Khái niệm về vùng kinh tế

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH - PHÂN VÙNG KINH TẾ ppsx (Trang 30 - 32)

b. Đối với sản xuất nông nghiệp:

2.1.3.1.Khái niệm về vùng kinh tế

Quy hoạch và phát triển kinh tế theo vùng là một quá trình tổ chức sản xuất nhằm phân ra những vùng lãnh thổ cùng với các ngành kinh tế của nó, nhằm

phát triển có hiệu quả để tận dụng các nguồn lực trong vùng và tạo ra những sản phẩm có giá trị nhất.

Khái niệm phân vùng quy hoạch mới chỉ đặt ra khi trình độ sản xuất xã hội đã đạt đến độ nhất định vào thập kỷ 60 của Thế kỷ 20, trong điều kiện nền kinh tế tư bản đã phát triển. Ở Việt Nam, người khởi xướng cho việc phân vùng kinh tế là giáo sư Trần Đình Gián (Viện Quy hoạch nông nghiệp Việt Nam).

Có nhiều thuật ngữ khác nhau liên quan đến vùng kinh tế như: lãnh thổ, vùng hành chính, vùng địa phương, … để xác định về mặt chủ quyền, ranh giới tự nhiên của một vùng lãnh thổ.

Xét về mặt từ nguyên, Vùng được hiểu là một khu vực địa lý, như vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gắn với một cấp hành chính nhà nước. Trong khi đó, thuật ngữ lãnh thổ được hiểu là một vùng hay khu vực địa lý thuộc một cấp quản lý hành chính nhà nước. Do đó trong một vùng có thể có nhiều lãnh thổ.

Thuật ngữ "khu vực" được hiểu, được sử dụng với những biến thái khác nhau: có thể nhỏ hơn vùng như khu tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng, khu vực Hồ Gươm, Hồ Tây ở Hà Nội..., hoặc tương đương vùng, ví dụ khu vực (hay vùng) Tây Bắc; cũng có thể lớn hơn vùng và tương đương miền, ví dụ khu vực (hay miền) Bắc, Trung, Nam. Thuật ngữ "miền" thì rõ ràng là lớn hơn "vùng".

Nếu căn cứ vào các tiêu chí kinh tế để phân chia thì lãnh thổ của một quốc gia được chia thành các vùng kinh tế nhằm thực hiện các chức năng quản lý kinh tế về mặt Nhà nước. Vì vậy, vùng kinh tế là một thực thể khách quan gắn liền với sự phân công lao động theo lãnh thổ. Đó là kết quả tất yếu của quá trình phân công lao động theo lãnh thổ. Phân công lao động theo lãnh thổ vừa là cơ sở, vừa là động lực của sự hình thành vùng kinh tế.

Phân công lao động theo lãnh thổ được biểu hiện bằng sự tập trung các loại sản xuất riêng biệt trên một lãnh thổ nhất định, bằng sự chuyên môn hoá sản

xuất của dân cư dựa vào những điều kiện và đặc điểm phát triển sản xuất đặc thù, đó là một vùng kinh tế.

Các vùng kinh tế thông qua các mối liên hệ kinh tế, liên kết với nhau trong 1 hệ thống phân công lao động theo lãnh thổ thống nhất. Sự phân công lao động xã hội theo lãnh thổ là yếu tố tạo vùng cơ bản nhất.

Phân công lao động theo lãnh thổ lại là một bộ phận của phân công lao động xã hội. Trình độ của phân công lao động xã hội phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất càng phát triển thì quá trình phân công lao động diễn ra càng sâu sắc, hướng chuyên môn hoá của vùng càng thể hiện rõ rệt.

Vì vậy, có thể hiểu Vùng kinh tế là những bộ phận kinh tế, lãnh thổ đặc thù của nền kinh tế quốc dân, có chuyên môn hoá sản xuất kết hợp chặt chẽ với phát triển tổng hợp.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH - PHÂN VÙNG KINH TẾ ppsx (Trang 30 - 32)