Tính tất yếu khách quan của sự phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH - PHÂN VÙNG KINH TẾ ppsx (Trang 44 - 46)

b. Vùng kinh tế tổng hợp:

2.1.8. Tính tất yếu khách quan của sự phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam

Thế kỷ XXI, khoa học kỹ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia hoặc nhóm các quốc gia. Kinh tế tri thức ngày càng giữ vai trò to lớn đối với nhân loại. "Liên kết, khu vực hoá, toàn cầu hoá" và sự tăng cường các quan hệ liên vùng đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa hợp tác và vừa có sự cạnh tranh.

Sự giàu, nghèo và trình độ phát triển giữa các nước, các vùng, giữa đô thị với nông thôn, giữa đô thị lớn với đô thị nhỏ có sự chênh lệch đáng kể. Sự phân bố không đồng đều các tài nguyên thiên nhiên trong điều kiện cạnh tranh quốc tế quyết liệt, sự tác động của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập mạnh mẽ đã trở thành vấn đề nan giải trong các chính sách phát triển vùng.

Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, nền kinh tế có sự phát triển đa dạng về cả cơ cấu ngành và ngày càng xuất hiện nhiều các loại hình sản xuất. Có thể nói, sự phân công lao động theo ngành đã xuất hiện ngày càng nhiều các ngành theo hướng chuyên môn hoá. Sự xuất hiện của các ngành đã làm nảy sinh nhu cầu tất yếu về sự phân bố của chúng trên các phần lãnh thổ nhất định. Việc phân bố khách quan các cơ sở, các ngành vào các vùng lãnh thổ được gọi là sự phân công lao động theo lãnh thổ. Cùng với phân công lao động theo ngành, phân công lao động theo lãnh thổ đã tạo ra sự phân công lao động xã hội.

Một ngành mới ra đời cần phải có một không gian lãnh thổ riêng phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành đó. Nhưng mỗi vùng lại có những đặc điểm và điều kiện phát triển riêng nên nó chỉ phù hợp với sự phát triển của một số ngành nhất định. Vì vậy mà mỗi vùng có một cơ cấu kinh tế riêng, tạo nên sự độc đáo của vùng.

Một đất nước muốn phát triển nền kinh tế một cách tối ưu, phải phát triển kinh tế vùng và phải biết khai thác lợi thế cuả các vùng trong quá trình phát triển. Việc phát triển kinh tế vùng không chỉ khai thác được lợi thế so sánh của mỗi vùng mà còn tạo điều kiện để hoạch định các chính sách vùng để thúc đẩy các vùng phát triển theo hướng cân đối và bền vững.

Ở nước ta, thực trạng phân hóa vùng được quan tâm xem xét, đánh giá từ Đại hội VIII của Đảng (1996), tức là từ khi nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội VIII đã thông qua "Chương trình phát triển các vùng lãnh thổ", nhằm kết hợp sự phát triển có trọng điểm với sự phát triển toàn diện các vùng lãnh thổ, giảm bớt chênh lệch và nhịp độ phát triển giữa các vùng. Nguyên nhân duy trì phân hóa vùng và làm phát sinh các vấn đề từ phân hóa vùng, trước tiên là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại các vùng. Thứ hai, công nghiệp hóa, hiện đại hóa không diễn ra đồng đều giữa các vùng. Thứ ba, chưa xác lập được cách thức phát triển tổng hợp kinh tế, xã hội, văn hóa ở một số vùng, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do đó cũng chưa hình thành được sự phát triển liên thông trong nội bộ vùng và giữa các vùng, đặc biệt từ đó dễ làm phát sinh những vấn đề phức tạp về dân tộc, tôn giáo, văn hóa ở các vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc và cả Tây Trung Bộ. Ngoài ra cũng chưa thể xác lập được thể chế phát triển nội vùng, liên vùng.

CHƯƠNG 2

VÙNG ĐÔNG BẮC BẮC BỘ

Vùng Đông Bắc gồm 10 tỉnh là Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ và Bắc Giang với tổng diện tích tự nhiên năm 2008 là 57901,1 km2, chiếm 17,48% diện tích cả nước. Tổng dân số của vùng 8542,7 nghìn người năm 2008, chiếm 9,90% dân số cả nước.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH - PHÂN VÙNG KINH TẾ ppsx (Trang 44 - 46)