm như hiện nay. Có thể thành lập riêng đại diện thương mại ở các vùng kinh doanh chủ yếu của Công ty, không nhất thiết phải gắn liền với cơ quan đại diện ngoại giao.
Thứ hai: Cải thiện về công tác Hải quan. Nếu chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nhiều hàng xuất khẩu bằng cách tạo ra thật nhiều ưu đãi, nhưng lại không làm tốt công tác Hải quan, để hàng mắc lại cửa khẩu thì khác nào "cố đổ gạo ra khỏi bao nhưng lại thắt chặt miệng bao". Vì vậy, cần có một thay đổi trong lĩnh vực Hải quan như: Đơn giản hóa các chứng từ và thủ tục xuất khẩu, ban hành văn bản chi tiết các chứng từ và thủ tục này để tránh nhân viên Hải quan lợi dụng những thiếu sót nhỏ để sách nhiễu doanh nghiệp, tiến hành thanh tra và kiên quyết xử lý các trường hợp tiêu cực.
Thứ ba: Phối hợp các biện pháp tài chính, tín dụng để hỗ trợ xuất khẩu như: Đảm bảo tín dụng xuất khẩu, cấp tín dụng xuất khẩu, trợ cấp xuất khẩu và các chính sách miễn giảm thuế.