(i) Trả lương phải trên cơ sở sự thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động
Nguyên tắc này đã được quy định cụ thể tại Điều 90 của Bộ luật Lao động năm 2012: “Tiền lương của người lao động do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc”.
Tính chất của quan hệ lao động do pháp luật lao động điều chỉnh là tự do thỏa thuận. Nhìn chung, những vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên đều do họ tự quyết định bằng cách thỏa thuận không trái luật, trong đó có tiền lương. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc và quy định của Nhà nước về tiền lương là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thỏa thuận tiền lương, Bên cạnh đó, tương quan cung cầu lao động trên thị trường, mức sống chung của nhân dân địa phương, sức mạnh của công đoàn, tình trạnh tài chính của đơn vị sử dụng lao động cũng là những nhân tố ảnh hưởng tới việc thỏa thuận tiền lương ở những mức độ khác nhau.
Trước khi công bố mức lương tối thiểu, thang lương, bảng lương, Chính phủ tham khảo ý kiến của đại diện các bên trong quan hệ lao động. Còn tại đơn vị sử dụng lao động, việc thỏa thuận tiền lương có thể thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau như thỏa thuận tập thể (thỏa ước tập thể), thỏa thuận cá nhân (hợp đồng lao động, hợp đồng học nghề). Theo đó, tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng vấn đề tạm ứng tiền lương… đều do các bên thỏa thuận. Khi thực hiện nguyên tắc thỏa thuận cần kết hợp với tính ấn định về tiền lương. Trong những trường hợp đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, bảo vệ quan hệ của hai bên và lợi ích chung của xã hội, Nhà nước ấn định mức trả lương, không phụ thuộc hoặc không phụ thuộc trực tiếp vào sự thỏa thuận của hai bên, như trong các trường hợp trả lương trong thời gian ngừng việc, trong những ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động, trong thời gian người lao động điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Do phải chịu tác động của yếu tố cung cầu trong nền kinh tế thị trường, trong điều kiện mà sức ép dôi thừa lao động xã hội luôn lớn, thì trong nhiều trường hợp, nguyên tắc thoả thuận, bình đẳng này khó có thể được thực hiện triệt để. Do đó, bên cạnh việc thoả thuận, bình đẳng, đòi hỏi việc trả lương không được trái pháp luật, nhất là phải tuân thủ nghiêm ngặt những qui định có tính bắt buộc nhằm bảo vệ cho người lao động, như về lương tối thiểu về việc trả lương khi làm thêm giờ, làm đêm...
(ii) Không được trả hoặc thoả thuận mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước qui định
Nguyên tắc này cũng được xác định tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012: “Mức lương người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định”. Khi tham gia quan hệ lao động, mục đích quan trọng và có ý
nghĩa nhất đối với người lao động là có thu nhập. Đồng thời, khi đã tham gia quan hệ lao động có ý nghĩa là người lao động đã dành hết thời gian lao động trong khả năng cho phép đối với công việc mà mình đảm nhiệm. Thu nhập thông qua tiền lương mà họ nhận được từ người sử dụng lao động phải đảm bảo cho họ tái sản xuất sức lao động. “Tái sản xuất sức lao động” ở đây bao gồm cả tái sản xuất sức lao động giản đơn và tái sản xuất sức lao động mở rộng. Tiền lương của người lao động phải đảm bảo giá trị thực tế để người lao động có thể chi tiêu, duy trì cuộc sống cho mình và một phần cho gia đình của mình cũng như một phần cho tích luỹ dành cho cuộc sống khi hết tuổi lao động.
(iii) Tiền lương phải được thoả thuận và trả theo năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc
Xét về bản chất, tiền lương chính là giá cả của sức lao động, biểu hiện giá trị sức lao động dưới sự tác động của các qui luật cung - cầu trong nền kinh tế thị trường. Việc tiền lương phải được trả theo năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc cũng chính là việc tuân thủ và phán ánh bản chất này.
- Trả lương theo năng suất lao động: Năng suất lao động là một trong những yếu tố quyết định trực tiếp đến tiền lương của người lao động, bởi để đạt hoặc chỉ tiêu năng suất lao động có phần đóng góp của người lao động từ cung ứng sức lao động của họ. Vì vậy, khi năng suất lao động tăng, có khả năng người lao động được tăng lương. Ngược lại, khi tiền lương mà người lao động được nhận tăng, thì nó lại chính là nhân tố kích thích người lao động tích cực làm việc, tăng năng suất lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đơn vị và cho xã hội. Do vậy, yêu cầu của nguyên tắc này cần đặt tiền lương trong mối quan hệ tác động qua lại với năng suất lao động. Tiền lương theo năng suất lao động một mặt đảm bảo sự công bằng trong phân phối thu nhập, mặt khác, còn có tác dụng
khuyến khích người lao động tiết kiệm nguyên vật liệu, sử dụng tối đa thời gian làm việc, phát huy tinh thần sáng tạo, cải tiến kĩ thuật trong công việc…
- Trả lương theo số lượng và chất lượng: Số lượng và chất lượng là căn cứ quan trọng nhất để xác định mức trả lương cho người lao động. Số lượng và chất lượng công việc được xác định khác nhau tùy theo hình thức trả lương. Ở hình thức trả lương theo thời gian, số lượng lao động được tính được tính căn cứ vào thời gian làm việc của người lao động (theo giờ hay ngày công lao động..), chất lượng lao động được phản ánh qua mức độ phức tạp của công việc thực hiện tương ứng trình độ chuyên môn, kỹ thuật công nghệ… mà người lao động có thể hoàn thành để đáp ứng công việc. Ở hình thức trả lương theo sản phẩm và lương khoán số lượng lao động lại được tính tương ứng với số lượng sản phẩm hoặc khối lượng công việc người lao động hoàn thành, chất lượng lao động chính là chất lượng sản phẩm, công việc đó. Trên thực tế, số lượng và chất lượng lao động mà người lao động đóng góp thể hiện qua năng suất chất lượng và hiệu quả công việc và đây cũng chính là cơ sở thực tế để các bên thỏa thuận về tiền lương. Theo nguyên tắc này, lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, thành thạo chất lượng cao, làm việc nhiều thì trả lương nhiều và ngược lại. Nội sung này cần được vận dung linh hoạt tùy thuộc vào từng hoàn cảnh và những nhóm lao động cụ thể, điều này phù hợp với đặc điểm của thị trường lao động, khả năng kinh tế của từng địa phương, khu vực, từng ngành và từng đơn vị sử dụng lao động đồng thời tránh việc thực hiện phân phối lao động một cách cứng nhắc, không gắn kết quyền lợi của người lao động với hiệu quả kinh tế của đơn vị sử dụng lao động, không tính đến những yếu tố tác động từ bên ngoài tới tiền lương của người lao động. Thực hiện nguyên tắc này cần tránh tư tưởng bình quân chủ nghĩa và quan điểm người lao động tạo ra bao nhiêu giá trị, thì phải
được hưởng đủ bấy nhiêu. Các tư tưởng và quan điểm này sẽ phá vỡ sự công bằng và không đảm bảo tính thực tế trong trả lương.
Về phương diện pháp lý, nguyên tắc trả lương theo số lượng và chất lượng được thể hiện chủ yếu và rõ nét nhất trong việc xây dựng thang lương, bảng lương của Nhà nước và đơn vị sử dụng lao động. Trong cùng một thang lương, bảng lương, nhóm lương, ngạch lương của người lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao được thiết kế với những hệ số mức lương cao hơn ở từng bậc lương tương ứng so với nhóm lương, ngạch lương của người lao động có trình độ chuyên môn thấp hơn. Trong cùng một nhóm lương, ngạch lương mức độ phức tạp của từng công việc hoặc yêu cầu về trình độ lành nghề của người lao động được phản ánh rõ nét trong hệ số mức lương của từng bậc lương. Ngoài ra, nguyên tắc này còn thể hiện qua các quy định cụ thể của pháp luật về tiền lương, làm công việc gì thì hưởng lương theo công việc đó, lương của người lãnh đạo phải cao hơn lương của người bị lãnh đạo… Ý nghĩa của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo công bằng và bình đẳng trong phân phối.
(iv) Tiền lương phải được trả bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho công việc có giá trị ngang nhau
Nguyên tắc này được quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012: “Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau”.
Xuất phát từ mục đích bảo vệ người lao động nữ do một thực tế đã tồn tại từ rất lâu trong việc sử dụng lao động là lao động nữ luôn bị xem nhẹ hơn so với lao động nam, nên tiền lương trả cho lao động nữ thường thấp hơn so với lao động nam. Do vậy, nguyên tăc này đòi hỏi khi xây dựng chế độ tiền lương cũng như khi thỏa thuận và thực hiện việc trả lương không được có sự phân biêt về
trả lương vì lý do giới tính. Nếu công việc như nhau, năng suất và chất lượng công việc như nhau thì lao động nữ và lao động nam phải được trá lương như nhau.
(v) Tiền lương phải được trả trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc
Nguyên tắc này được xác định tại Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2012: “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn”. Tiền lương là một phần thu nhập chủ yếu để đảm bảo sinh hoạt và cuộc sống của người lao động cũng như gia đình của họ. Nguyên tắc này đặt ra nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích tối đa của người lao động việc trả lương và hạn chế được nhiều nguyên nhân như: Trả lương chậm, khấu trừ tiền lương sai quy định, trả lương không đủ, gây khó khăn phiền hà hà cho người lao động. Trong một số trường hợp pháp luật cho phép chủ sử dụng lao động được trả lương thông qua cai thầu, hoặc trung gian, qua ngân hàng... nhằm mục đích quản lý được nguồn thu nhập của người lao động để người lao động thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và không gây phiền hà, khó khăn, nhanh gọn cho cảc các bên trong quan hệ lao động.
Do vậy, việc tiền lương được trả trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn là một yêu cầu hết sức quan trọng nhằm bảo vệ người lao động. Là một nguyên tắc pháp lý quan trọng, nguyên tắc này góp phần đảm bảo cho các nguyên tắc khác được tôn trọng và được thực hiện.